Dự án kè sông Cần Thơ đang được triển khai tạo diện mạo mới cho thành phố trong năm 2022 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Nhiều nhận định kỳ vọng đây là bước ngoặt và là "cú hích" cho sự phát triển của TP vốn chưa phát triển xứng tầm với lợi thế và tiềm năng của mình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng việc ban hành nghị quyết là tiền đề và tạo điều kiện khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của TP, góp phần thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra tại nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị (về phát triển Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Nghị quyết này không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững mà còn là động lực cho sự phát triển của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
* Cơ chế nào trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo "cú hích" ngay sau khi có hiệu lực, thưa ông?
- Trong tờ trình có 4 nội dung liên quan đến việc giao thẩm quyền cho TP gồm: Quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và điều chỉnh mức phí, lệ phí; Quản lý đất đai; Quản lý quy hoạch; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Có 6 cơ chế, chính sách được thực hiện thí điểm khi tổ chức thực hiện đồng bộ cùng các giải pháp điều hành phù hợp với đặc điểm tình hình của TP trong từng thời điểm cụ thể đều phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Đối với các chính sách liên quan về tài chính, ngân sách và thu nhập cán bộ công chức đòi hỏi phải kết thúc năm ngân sách mới có thể tổ chức thực hiện chính sách vì hiện nay dự toán ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành quyết định giao dự toán và tổ chức triển khai thực hiện.
Về quản lý đất đai sẽ tổ chức thực hiện đối với từng dự án cụ thể theo quyết định chủ trương đầu tư của cấp thẩm quyền.
Về quản lý quy hoạch hiện nay TP đang tổ chức lập và trình phê duyệt các quy hoạch. Và đối với 2 chính sách còn lại TP sẽ tổ chức triển khai cũng như phối hợp với các bộ ngành trung ương triển khai thực hiện sau khi nghị quyết được ban hành theo lộ trình cụ thể đúng theo quy định.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phải chờ, mà TP đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động thực hiện các nhiệm vụ cần thiết để triển khai các nhiệm vụ cụ thể khi nghị quyết được ban hành.
Trong đó, đối với 2 chính sách nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ sẽ giải quyết bài toán đầu ra cho nông, thủy sản của vùng, thiết lập chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các khâu từ thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối và xuất khẩu, góp phần giải quyết điểm nghẽn về logistics, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chẳng hạn việc khuyến khích thực hiện xã hội hóa các dự án nạo vét theo phương thức thu hồi sản phẩm sẽ vừa giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, đồng thời tận dụng được nguồn sản phẩm thu hồi là cát và bùn để góp phần làm giảm bớt tình trạng khan hiếm vật liệu san nền, cát xây dựng cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm không chỉ đối với Cần Thơ mà còn cả các tỉnh vùng nam sông Hậu.
* Về cơ chế vay và được giữ lại 100% số thu ngân sách vượt để đầu tư hạ tầng sẽ giải quyết vấn đề gì cho Cần Thơ?
- Những chính sách về dư nợ vay và về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu sẽ tạo nguồn lực cho TP đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tập trung giải quyết "điểm nghẽn" về cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông kết nối, phát huy được vị trí TP là trung tâm vùng, đầu mối giao thông quan trọng và kết nối 2 trục kinh tế năng động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn xét về mặt xã hội, thực hiện chính sách sẽ giúp Cần Thơ tăng thêm nguồn lực, đảm bảo chủ động được nguồn vốn để đầu tư các dự án xây dựng cơ bản trong lĩnh vực môi trường, cấp thoát nước, giao thông đô thị, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng Cần Thơ trở thành TP sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao.
* Một trong những cơ chế rất mới là cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác với quy mô tới 500ha. Việc này sẽ tạo điều kiện cho TP phát triển đô thị và kêu gọi đầu tư, nhưng làm sao để ngăn chặn đất đai rơi vào tay các "ông lớn" đầu tư bất động sản?
- Tôi nghĩ việc phân cấp thẩm quyền này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền địa phương trong việc chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai.
Mặc dù phân cấp cho TP, nhưng việc tổ chức thực hiện phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đồng thời phải thực hiện theo trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa được ủy quyền do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Bên cạnh đó, với quy trình xem xét, quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn, đúng theo quy hoạch TP thì sẽ không để xảy ra tình trạng tổ chức kinh doanh bất động sản thâu tóm đất đai, không phát huy hiệu quả sử dụng đất của TP.
* Vấn đề quyết định sự thành bại của nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù là TP sẽ tổ chức triển khai thế nào trên thực tế để đạt hiệu quả cao nhất?
- Tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP chủ động phối hợp, đề xuất các nội dung tổ chức triển khai thực hiện cụ thể đối với từng chính sách.
Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND TP và UBND TP thì phải chủ động tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục để tham mưu UBND TP trình HĐND TP quyết nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền tại kỳ họp gần nhất của HĐND TP, hoặc tham mưu UBND TP ban hành văn bản tổ chức thực hiện theo thẩm quyền ngay khi nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, chủ động tham mưu UBND TP đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và trong thời gian sớm nhất.
Việc tổ chức triển khai thực hiện sẽ không hiệu quả nếu như không có sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân TP.
Do đó ngay khi nghị quyết được ban hành, UBND TP sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để tạo sự đồng thuận, đồng lòng, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền TP tổ chức thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách được Quốc hội ban hành.
Sản phẩm nông nghiệp là một trong những nội dung được hưởng lợi từ cơ chế đặc thù cho Cần Thơ. Trong ảnh: chế biến cá tra tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt - Ảnh: CHÍ QUỐC
6 cơ chế đặc thù cho Cần Thơ
1 Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước: Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
HĐND TP quyết định áp dụng trên địa bàn TP đối với một số loại phí, lệ phí... Trong đó ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm để đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác...
2 Về quản lý đất đai: HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng.
3 Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch: Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định.
4 Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức: Thực hiện cơ chế tạo nguồn cho cải cách tiền lương theo quy định; HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
5 Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đảm bảo một số tiêu chí sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi.
6 Áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Quốc hội tán thành với tỉ lệ 92%
Chiều 11-1, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ với 92% ý kiến tán thành. Báo cáo giải trình ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Phú Cường - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho biết tại kỳ họp, hầu hết các ý kiến nhất trí ban hành nghị quyết thí điểm vì cho rằng cơ bản các chính sách được đề xuất áp dụng cho Cần Thơ phù hợp với nghị quyết 59 của Bộ Chính trị và cơ bản tương đồng với các chính sách đã được Quốc hội quyết định cho một số địa phương tại kỳ họp thứ 2.
"Việc này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Cần Thơ mà còn có tính lan tỏa, thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển đối với tất cả các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long" - ông Cường nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay ngoài các chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm ở một số địa phương trong thời gian vừa qua, điểm mới của nghị quyết này là Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng Cần Thơ.
Đồng thời đưa ra chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
NGỌC HIỂN - THẢO LÊ
- TS Trần Hữu Hiệp:
Nhanh chóng kích hoạt vận hành cơ chế đặc thù
Điều quan trọng là phải nhanh chóng kích hoạt vận hành cơ chế. Điều đó đòi hỏi năng lực tổ chức bộ máy, hiệu quả thực thi của chính quyền TP, yêu cầu tăng cường liên kết vùng, liên vùng để thu hút các nguồn lực và tác động lan tỏa, cần sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2020 chỉ mới chuyển đổi được 802ha trong tổng số 3.825ha tổng diện tích hạn mức đất trồng lúa cần chuyển đổi, tức là mới đạt 20,97%.
Điều đó cho thấy "điểm nghẽn" thủ tục và thẩm quyền, nhưng cũng bộc lộ khoảng trống thực thi so với chỉ tiêu kế hoạch. Sự hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị bộc lộ thời gian qua, việc triển khai chậm các công trình trọng điểm, thực hiện chức năng của một đô thị lớn chưa nổi trội, đó là những việc cần được khắc phục ngay khi TP được trao thẩm quyền lớn hơn, cơ hội được mở ra nhiều hơn, yêu cầu phải cao hơn và trách nhiệm nặng nề hơn.
Điều Cần Thơ cần, người dân cần là sự vượt trội cần thiết phù hợp bối cảnh thực tiễn của địa phương. Cơ chế thí điểm có thể tạo ra nguồn lực mới, nhưng nguồn lực có thực sự được tạo ra hay không phụ thuộc vào hiệu quả thực thi được kích hoạt.
- TS Võ Hùng Dũng (nguyên giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ):
Cần giới thiệu diện mạo Cần Thơ tương lai
Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù là tin mừng với Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo tôi, ngay bây giờ lãnh đạo TP cần rà soát lại quy hoạch của TP vì hiện nay có rất nhiều quy hoạch bất hợp lý, chồng chéo mà tôi thấy nó như một rào cản, một cái "vòng kim cô" làm cho TP thiếu năng động, không thu hút được đầu tư tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị.
Trong quy hoạch giao thông cần đặc biệt chú ý quy hoạch về logistics, nhất là logistics cho nông nghiệp. Hội tụ đủ điều kiện giao thông về đường sông, đường bộ, đường biển, đường sắt, nơi đây trở thành trung tâm thì mới thúc đẩy cho sự phát triển nông nghiệp cả vùng.
Quy hoạch này gồm các bến cảng, điểm phân phối hàng hóa, là điều kiện tốt cho các công ty logistics về đây đầu tư.
Thứ ba là quy hoạch về đô thị cho xứng tầm. Đây dường như là điểm Cần Thơ còn yếu, chưa thấy công bố hay giới thiệu một khu vực nào cho diện mạo của TP tương lai để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Các quy hoạch hiện tại cũ kỹ, lạc hậu, nếu nhìn hiện tại TP chưa giới thiệu được diện mạo tương lai thì khó thu hút đầu tư.
Cuối cùng, theo tôi, TP cần xây dựng một chương trình làm việc bài bản, kết hợp với các tỉnh thành trong khu vực, để thúc đẩy ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận