28/04/2020 06:30 GMT+7

Có cần chọn vua làm biểu tượng công lý?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Việc TAND tối cao quyết định chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý đang gây ra những ý kiến phản đối mạnh mẽ trong dư luận.

Có cần chọn vua làm biểu tượng công lý? - Ảnh 1.

Có 3 mẫu phác thảo tượng được gửi lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án. Mẫu 1: vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo. Mẫu 2: tay phải vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị. Mẫu 3: tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý. Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, cao 5,3m.

Việc dựng tượng vua để tôn kính thì được nhưng coi ông là biểu tượng công lý thì... nực cười quá.

Ông Ngô Cường (nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND tối cao)

Ngày 27-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Tiến Hùng - chánh văn phòng, người phát ngôn của TAND tối cao - cho biết cơ quan này đang tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý để báo cáo Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng xem xét, quyết định.

Thể hiện sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp?

Vụ việc bắt nguồn từ ngày 20-2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thống nhất tôn vinh vua Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Ngày 24-4, phó chánh văn phòng TAND tối cao đã ký công văn gửi tòa án các cấp về việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở Tòa án quân sự và tòa án các cấp.

Theo thuyết minh của TAND tối cao, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ "Hình thư" - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ... Việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý được TAND tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

Theo ông Ngô Tiến Hùng, việc lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được triển khai từ hai năm trước. TAND tối cao đã phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức hội thảo, trong đó có sự tham gia của nhiều nhà sử học nổi tiếng. Kết quả 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng của ngành. 

Tiếp đến, TAND tối cao đã có văn bản xin ý kiến các cơ quan, ban ngành trung ương và nhận được ý kiến đồng thuận. Vì vậy TAND tối cao mới thống nhất lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử.

Trong văn bản gửi đến các tòa án, TAND tối cao cho biết việc dựng tượng sẽ được triển khai trên toàn hệ thống tòa án. Tuy nhiên, đã có ý kiến phản đối mạnh mẽ cho rằng việc lựa chọn biểu tượng công lý này là tùy tiện, không có cơ sở và lãng phí.

Một bức tượng khoảng 300 triệu đồng

Theo ông Ngô Tiến Hùng, dự kiến tượng sẽ được đặt tại quảng trường Công lý - thuộc dự án trụ sở TAND tối cao mới ở 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở TAND tối cao đã được phê duyệt. Dự toán kinh phí một bức tượng khoảng 300 triệu đồng. "Hiện một số tòa án địa phương có đề xuất xây dựng tượng, nhưng TAND tối cao không có chủ trương này" - ông Hùng nói thêm.

"Không cần thiết"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Cường - nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND tối cao - cho rằng việc chọn biểu tượng công lý và dựng tượng trên hệ thống tòa án là hoàn toàn không cần thiết và không có nhiều ý nghĩa về mặt nhận thức.

"Chúng ta không ai biết một chữ nào trong bộ "Hình thư" do vua Lý Thái Tông ban hành. Bộ luật dưới thời phong kiến dù tiến bộ đến đâu vẫn còn thể hiện sự bất bình đẳng giữa các giai cấp, thủ tục xét xử không thể nào khách quan, hình phạt thì rùng rợn, hà khắc. Việc dựng tượng vua để tôn kính thì được nhưng coi ông là biểu tượng công lý thì... nực cười quá" - ông Ngô Cường nói.

"Tôi đi nhiều tòa án các nước trên thế giới và chưa thấy nước nào lựa chọn một con người cụ thể làm biểu tượng công lý. Tòa án tối cao các nước đa số sử dụng tượng nữ thần công lý nhưng họ làm tượng rất nhỏ, đắp trên tường ở sảnh ra vào chứ không làm đồ sộ cao hơn 5m đặt ở khuôn viên như dự án ở Việt Nam" - ông Cường góp ý.

Một cán bộ thuộc TAND tối cao cho rằng mẫu phác thảo vừa đưa ra là sự sao chép quan niệm "Đông - Tây" một cách gượng ép. Cái cân biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng là quan niệm của phương Tây. Bây giờ bắt ông vua phương Đông giơ cán cân sẽ gợi lên sự phản cảm. Chưa kể về tổng thể thì cả ba mẫu phác thảo do TAND tối cao đưa ra rất giống tượng Lý Thái Tổ mà nếu chọn 1 trong 3 mẫu thì có thể sẽ xảy ra vụ tranh chấp về bản quyền với tác giả tượng Lý Thái Tổ.

Góp ý thêm về vấn đề này, luật sư Trần Quang Mỹ (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng công lý là phạm trù rất rộng, từ việc xây dựng pháp luật đến thực thi pháp luật. Hoạt động xét xử chỉ là phạm trù rất nhỏ của công lý. 

"Tôi nghĩ rằng TAND tối cao không có thẩm quyền lựa chọn biểu tượng công lý. Nếu tòa chọn và dựng tượng được thì sau này mỗi cơ quan sẽ chọn một nhân vật khác nhau làm biểu tượng của ngành mình. Ngân sách nhà nước sẽ nặng gánh bởi những tượng đài không đem lại nhiều ý nghĩa. Việc quyết định biểu tượng công lý phải xin ý kiến toàn dân và xin ý kiến Quốc hội rồi mới quyết định. Đất nước còn nhiều khó khăn, còn nhiều chuyện phải lo nên lúc này chưa phải thời điểm để dựng tượng công lý khắp nơi" - luật sư Mỹ thẳng thắn.

Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng việc dựng tượng to, đẹp, tổ chức dâng hương... là gây tốn kém, lãng phí. Chưa kể hiện có nhiều tòa án quận, huyện... trụ sở rất bé, việc bố trí dựng tượng là không phù hợp.

Trước các ý kiến trái chiều hiện nay, TAND tối cao cho biết đang lắng nghe, tiếp thu để có phương án phù hợp.

Có 3 mẫu phác thảo tượng được gửi lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án. Mẫu 1: vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo. Mẫu 2: tay phải vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị. Mẫu 3: tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý. Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, cao 5,3m.

Người ủng hộ, người không

* TS sử học NGUYỄN KHẮC THÁI (Quảng Bình):

Một thái độ tôn trọng lịch sử có chiều sâu

Chúng ta đã có những tượng đài lịch sử như tượng Lý Thái Tổ bên hồ Gươm Hà Nội, nhưng đó chỉ là tượng đài để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc nói chung. Còn tượng đài cho một lĩnh vực thì gần như chưa ai "dám làm". Lần này tôi thấy ngành tòa án đặt vấn đề đúng về việc chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng ngành.

Trước tiên đó là cách biết vượt qua lối tư duy bảo thủ về văn hóa tượng đài, biết nhìn sâu vào giá trị văn hóa xuyên suốt cả nghìn năm, để các danh nhân trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử tham gia vào hành trình xây dựng xã hội đương đại bằng biểu tượng văn hóa của họ. Điều đó thể hiện một thái độ trân trọng lịch sử có chiều sâu. Làm được như thế là tạo cho văn hóa đi vào một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội; cụ thể ngành tòa án ở đây là một lĩnh vực đời sống xã hội đa tri thức chứ không cứng nhắc về mặt quyền lực xét xử.

Việc lựa chọn cũng kịp thời trong hoàn cảnh đang xây dựng một xã hội công bằng, tôn trọng pháp luật. Với biểu tượng mới như thế này thay cho những biểu trưng, hình ảnh đang rất giống nhau tại các công sở sẽ làm cho cuộc sống bớt đơn điệu đi phần nào.

* Nhà nghiên cứu văn hóa TRẦN ĐÌNH SƠN (TP.HCM):

Không phù hợp

Trong lịch sử, Lý Thái Tông là người thấm nhuần Phật giáo cho nên đã điều hành đất nước với tấm lòng bao dung độ lượng. Đương thời ông đã từng tha tội tử hình cho Nùng Trí Cao phản loạn ở vùng biên giới phía Bắc. Điều mà những nhà Nho về sau phê bình, cho rằng làm như vậy là không nghiêm về mặt luật pháp.

Tuy nhiên dưới thời đại quân chủ, ông vua là trên hết, là người làm ra luật pháp. Lý Thái Tông là một vị vua sùng đạo, hiểu đạo, đã chủ trương nhân trị, bao dung nên có một thái độ tốt như vậy. Nếu không may gặp một ông vua khác có thể coi luật lệ có cũng như không thì sao, vì vua là tối thượng mà!

Chúng ta hiện là chế độ dân chủ, nên tinh thần thượng tôn luật pháp là trên hết và cần phải làm sao theo cho kịp luật lệ tiến bộ của nhân loại ngày nay. Rất nên lấy tinh thần dân chủ cho chính đáng và áp dụng cho đúng. Đồng thời làm sao phải nghiêm khắc trong việc thi hành luật. Luật pháp là trên hết, Hiến pháp là trên hết chứ không thể có ai ngồi trên luật pháp, thì đó là điều dân chủ tốt đẹp nhất cho xã hội hiện nay.

Vì vậy sẽ hoàn toàn không phù hợp nếu đem ra để làm thêm những biểu tượng xa xưa có tính hình thức như vậy. Đó là chưa kể khi dựng tượng xong, không chắc chắn tránh được việc thắp hương cúng bái tràn lan. Thay vì dựng rất nhiều bức tượng tốn kém, hãy nên dành thêm phần để đầu tư cho sự hoàn thiện và thực thi cho đúng luật pháp trong thời đại mới này. (THÁI LỘC ghi)

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đặt tượng vua Lý Thái Tông ở trước sân các tòa án như biểu tượng của công lý?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

'Nên đặt trước công đường cái trống hơn là tượng vua Lý'

TTO - Về sự kiện Tòa án nhân dân tối cao chọn tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý của Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM - vừa có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp