17/05/2017 01:19 GMT+7

Có cách học, lý luận không thô cứng

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Trận chung kết xếp hạng vào tối mai 18-5 sẽ khép lại hơn một tháng tranh tài của hàng chục ngàn lượt học sinh, sinh viên TP.HCM với những môn khoa học vốn được xem là nền tảng của không ít ngành khoa học khác.

Đội tuyển ĐH Bách khoa chọn hình ảnh sinh viên tình nguyện để diễn đạt nội dung Bác Hồ nói về thanh niên trong tác phẩm Di chúc của Người -
 Ảnh: Q.LINH
Đội tuyển ĐH Bách khoa chọn hình ảnh sinh viên tình nguyện để diễn đạt nội dung Bác Hồ nói về thanh niên trong tác phẩm Di chúc của Người - Ảnh: Q.LINH

Ba đại diện đến từ các trường: ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Ngân hàng TP.HCM là những ứng viên cho chức vô địch mùa thi “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” lần 9-2017.

Phần thi mới

Lần đầu tiên sau nhiều năm tổ chức, hội thi đã thiết kế một phần thi hoàn toàn mới mang tên “Ánh sáng soi đường”.

Lựa chọn trong số 12 tác phẩm của Bác Hồ do ban tổ chức gợi ý, mỗi đội được tự do tìm tòi, sáng tạo với bất cứ hình thức thể hiện nào sao cho đề cập được đầy đủ nhất nội dung của tác phẩm đó. Điều quan trọng hơn, mỗi đội phải nói được qua việc tìm hiểu tác phẩm ấy các bạn rút ra bài học gì, điều gì có thể ứng dụng vào cuộc sống của mình.

Có đơn vị chọn dựng tiểu phẩm, có đơn vị thuyết trình, có đơn vị diễn đạt trên nền các thước phim tự liệu, có đội chọn kết hợp nhiều loại hình trong phần thi của mình. Dù chọn cách nào song điều ban giám khảo ghi nhận chính là sự sáng tạo của các đội, nhất là đã gửi đi thông điệp đến nhiều người sau khi chia sẻ về tác phẩm của Bác.

Nhưng cũng có đội bị ban giám khảo nhắc nhở vì thể hiện hơi quá đà. Đó là đội sau khi dùng nhiều hình ảnh anh hùng trong lịch sử dân tộc để diễn đạt tác phẩm lịch sử nước ta của Bác song lại kết thúc bằng việc ném vỡ chiếc lọ thủy tinh và hỏi rằng các bạn nghĩ sao nếu lịch sử dân tộc sẽ như thế khi giới trẻ không còn yêu thích học sử! Giám khảo cho rằng câu hỏi đặt ra cần thiết song hành động lại phản cảm bởi không thể so sánh lịch sử một đất nước “vỡ vụn” như vậy!

Trưởng ban tổ chức hội thi Phạm Kiều Hưng nói hội thi muốn các bạn xem đây là dịp tiếp cận với các tác phẩm Bác để lại, hiểu sâu hơn, từ đó chọn cho mình cách thức đúng để thực hiện việc học và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống hằng ngày. Trong khi PGS.TS Vũ Tình - chủ tịch hội đồng giám khảo - cho rằng dù sáng tạo song các đội cần thiết kế sân khấu hóa hấp dẫn, âm thanh sống động, không khí tươi trẻ, màu sắc rực rỡ, tư tưởng sâu sắc mới ra chất sinh viên.

Cống hiến hết những gì đội có

Mấy ngày qua là chặng nước rút của các thành viên ba đội tuyển vào chung kết xếp hạng khi đang thi học kỳ nhưng vẫn đảm bảo ôn luyện, chuẩn bị cho trận cuối cùng. Với các bạn, khi đủ đam mê và có cách học đúng, kiến thức các môn học lý luận sẽ không khô cứng hay nhàm chán như nhiều người từng nghĩ.

Tùy thế mạnh của mỗi bạn mà đội sẽ tin tưởng giao chịu trách nhiệm chính một môn hay mảng kiến thức nào đó. Còn kiến thức thời sự sẽ được các thành viên cùng cập nhật là cách mà cả ba đội đang tận dụng. Các bạn trong đội ĐH Kinh tế TP.HCM có một nhóm kín trên mạng xã hội để ai có được thông tin gì mới sẽ đưa lên để cả đội cùng tìm hiểu.

“Tụi mình lên báo Tuổi Trẻ mỗi ngày, có gì mới thì lưu lại để cả đội cùng đọc là cách cập nhật kiến thức thời sự tổng hợp” - bạn Phan Kim Lộc cho biết.

Trong khi đó đội trưởng Phan Văn Vàng của ĐH Bách khoa thừa nhận kiến thức chỉ là một phần, khi thi đấu còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng ứng xử trên sân khấu nữa và tùy tình hình để chọn chiến thuật hợp lý nhất.

Bạn Nguyễn Bình Phương Khánh (đội tuyển ĐH Ngân hàng TP.HCM) nói ngoài tự học, cả đội còn được thầy cô khoa lý luận chính trị, Đoàn trường hỗ trợ cập nhật kiến thức, dựng tiểu phẩm mới. Các thành viên trong đội dù ở các khoa, hệ đào tạo khác nhau song đã làm việc cùng nhau hai năm qua nên phối hợp khá ăn ý.

Không đội tuyển nào tự đặt cho mình mục tiêu, bởi điều đó đôi khi vô tình tạo áp lực tâm lý trước trận đấu quyết định. Nhưng quyết tâm không thiếu nên dù nói rằng không đặt mục tiêu chứ thực ra mỗi đội đều đã quan sát “đối thủ” để tự rút kinh nghiệm cho đội mình và đều đang giấu chiến thuật để đạt được mục đích cuối cùng!

Sẽ thi đấu thoải mái, cố gắng cống hiến hết những gì đội có là câu trả lời chung của ba đội trưởng khi được hỏi. Và chúng ta có quyền chờ đợi một trận đấu không chỉ thể hiện sự hiểu biết mà còn là tình yêu của sinh viên TP Bác với một sân chơi học thuật mang tầm trí tuệ đúng với tinh thần cao thượng của Olympic.

Hội thi tạo ra phong trào rộng khắp các trường, trang bị hành trang quý cho học sinh, sinh viên - những đối tượng được coi là nguồn nhân lực quốc gia trước khi họ chính thức bước vào đời

PGS.TS Vũ Tình

Gần 20 năm một sân chơi học thuật

Tính luôn hội thi năm 2017 thì đây đã là mùa thi thứ chín của sân chơi học thuật tìm hiểu các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ban đầu chỉ dành cho sinh viên, đến nay hội thi đã có bảng thi riêng dành cho học sinh THPT. Hình thức thi trực tuyến trên báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) thời gian qua giúp hội thi lan tỏa đến nhiều đối tượng hơn và hình thành bảng thi dành cho thí sinh tự do là bạn đọc của Tuổi Trẻ.

Hội thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” năm nay do Thành đoàn, ĐH Quốc gia TP.HCM, Đảng ủy khối các trường ĐH - CĐ và TCCN TP.HCM tổ chức.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp