Xa xứ lấy chồng ngoại nhưng gặp trắc trở, nhiều cô dâu Việt Nam trở về nước với một cuộc hôn nhân tan vỡ. Nhưng những hệ lụy pháp lý đã trói chặt đường làm lại cuộc đời.
Chị Vân từng có chồng Hàn Quốc nhưng hôn nhân tan vỡ, đã trở về từ bốn năm nay.
Chị Vân và bé gái con với người chồng sau. Bé không được mang họ cha vì những vướng mắc pháp lý của mẹ và người chồng trước - Ảnh: Viễn Sự |
Vân đang ngồi trên võng ru đứa con gái Lê Thị Ngọc Tuyền 15 tháng tuổi với người chồng sau. Bé Tuyền kháu khỉnh, có đầy đủ mẹ cha như bao đứa trẻ trong ấp Thới Xuân này, chỉ có một điều khác: bé phải mang họ mẹ, bị coi là “con ngoài giá thú” khi trong giấy khai sinh phần tên cha bị bỏ trống.
Tiếng ru buồn từ xứ Hàn
Nhìn ra bờ kênh loáng nước buổi trưa hè, mắt Thu Vân cũng ngập nước mắt, kể lại hành trình ra đi và trở về của cuộc hôn nhân ngang trái với người chồng Hàn Quốc. Đó là năm 2008, Vân lấy người chồng Hàn ở Seoul, nhưng chỉ sau khi sinh đứa con trai đầu lòng được vài tháng thì gia đình chồng không cho Vân chăm con nữa. Mất quyền làm mẹ và mất luôn sự tự chủ về cuộc sống kinh tế, Vân cắn răng bỏ lại đứa con thơ tìm đường trốn về Việt Nam như một cách tự giải thoát. Nhưng không ngờ đó lại là bước đường khóa chặt cuộc sống hôn nhân tương lai của mình.
Về đến Việt Nam được chưa đầy năm thì em gái Vân ở Hàn Quốc báo tin tòa án Hàn Quốc xử xong bản án ly hôn vắng mặt mà người chồng Hàn của Vân gửi đến. Nhưng bản án ly hôn đó em gái Vân không lấy được. Bản thân Vân cũng muốn sang Hàn Quốc để lấy bản án ly hôn nhưng không có tiền mua vé máy bay và cũng không có ai bảo lãnh để được cấp visa. Vậy là không chồng, không con nhưng ở quê nhà Vân đã là phụ nữ đang có chồng mà bằng chứng là tấm giấy chứng nhận độc thân đã được cấp ghi rõ là để lấy chồng Hàn Quốc, cùng bản ghi chú hôn nhân từ Hàn Quốc đã gửi về.
Ôm đứa con gái với người chồng sau vào lòng, Vân tủi phận: “Con nhỏ có ba có má nhưng chắc tới suốt đời bé cũng không được ghi tên ba vào khai sanh...”. Đi cùng chúng tôi đến nhà Vân có anh Nguyễn Hoàng Khải là cán bộ hộ tịch của UBND xã Xuân Thắng. Anh Khải nói rất chia sẻ với hoàn cảnh éo le của Vân nhưng thứ giấy tờ quan trọng nhất để giải thoát cho Vân khỏi cuộc hôn nhân giờ nằm tận Hàn Quốc, quá xa cả về khoảng cách địa lý và thẩm quyền của xã. “Giờ muốn đứa bé này có cha chỉ có cách lấy tên ông chồng Hàn Quốc điền vô giấy khai sanh mới hợp lệ” - anh Khải chua xót.
Mỗi năm có hàng trăm cô gái từ Cần Thơ sang Phúc Kiến (Trung Quốc) đăng ký kết hôn - Ảnh: Đông Phương |
Bỏ xứ mong làm lại cuộc đời
Đã bỏ xứ lấy chồng ngoại một lần để mong đổi đời nhưng hôn nhân tan vỡ, nhiều người trở về từ nhà chồng lại một lần nữa bỏ xứ ra đi mong làm lại cuộc đời. Bởi ở quê nhà cơ hội lấy một tấm chồng tử tế, được luật pháp công nhận là điều quá xa vời khi bản án ly hôn vẫn cứ “lưu lạc” ở quê người chồng cũ.
“Đón con trở về nhưng giờ tui lại để nó đi lần nữa!” - tâm sự ấy là của bà Lê Thị Cúc, mẹ chị Trần Thị Ngọc Giàu (23 tuổi ở xã Vị Thắng, Vị Thủy, Hậu Giang), cô gái một năm trước vừa đào thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục với người chồng ở Phúc Kiến (Trung Quốc). Bi kịch của Giàu cũng tương tự như bao cô gái Việt đưa chân lấy chồng Trung Quốc khác khi không biết gì về người chồng và nơi mình sẽ đến làm dâu.
May mắn hơn nhiều cô dâu Việt, Giàu trốn thoát được về Việt Nam sau nhiều ngày băng rừng và được sự giúp đỡ của công an Trung Quốc. Tuy nhiên, tấm giấy đăng ký kết hôn với người chồng Trung Quốc cứ như “một bản án” bám chặt lấy Giàu. “Cũng có mấy đám mai mối cho nó, nhưng ra xã thì cán bộ lắc đầu vì con Giàu không làm được giấy kết hôn nữa, buồn quá nó bỏ lên Bình Dương làm công nhân nửa năm nay” - bà Cúc buồn rầu. Nói về chuyện của Giàu, ông Nguyễn Văn Kính - phó chủ tịch UBND xã Vị Thắng - nói biết rõ Giàu đã thôi người chồng Trung Quốc nhưng không có bản án ly hôn nên địa phương đành “bó tay” không thể cho Giàu đăng ký kết hôn mới được. Gia đình Giàu từ khi con gái trở về cũng mất hẳn liên lạc với gia đình chồng Giàu bên Trung Quốc. Còn trở lại Trung Quốc để lấy được bản án ly hôn với Giàu có lẽ khó hơn hái sao trên trời.
Cùng một câu chuyện buồn xa xứ trở về rồi lại bỏ xứ ra đi ấy còn có chị Huỳnh Thị Bích Ly (28 tuổi) ở ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng (Thới Lai, Cần Thơ). Khi chúng tôi đến căn nhà vách đất ven mé kênh của gia đình Ly thì Ly không còn ở nhà mà đã lên Sài Gòn phụ bán quán nước từ hai năm nay. Trong nhà chỉ còn cha mẹ Ly còm cõi, sau khi con gái tan vỡ cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc. Cha Ly, ông Huỳnh Văn Sáu, buồn bã: “Con Ly cưới chồng Hàn Quốc được mấy tháng thì bị nhà chồng ép ly hôn để họ gả cho một người khác. Nó chịu không thấu, bỏ về Việt Nam, giấy tờ họ giữ hết. Mà nghe nói gia đình chồng nó ở ngoài đảo, đi thuyền nửa ngày mới tới, làm sao tìm lại được...”.
Ông Sáu thật thà cho con gái lấy chồng Hàn Quốc là để mong cả nhà được đổi đời. Ngày con lấy chồng Hàn Quốc, ông bà được bên mai mối đưa cho 20 triệu đồng, đó cũng là số tiền duy nhất mà gia đình ông đánh đổi được từ khi con gái lấy chồng. Trở về sau cuộc hôn nhân dang dở, cám cảnh cha mẹ nghèo khó, Bích Ly lại một lần nữa rời quê xa xứ, những đồng lương phụ bán quán ít ỏi gửi về chưa đủ nuôi giấc mộng thoát nghèo của cả nhà. Còn tương lai của Ly có lẽ đã bị khóa chặt trong một cánh cửa tủ đựng giấy tờ nào đó ở xứ Hàn - nơi có bản án ly hôn của Ly và người chồng Hàn Quốc.
Sang Malaysia, Singapore làm tiếp viên Đầu năm 2014, PV Tuổi Trẻ nhận được một cuộc điện thoại cầu cứu của T. - một cô dâu Việt lấy chồng ở Phúc Kiến (Trung Quốc) vừa bỏ trốn khỏi nhà chồng. Sau khi được hướng dẫn và nhờ sự giúp đỡ của một số cô dâu Việt tốt bụng, T. đã trở về được Việt Nam sau Tết Nguyên đán. Nhưng chỉ ba tháng sau đó, T. gọi điện báo tin chuẩn bị sang Malaysia lấy chồng. Ngỡ ngàng, chúng tôi đã tìm về nhà T. ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) và được gia đình cho hay không phải T. đi Malaysia lấy chồng mà làm tiếp viên trong một quán karaoke. Gia đình T. cho hay đi cùng đợt với T. còn có năm người khác, cũng trong cảnh lỡ làng sau cuộc hôn nhân tan vỡ với người chồng Trung Quốc. Người nhà nói có ở lại quê T. cũng không lấy được tấm chồng danh chính ngôn thuận vì trên giấy tờ đã kết hôn mà không có bản án ly hôn. Biết điều này, có người đã môi giới, đứng ra lo cho T. sang Malaysia làm việc và hứa hẹn mai mối gả chồng cùng nhiều cô gái đồng cảnh (?). Câu chuyện này cũng được anh Nguyễn Hoàng Khải - cán bộ tư pháp xã Xuân Thắng (Thới Lai, Cần Thơ) - cho biết ở địa phương cũng có những trường hợp tương tự sang Malaysia, Singapore làm phục vụ nhà hàng, nhưng xã không thể nắm hết vì họ đi theo visa du lịch. “Lấy chồng hay làm gì bên đó không ai nắm rõ, nhưng đó là một cách chọn lựa của không ít phụ nữ gặp vướng mắc sau cuộc hôn nhân với những người chồng Trung Quốc, Đài Loan...” - anh Khải nói. |
Kỳ tới: Những đứa trẻ không Tổ quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận