Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế tới làm việc tại một địa điểm giáp với Trung Quốc ngày 9-2 - Ảnh: THÚY ANH
Ngày 9-2, Bộ Y tế đã công bố bệnh nhân thứ 14 nhiễm virus corona. Bệnh nhân này là nữ, 55 tuổi, sống tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và là hàng xóm của N.T.D. - nữ bệnh nhân 23 tuổi trong nhóm công nhân 8 người ở Vĩnh Phúc đi tập huấn tại Vũ Hán, Trung Quốc, về nước hôm 17-1.
Có cần cách ly vùng dịch ở Vĩnh Phúc như Trung Quốc đã từng làm ở Vũ Hán, khi ở đây có những ca lây nhiễm khá đặc biệt đã được một số chuyên gia nêu ra?
Điều đáng chú ý là sau khi D. mắc bệnh, đến nay đã ghi nhận cô của D., mẹ đẻ, em ruột và hàng xóm của D. cũng mắc bệnh. Như vậy, biện pháp cách ly tại nơi ở hoặc nơi lưu trú liệu có đảm bảo an toàn, khi virus corona đã lây lan ngoài cộng đồng?
Cần biện pháp mạnh?
Ca bệnh do virus corona thứ 13 đặc biệt bởi bệnh nhân không có biểu hiện bệnh nhưng xét nghiệm vẫn dương tính với virus corona. Người không có biểu hiện bệnh, mắc bệnh, cộng đồng khó có thể nhận biết được để phòng tránh.
Và ca bệnh số 14 khá đặc biệt (là hàng xóm của bệnh nhân D. - người nhiễm bệnh từ Vũ Hán về, thời gian gặp gỡ rất ít, không ở cùng nhà với bệnh nhân đã nhiễm bệnh) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng dịch tại Vĩnh Phúc. Vì có thể trong cộng đồng mà N.T.D. từng ở sẽ có thêm bệnh nhân nhiễm bệnh.
Cụ thể, ngày 28-1, khi bệnh nhân thứ 14 đến chơi, chúc tết, chỉ ở lại nhà D. khoảng 1 giờ và từ đó lây bệnh, trong khi ngày 30-1, D. mới được xác định mắc bệnh. Trong thời gian 2 ngày này, em gái ruột của D. (16 tuổi, đang học lớp 10) vẫn đi học bình thường, có tiếp xúc với các bạn trong lớp, đặc biệt là 6 bạn ngồi gần (hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã cách ly 41 em học sinh có tiếp xúc với em gái D.).
Do lúc đó D. chưa mắc bệnh nên em D. cũng chưa đeo khẩu trang và các bạn khác cũng tương tự. Hiện em và mẹ D. đều đã được xác định mắc bệnh, những người có tiếp xúc gần với em của D. đều trong diện có nguy cơ, hiện những người này chưa qua thời gian cách ly 14 ngày.
Hàng xóm của D. và những người khác trong gia đình cũng tương tự. Thời gian được coi là "khoảng trống" là thời điểm từ tết đến 30-1, khi D. được xác định mắc bệnh; những người đã tiếp xúc là ai, có cần xét nghiệm sớm để khẳng định và từ đó có cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn với khu vực có dịch không?
Đồ họa: N.KHANH
Rất khó giám sát
Sau ca bệnh thứ 14, đã có ý kiến chuyên môn cho rằng cho đến nay, việc giám sát từng cá nhân có tiếp xúc gần với bệnh nhân là không đủ, vì rất khó lập một danh sách những người từng tiếp xúc gần.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-2, thông tin từ Bộ Y tế cho biết bộ đang xem xét những biện pháp chống dịch mạnh hơn tại Vĩnh Phúc, trong đó có biện pháp lau chùi vật dụng và bề mặt khu vực có dịch bằng dung dịch sát khuẩn.
Không tuân thủ cách ly, có thể bị cưỡng chế
Phát biểu ngày 8-2 với bệnh viện, cơ sở y tế các tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết qua đi khảo sát tại các cơ sở cách ly người từ vùng dịch ở Trung Quốc về, ông Sơn nhận thấy khu cách ly sử dụng giường tầng và giường kê rất sát.
"Nếu ông giường trên ho có thể văng xuống giường dưới hoặc giường bên cạnh, nên đảm bảo khoảng cách giữa các giường trong khu cách ly là 2m" - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, trước tình trạng người bị cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú vẫn tiếp xúc với người khác, ông Sơn cho biết quy định hiện nay cho phép cưỡng chế những người bị cách ly nếu vẫn ra khỏi khu cách ly.
Ngày 9-2, Bộ Y tế cho biết tính đến 11h ngày 9-2, tổng số mẫu xét nghiệm người nghi nhiễm virus corona là 759 người, có 14 mẫu dương tính, 745 người âm tính. Bệnh nhân nhiễm virus corona nặng nhất (nam giới 66 tuổi người Trung Quốc) đã có tiến triển bệnh rất tốt. (LAN ANH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận