Ngại đường vòng vắng vẻ lên cầu Vàm Cống, người dân chọn cách đi về trên đò ngang qua sông Hậu và mong bến phà Vàm Cống hoạt động lại với phà lớn qua sông an toàn hơn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chị Mai Thanh Đoạn (38 tuổi, ngụ phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc xảy ra với mình vài tháng trước.
Chị là công nhân Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI) ở Cụm công nghiệp Vàm Cống (Đồng Tháp). Ngày còn phà, chỉ cần chạy hơn 1km là có phà Vàm Cống rồi đến công ty rất nhanh. Nay phải đi đường vòng 15km.
Chị làm ca sáng, phải có mặt ở công ty khoảng 4h20. Chị phải thức dậy lúc 3h30, đi xe máy qua cầu Vàm Cống rồi quẹo xuống cụm công nghiệp.
"Đường lên cầu vắng lắm, bữa đó có hai thanh niên lạ mặt chạy theo hỏi có tiền đưa tiền hoặc đưa điện thoại. Tôi có cái điện thoại cùi, họ không lấy mà kêu đưa hết tiền, vét túi có 152.000 đồng họ lấy hết. Vô đến công ty vẫn còn lo sợ", chị Đoạn kể.
Theo chị Đoạn, từ lúc phà ngưng chạy, đi đường cầu xa hơn chục cây số lại phập phồng lo sợ vì đi làm sớm mà đường thì vắng vẻ. Chị Đoạn tỏ ra rất vui khi nghe tin bến phà sẽ giao lại cho An Giang đưa rước công nhân và bà con qua lại đôi bờ.
Ông Lê Văn Chung - tổng giám đốc IDI (thành viên Tập đoàn Sao Mai) - cho biết công ty ông có gần 5.000 công nhân chế biến thủy sản, trong đó gần 2.000 công nhân từ bên bờ TP Long Xuyên (An Giang) sang Đồng Tháp làm việc.
Nếu đi qua cầu Vàm Cống phải vòng xa hơn 15km, còn nếu đi đò Cái Dung sang xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tiếp tục đi đò sang bờ Lấp Vò, Đồng Tháp rồi chạy lòng vòng hơn 3km mới đến chỗ làm.
Bến đò Cái Dung chật hẹp, đường nhỏ, công nhân đông đúc, lênh đênh trên sông Hậu rất nguy hiểm, tốn thời gian và chi phí đi đò gấp 3 lần so với đi phà trước đây.
Công ty đã hỗ trợ tiền phà, đò cho các công nhân 250.000 đồng/tháng/người. Công ty cũng khuyến khích công nhân ở trọ lại và sẽ hỗ trợ tiền, nhưng phần lớn không đồng ý.
Cụm công nghiệp Vàm Cống có gần 7.000 công nhân, mấy ngàn người từ An Giang qua. Lượng công nhân bên Đồng Tháp qua làm ở An Giang cũng đông.
"Công nhân phải đi làm vất vả và nguy hiểm hơn trước. Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành sớm bàn giao bến phà lại cho An Giang và Đồng Tháp để đưa rước người dân và công nhân qua lại. Chậm ngày nào chúng tôi lo lắng ngày đó" - ông Chung nói.
An Giang mượn bến phà nhưng chưa được phản hồi
Một lãnh đạo phà An Giang cho biết khi khánh thành cầu Vàm Cống, hai chiếc phà loại 200 tấn đã bàn giao lại cho An Giang. Số còn lại đưa đến các bến phà trực thuộc cụm phà Vàm Cống. Riêng bến Vàm Cống dự kiến giao lại cho An Giang quản lý.
Hiểu được nhu cầu đi lại qua phà rất lớn, sau khi tiếp nhận hai phà của cụm phà Vàm Cống thì đơn vị đã sửa chữa, sẵn sàng chuẩn bị cho việc khai thác.
Đơn vị đã có kế hoạch nhân sự cho phà hoạt động, nhưng chờ lâu vẫn chưa có quyết định bàn giao tài sản nên chưa đưa đón khách được.
Còn ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tháng 4-2020, tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc tạm mượn cơ sở hạ tầng phà Vàm Cống phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực hai bên bờ sông Hậu.
Theo đó, UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận cho địa phương được mượn cơ sở hạ tầng bến phà Vàm Cống để phục vụ hoạt động đưa, đón khách sang sông tại khu vực này.
Nếu được chấp thuận, UBND tỉnh An Giang sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp lập quy chế hoạt động bến, tổ chức triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy theo quy định. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa nhận được phản hồi từ bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận