Có cây cầu bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng để thoát cảnh "lụy đò" đã từng là ước mơ trăm năm với người dân miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là người dân sống hai bên bờ sông Hậu thuộc hai tỉnh này.
Đường xa sẽ hóa gần
Cầu Đại Ngãi là công trình chiến lược cho trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh ĐBSCL, có cầu này sẽ rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP.HCM so với đi trên tuyến quốc lộ 1 hiện nay.
Lần này, cầu Đại Ngãi đã được ấn định ngày khởi công vào tháng 10-2023, bao người dân vui mừng với tin này.
Bà Trần Ngọc Lan (sống ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết người dân ven biển đã hàng chục năm trông chờ tin cầu Đại Ngãi khởi công. Đường quốc lộ Nam Sông Hậu đã thông với quốc lộ 60 đi Trà Vinh, Bến Tre và TP.HCM nhưng lại "tắc" bởi hai chuyến phà.
"Từ Sóc Trăng đi theo quốc lộ 60 qua Trà Vinh không xa, nhưng thời gian chờ đợi bốn lượt phà đi về đã mất nửa ngày. Sắp tới có cầu Đại Ngãi, không còn cảnh chờ đợi phà nữa, tui và người dân ở Sóc Trăng mừng lắm, ngủ không được luôn", bà Lan chia sẻ.
Theo ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, thông tin cầu Đại Ngãi sắp khởi công thu hút sự quan tâm của người dân, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
"Giao thông kết nối, vận chuyển hàng hóa dễ hơn. Các doanh nghiệp sẽ cởi bỏ tâm lý ngán ngại đường xa cách trở và chi phí vận chuyển tăng cao để mạnh dạn đầu tư vào các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, cần đầu tư mở rộng những đoạn còn hẹp trên quốc lộ 60 đến cầu Rạch Miễu, để xe container vận chuyển hàng hóa được thuận lợi", ông Lực kỳ vọng.
Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết dự kiến trong tháng 10-2023 sẽ khởi công cầu Đại Ngãi. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công trước ngày khởi công.
"Đây là công trình chiến lược, là trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh ĐBSCL. Người dân Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung rất vui, chờ đợi cầu Đại Ngãi khởi công từ nhiều năm nay rồi", ông Lâu cho biết.
Cầu Đại Ngãi nằm trên quốc lộ 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, có điểm đầu giao quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Toàn tuyến dự án cầu Đại Ngãi có chiều dài trên 15km, 5 nút giao, 7 cầu; trong đó có 2 cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2. Tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ban Quản lý dự án 8 (Bộ Giao thông vận tải) được giao làm đại diện chủ đầu tư.
Cơ hội cho các tỉnh ven biển
Cầu Đại Ngãi là nút giao thông quan trọng trên tuyến đường ven biển. Khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, áp lực giao thông trên quốc lộ 1 được giải tỏa.
Ngoài ra, theo ông Trần Văn Lâu, cây cầu này cũng sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao khi các khu kinh tế Định An, khu công nghiệp Trần Đề, Đại Ngãi, Mỹ Thanh, Vĩnh Châu... đi vào hoạt động, tăng khả năng đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Nam.
"Không chỉ riêng Sóc Trăng hay Trà Vinh, khi có cầu Đại Ngãi, giao thông được kết nối liên hoàn, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực ĐBSCL, góp phần tiêu thụ hàng hóa, nông sản và giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân", ông Lâu cho biết.
Tới đây, người dân từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nhanh chóng và thuận tiện hơn khi qua sông Hậu bằng cầu Đại Ngãi, sang Trà Vinh sẽ theo quốc lộ 54, quốc lộ 60 và qua sông Tiền bằng cầu Rạch Miễu và cầu Rạch Miễu 2 để đi về TP.HCM.
Hiện nay, cầu Rạch Miễu 2 cũng đang được gấp rút thi công. Ông Đặng Ngọc Minh - giám đốc dự án cầu Rạch Miễu 2 - cho biết hiện các đơn vị đang tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ ở những nơi đã được bàn giao mặt bằng. Theo ông Minh, đến nay các gói cầu chính dây văng đã hoàn thành toàn bộ cọc khoan nhồi của các trụ tháp và trụ neo.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết nếu thuận lợi trong kết nối tài chính với Ngân hàng Hàn Quốc thì dự kiến trong quý 1-2024 sẽ khởi công cầu Ba Lai 8, đồng thời sẽ khởi công đường ven biển đoạn qua tỉnh Bến Tre.
"Tỉnh Bến Tre cũng đã quy hoạch đường kết nối giữa trung tâm thành phố Bến Tre với đường ven biển (gọi là đường động lực nội tỉnh) để phát huy tối đa đường ven biển mở ra hành lang kinh tế mới cho địa phương", ông Tam cho hay.
Theo đó, đường ven biển đoạn qua Bến Tre cũng đang được các cơ quan chức năng ráo riết chuẩn bị thực hiện.
Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã có tờ trình gửi liên bộ (Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính) về việc đề xuất xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh. Theo đó, tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài dự án khoảng 25,2km với tổng mức đầu tư dự án hơn 7.905 tỉ đồng sử dụng nguồn vốn đầu tư từ khoản vay hỗ trợ bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và ngân sách tỉnh đối ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận