25/12/2024 10:33 GMT+7

Cơ chế điện gió ngoài khơi: Vẫn kém hấp dẫn, nhiều rủi ro

Cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi được kỳ vọng là sẽ tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đánh giá nhiều quy định vẫn chưa phù hợp và có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Cơ chế điện gió ngoài khơi: Vẫn kém hấp dẫn, nhiều rủi ro - Ảnh 1.

Nhà đầu tư cho rằng cần tăng tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài lên mức 85% khi thực hiện dự án điện gió ngoài khơi - Ảnh: P.SƠN

Dự thảo nghị định quy định một số điều của Luật Điện lực sửa đổi (có hiệu lực từ 1-2-2025) về phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, đã dành chương riêng quy định về phát triển điện gió ngoài khơi với nhiều cơ chế đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư.

Nhiều ưu đãi mới gắn tiêu chí lựa chọn

Cụ thể, dự án sẽ được miễn tiền sử dụng khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng; giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 12 năm kể từ khi đưa vào vận hành.

Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, khi thực hiện dự án điện gió ngoài khơi sẽ phải đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường và các tiêu chí lựa chọn.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ phải triển khai ít nhất một dự án điện gió ngoài khơi có quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc thế giới. Đáp ứng yêu cầu năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng phải có giá trị tổng tài sản ròng trong ba năm gần nhất đã được kiểm toán lớn hơn tổng mức đầu tư dự kiến của dự án.

Cũng theo dự thảo, nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia toàn bộ 100% vốn cho dự án mà phải có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước, với tỉ lệ vốn tối đa là 65%.

Dự án phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao. Nhà đầu tư trong nước khi tham gia dự án phải có năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm để triển khai dự án.

Theo dự thảo, việc lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở quy định về đấu thầu. Trong đó, mức trần giá điện trong hồ sơ mời thầu không cao hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành; giá điện trúng thầu lựa chọn nhà đầu tư là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu.

Nhưng nhiều ràng buộc, rủi ro cao

Sau một thời gian dài chờ đợi các chính sách, các nhà đầu tư cho rằng các cơ chế mới sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng một số quy định đưa ra là chưa phù hợp.

Đơn cử như việc đánh giá năng lực tài chính với giá trị tổng tài sản ròng trong ba năm gần nhất được xem là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định hướng dẫn về đấu thầu, có thể loại bỏ nhà đầu tư có năng lực.

Trong thực tế, theo một nhà đầu tư, với dự án đầu tư có quy mô lớn, sẽ được đầu tư theo hình thức huy động vốn tài chính dự án.

"Nhà đầu tư sẽ không sử dụng vốn chủ sở hữu để góp toàn bộ vốn đầu tư của dự án, mà tỉ lệ này chỉ chiếm khoảng 20 - 25%, còn lại huy động từ các bên cho vay quốc tế dưới hình thức khác nhau. 

Vì vậy, giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư hoàn toàn có thể thấp hơn tổng mức đầu tư nhưng vẫn đảm bảo năng lực thực hiện dự án nhờ nguồn vốn vay và các hình thức huy động khác", vị này nói.

Cũng theo các doanh nghiệp, việc quy định nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 65% vốn điều lệ là chưa phù hợp với giai đoạn khởi tạo phát triển ngành điện gió ngoài khơi bởi tổng vốn đầu tư của một dự án điện gió ngoài khơi rất lớn, lên tới 4 - 5 tỉ USD cho 1GW.

Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước hiện nay chưa có kinh nghiệm phát triển dự án điện gió ngoài khơi sẽ khó có thể sẵn sàng huy động nguồn vốn đầu tư tương đương với 35% hoặc lớn hơn tổng vốn đầu tư dự án.

Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị cần nâng tỉ lệ sở hữu tối đa lên mức 85% và nhà đầu tư trong nước là 15%.

Nhiều rủi ro trong đàm phán giá điện với EVN

Đối với quy định đàm phán giá điện với EVN sau khi trúng thầu, cộng đồng doanh nghiệp điện gió lo ngại sẽ làm kéo dài thời gian thương thảo hợp đồng mua điện, triển khai dự án và làm gia tăng chi phí cho nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư và EVN không thể thống nhất về giá điện, có thể dẫn đến việc phải hủy kết quả, tổ chức lại, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và các bên liên quan.

Chưa kể, quy định giá trúng thầu có thể tiếp tục giảm sau khi đàm phán giá điện với EVN sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đấu thầu chào giá điện thấp nhất, do sẽ phải tính toán đến rủi ro của việc đàm phán giá và không đạt mục tiêu đấu thầu có giá điện tốt nhất.

Cơ chế điện gió ngoài khơi: Vẫn kém hấp dẫn, nhiều rủi ro - Ảnh 2.Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi năng lượng tái tạo, mở vốn ngoại cho điện gió ngoài khơi

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới với loạt chính sách ưu đãi mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp