09/06/2023 09:20 GMT+7

Cơ chế vượt trội phải đặc biệt, đủ tầm vóc

Hôm qua 8-6, khi thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao việc có cơ chế đặc thù, đột phá để TP.HCM phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho TP, vùng kinh tế trong vùng và của cả nước.

Cơ chế đặc thù sẽ phát huy mạnh mẻ nội lực, tạo động lực phát triển kinh tế trong vùng và cả nước- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cơ chế đặc thù sẽ phát huy mạnh mẻ nội lực, tạo động lực phát triển kinh tế trong vùng và cả nước- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy vậy, các đại biểu còn nhiều băn khoăn về cơ chế chưa đủ mạnh, hay thời gian thực hiện nghị quyết còn ngắn và mong muốn có một nghị quyết "nặng đô" hơn.

Phân quyền mạnh ngay trong nghị quyết

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) băn khoăn khi cơ chế chưa đột phá mạnh mẽ, vượt trội như kỳ vọng. Những cơ chế về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền đề xuất còn lẻ tẻ, quá cụ thể. Có những nội dung không cần thiết phải do Quốc hội quyết định và phần phân quyền cho UBND TP Thủ Đức cũng chưa rõ.

Bà Thủy đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP.HCM về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu phát triển TP giai đoạn mới.

Theo đó, ngay trong nghị quyết có thể phân quyền luôn cho HĐND TP ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định việc thành lập các cơ quan chuyên môn. Phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp. Quy định về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu về số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn và tổng biên chế từng đơn vị hành chính cấp huyện.

Phân quyền cho UBND TP được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn bảo đảm không vượt mức tổng biên chế đã được quyết định.

"Việc phân quyền cho TP.HCM tự quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy sẽ tăng tính hiệu quả về quản lý, giúp TP có thể áp dụng các giải pháp mới, thử nghiệm các mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu quản lý nhà nước tại mỗi thời kỳ", bà Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa giữa Chính phủ với TP, giữa TP.HCM với các TP, quận, huyện trực thuộc. Việc phân cấp, ủy quyền này không chỉ trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực khác như thẩm quyền quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội và quản lý dân cư...

Tương tự, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cũng đề xuất giao một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho UBND TP.HCM quyết định thành lập cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và một số cơ quan, đơn vị TP thuộc TP.HCM cũng cần được chủ động quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, TP đảm bảo sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân, phục vụ an sinh xã hội ngày một tốt hơn.

Nghị quyết 5 năm là quá ngắn!

Một số ý kiến đại biểu băn khoăn về thời gian thực hiện năm năm có quá ngắn. Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi: "Nên kéo dài hay chỉ hạn chế trong thời gian năm năm?".

Ông cho rằng thời gian thực hiện nghị quyết 54 trước đây quy định là năm năm nhưng với thời gian như vậy, có một số nội dung đều chưa đạt được. Dự thảo lần này thực chất làm tiếp nghị quyết 54 và có thêm một số chính sách, cơ chế mới đối với một số lĩnh vực khác. "Theo tôi, nên tính toán thực hiện trong thời gian từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045", ông Đồng nêu.

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng chỉ có năm năm, với nguồn lực có hạn nên cần tập trung phát triển mạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ cho TP và hạ tầng kết nối vùng Đông Nam Bộ. TP phải xác định rõ danh mục các công trình trọng điểm, tập trung sức để hoàn thành sẽ khả thi hơn.

Bà Xuân cho rằng cần bổ sung quy định về cơ chế và nguyên tắc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nhiều chính sách có liên quan trực tiếp đến các bộ, ngành, địa phương khác, nhất là vấn đề liên quan đến từ hai tỉnh thành trở lên hay vấn đề có ý kiến khác nhau giữa TP với bộ, ngành trung ương, những vấn đề chưa được luật định.

"Dự báo sẽ phát sinh những việc chưa có quy định của luật, của nghị quyết này. Do vậy, cần trao cho TP.HCM thêm cơ chế đặc biệt, báo cáo Chính phủ và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả", bà Xuân kiến nghị.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ quan tâm đến việc tổ chức thực hiện. Theo ông Hạ, khi thực hiện nghị quyết 54 có một số nội dung chậm, làm chưa hiệu quả, một số chính sách còn chờ văn bản hướng dẫn. Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan trung ương còn hạn chế.

Cạnh đó vướng mắc do cơ chế, chính sách nhưng cũng có thể do trình độ của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện. Do đó, ông đề nghị TP.HCM cần rút kinh nghiệm để tránh như nghị quyết 54 vừa qua.

Chính phủ cam kết cùng TP.HCM đưa nghị quyết vào cuộc sống

Nhiều đại biểu đặt vấn đề cơ chế chính sách phải đủ mạnh, đi vào thực tế, có hiệu quả, nếu không sẽ giảm tính hiệu quả của nghị quyết của Quốc hội.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay cơ quan soạn thảo đã cùng với TP.HCM tổ chức tham vấn, hội thảo để lắng nghe các ý kiến, đồng thời bàn bạc, lựa chọn kỹ lưỡng các chính sách để đưa vào dự thảo nghị quyết.

Các cơ chế, chính sách mới, theo bộ trưởng, phải được nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, thuyết minh rõ ràng, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tạo được xung lực phát triển mới cho TP. Cùng với đó là các cơ chế để tăng cường giám sát, kiểm tra khâu tổ chức thực hiện. "Quan trọng nhất là nhóm cơ chế, chính sách mới gồm 27 chính sách. Đây là các chính sách được chọn từ 53 chính sách, đã thống nhất với TP.HCM và các bộ ngành liên quan", ông Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến một số ý kiến lo ngại về tính khả thi, ông Dũng cho biết TP.HCM đã xây dựng kế hoạch thực hiện ngay khi nghị quyết thông qua. Đồng thời, Chính phủ cam kết cùng với TP.HCM để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Một số đề xuất về cơ chế, chính sách cụ thể

- Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình): Việc bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) cho cả lĩnh vực y tế mà không áp dụng hạn mức (luật hiện cho nhưng hạn mức quy định không thấp hơn 100 tỉ đồng). Nếu được Quốc hội chấp thuận, kiến nghị giao HĐND TP quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện.

- Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng): Cần chú trọng đưa ra cơ chế để tạo nguồn lực cho việc phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Cần mở rộng phạm vi các dự án áp dụng cơ chế này, cũng như cho phép thực hiện dự án phát triển đô thị và dự án giao thông nằm trong một tổng thể dự án.

Cho phép TP.HCM được giữ lại nguồn lực từ đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, không gian ngầm, không gian trên cao của điểm kết nối giao thông và vùng phụ cận, được phân bổ toàn bộ kinh phí thu được vào xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phát triển hệ thống giao thông.

- Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau): Đề nghị Quốc hội giao cho HĐND TP.HCM ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn TP, để đón những doanh nghiệp lớn. Nếu thực hiện cơ chế, chính sách chung rất khó để cho TP.HCM đón được những doanh nghiệp lớn.

- Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế): Đề xuất cho phép HĐND TP thông qua ban hành hệ số điều chỉnh giá đất đối với những trường hợp Nhà nước đã cho thuê đất mà trả tiền thuê đất hằng năm.

Cho phép một số trường hợp thu hồi đất mà hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thì được bồi thường bằng tiền hoặc đất khác theo quy định. Cho phép tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm thì được phép chuyển nhượng, mua bán, thế chấp theo đúng tinh thần của nghị quyết 18.

- Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Các chính sách đặc thù đang thí điểm tại TP.HCM cơ bản chỉ tương tự như các địa phương khác, chưa có cơ chế đột phá mang sức nặng tầm vóc vượt trội của TP đặc biệt. Cho nên việc cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù là hết sức cần thiết.

- Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông): Cơ chế thí điểm cho TP.HCM không chỉ đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế đi trước để TP.HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín.

TP.HCM cần sự đồng hành từ nhiều phía

Công nhân tại công trường xây dựng cầu Nhơn Trạch tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: T.T.D.

Công nhân tại công trường xây dựng cầu Nhơn Trạch tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: T.T.D.

Đây là góc nhìn ngoài nội dung nghị quyết nhưng cũng rất quan trọng: việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả.

Đề xuất tổ công tác điều phối

Theo TS Bùi Ngọc Hiền - Học viện Cán bộ TP.HCM, các địa phương khác, nhất là các địa phương lân cận cần nhìn nhận cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM không phải là đặc ân cho TP.HCM mà là đảm bảo sự phát triển của TP.HCM - nơi đóng góp chính cho sự phát triển chung của cả nước, và cũng góp phần vào sự phát triển của địa phương mình.

Các địa phương có thể song hành chia sẻ, vận dụng các kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách từ TP cho địa phương mình.

Các địa phương lân cận như vùng Đông Nam Bộ có thể chia sẻ, kết nối, tận dụng hiệu ứng lan tỏa phát triển từ TP trong liên kết nguồn lực, hạ tầng cơ sở, khai thác phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), nguồn nhân lực... dựa trên khai thác thế mạnh của từng địa phương trong liên kết vùng.

Với góc nhìn đó, TP là địa phương nhận lãnh tiên phong trong việc thử nghiệm cơ chế, chính sách mới. Nhiệm vụ của TP trong thời gian tới hết sức nặng nề và chắc chắn đối diện với không ít rủi ro khi triển khai thực hiện.

Vì vậy, TP cần sự đồng thuận, chia sẻ của các địa phương, sự chung tay vào cuộc của các bộ ngành trung ương trong quá trình tổ chức triển khai nghị quyết. Tuy nhiên, việc triển khai chắc chắn phát sinh những vấn đề vướng mắc, khác biệt, xung đột nên cần sự đồng hành, phối hợp, hướng dẫn từ các bộ ngành trung ương.

Theo dự báo, khi triển khai nghị quyết này thì các vấn đề phát sinh TP gặp phải sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn rất nhiều so với quá trình thực hiện nghị quyết 54.

"Trong trường hợp này, rất cần có quy chế phối hợp giữa bộ ngành với TP. Nên chăng, Thủ tướng thành lập tổ công tác điều phối gồm các bộ ngành liên quan do một phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo để đồng hành cùng TP trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết...", ông Hiền nói.

Bởi lẽ, theo ông Hiền, việc nghiên cứu để đưa ra cơ chế, chính sách mới cho tương lai là nhiệm vụ mà Chính phủ đều quan tâm thực hiện. Thêm vào đó, tổ công tác ngoài chỉ đạo, đồng hành thực hiện nghị quyết mới tại TP.HCM còn chỉ đạo, điều phối cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương đang thí điểm khác (như Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế).

Thậm chí tổ chuyên trách cũng nên có bộ phận giúp việc chuyên nghiên cứu, dự báo các xu hướng phát triển để tham vấn xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách để đón đầu tương lai cũng như hóa giải ngay các xung đột pháp lý, xung đột trách nhiệm trên tinh thần đồng hành cùng TP.HCM cũng như các địa phương thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách mới.

Liên thông tốt, việc chạy nhanh

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, quá trình TP.HCM triển khai nghị quyết mới rất cần bộ ngành hướng dẫn, trả lời cho TP.HCM trong thời gian nhanh nhất đối với các vướng mắc, các việc cần xin ý kiến.

Ông Nguyên nhận định với vai trò đầu tàu, TP đang đứng trước áp lực phải thành công khi triển khai nghị quyết mới. Vì vậy, cần phải giải quyết một trong những hạn chế khiến TP chưa đạt được nhiều kết quả khi thực hiện nghị quyết 54 là sự thiếu nhịp nhàng, rườm rà trong phối hợp, xin ý kiến bộ ngành.

"Khi thực hiện nghị quyết mới, cần quy chế để bộ ngành trả lời cho TP trong thời hạn nhanh nhất. Nếu qua thời hạn này, bộ ngành không trả lời thì TP.HCM sẽ thực hiện theo phương án đề xuất. Có như vậy thì TP mới thúc đẩy tiến độ giải quyết các công việc, lĩnh vực cụ thể khi triển khai nghị quyết mới", ông Nguyên nói.

Cơ chế vượt trội phải đặc biệt, đủ tầm vóc - Ảnh 5.

Các nhiệm vụ khác

• Trong tháng 6, Sở Tư pháp trình UBND TP dự thảo nghị định của Chính phủ cụ thể hóa tổ chức thực hiện những cơ chế, chính sách mà nghị quyết mới quy định.

• Trước 30-6, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu chỉ thị của Thành ủy thực hiện nghị quyết mới; kế hoạch của UBND thực hiện chỉ thị này trình UBND TP.

• Trong quý 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp bộ, ngành trung ương trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành nghị quyết mới.

• TP lập tổ công tác do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nội dung nghị quyết mới.

• Sở Tài chính tham mưu cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các nội dung, đề án đúng tiến độ, chất lượng.

• Các sở, ngành chủ động triển khai các nội dung được phân theo bảy nhóm lĩnh vực, tham mưu đề án triển khai trong quý 2, 3. Xác định rõ lộ trình, tiến độ các bước xây dựng nội dung, đề án.

• Phân công HĐND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát các nội dung, đề án để kịp thời góp ý, phản biện.

Cơ chế đột phá, cần phân quyền mạnh hơn cho TP.HCMCơ chế đột phá, cần phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét cơ chế phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP.HCM trong việc tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp