09/08/2017 09:36 GMT+7

Có bộ đội, dân không còn lo đói sau lũ

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Cơn lũ dữ đi qua, xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) bị thiệt hại nặng nề, 142 ngôi nhà bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, 6 người chết, 4 người mất tích.

Trong thời khắc cùng cực nhất, các chiến sĩ bộ đội là những người đầu tiên đến được với bà con dân bản. Suốt một tuần qua, từng đoàn chiến sĩ băng qua nhiều điểm sạt lở, lội suối, vác từng bao gạo, thùng mì tôm, nước uống đến từng bản làng bị chia cắt sau lũ.

“Bộ đội thương giúp, mình nấu rau cho bộ đội ăn”

Những ngày đầu tiên sau , khi cả xã Nặm Păm bị cô lập và cắt điện hoàn toàn, lực lượng bộ đội thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La, Ban chỉ huy quân sự huyện Mường La, Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La, Tiểu đoàn bộ binh 1 (Trung đoàn 754, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La) là những người đến đầu tiên đến được với bà con.

95 chiến sĩ đã hàng ngày vận chuyển hàng cứu tế từ trung tâm xã Nặm Păm lên đến bản Pá Piệng, Huổi Sói là những thôn xa nhất của xã. Bộ đội đồng thời tìm kiếm người mất tích trong cơn lũ.

Ông Lường Văn Dom (thôn Hua Nặm, xã Nặm Păm) chưa hết bàng hoàng nhớ lại cảnh tượng lũ lớn ấp đến giữa đêm, cả bản phải bỏ của chạy lấy người, lợn gà trâu bò nhà cửa trôi theo dòng nước lũ, ai cũng chỉ còn độc bộ quần áo trên người, không cơm ăn, nước uống.

“Bộ đội vừa cứu người, vừa chuyển gạo, mì tôm, nước uống cho dân. Bộ đội cứ vận chuyển lên bản trên cao giúp dân, vất vả lắm, thương bộ đội lắm. Mấy ngày qua, bộ đội còn giúp mình dỡ nhà bị hư hỏng, làm lán nhỏ để ở. Có bộ đội thương, có bộ đội giúp, nhà mình chỉ còn rau nên nấu cho bộ đội ăn”, ông Dom chia sẻ.

Mấy ngày qua, nhà ông Lường Văn Sơn (thôn Hua Nặm) cũng có bộ đội đến tháo dỡ giúp. Nhà ông bị tốc hết mái, tuy nhà nhiều anh em nhưng nhà của họ cũng hỏng hết nên ông không nhờ được ai, đang hoang mang thì có bộ đội về giúp.

Một chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh 1 vác trên vai bao tải gạo nặng 25kg, mồ hôi ướt đẫm trên tóc, trên trán nhưng chiến sĩ nói vẫn cố gắng đến được với dân - Ảnh: HÀ THANH
Một chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh 1 vác trên vai bao tải gạo 25kg đến c với người dân - Ảnh: HÀ THANH

Việc gì khó, có bộ đội

Mỗi ngày hành quân 4 chuyến khoảng 3km, vác bao gạo 25kg trên vai vượt qua các điểm sạt lở, vượt qua nhiều đoạn suối sâu để đến nơi tập kết lương thực, mồ hôi thấm ướt cả trán, cả áo, nhưng chiến sĩ Đinh Văn Hải (23 tuổi, Tiểu đoàn bộ binh 1) nói muốn giúp dân vì thương họ không còn nhà cửa.

“Nghe kể nơi mình đang di chuyển, trước đây là hàng quán, nhà cửa, ruộng vườn của dân nhưng giờ mất hết rồi. Lần đầu tiên mình chứng kiến một trận lũ tàn khốc như vậy”, chiến sĩ Hải ngậm ngùi.

Tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Đông (22 tuổi, Tiểu đoàn Bộ binh 1) cũng tâm sự: “Tôi là bộ đội, mà bộ đội là người gần dân nhất. Chuyện gì khó có bộ đội rồi, vì bà con vùng lũ thì có vất vả hơn nữa chúng tôi vẫn cố gắng làm, làm từ trời sáng đến khi trời không thấy gì nữa thì nghỉ”.

Ông Hoàng Thế Anh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Mường La (tỉnh Sơn La) cho biết trong 3 ngày, đơn vị đã đến được với 100% bà con trong danh sách bị thiệt hại do lũ.

Tại khu vực bản Hốc và Huổi Hốc (xã Nặm Păm), các chiến sĩ đã giúp bà con dỡ 6 ngôi nhà có nguy cơ bị sụt lún, dọn dẹp hai điểm trường THCS và mầm non xã Nặm Păm cho các em học sinh kịp đón năm học mới.

“Những ngày tới cùng với chính quyền xã, đơn vị tiếp tục vận chuyển hàng cứu tế đến các nơi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tuy rằng vất vả vì sức khỏe của bộ đội cũng có hạn, nhưng vẫn cố gắng giúp bà con xã Nặm Păm ổn định cuộc sống”, ông Hoàng Thế Anh quả quyết.

 

Anh Lò Văn Cu, thôn Huổi Hốc bị mất vợ con, mất mẹ vợ được các chiến sĩ bộ đội động viên, nấu cơm cho ăn hàng ngày - Ảnh: HÀ THANH
Anh Lò Văn Cu, thôn Huổi Hốc, bị mất vợ con, mất mẹ vợ được các chiến sĩ bộ đội động viên, nấu cơm cho ăn hàng ngày - Ảnh: HÀ THANH

Vợ con, mẹ vợ chạy phía sau, vậy mà…

Trong quá trình giúp dân, câu chuyện khiến các chiến sĩ bộ đội nhớ nhất là anh Lò Văn Cu (bản Huổi Hốc). Mất vợ, mất con, mất cả mẹ vợ khi nhà bị cuốn theo dòng nước lũ, anh Cu cứ đi lang thang hết nhà nọ đến nhà kia để ở nhờ.

“Lúc đầu mọi người nói với nhau chắc không sao đâu, mưa to thôi. Nhưng càng ngày mưa càng lớn, nước ngập lên, tôi mới gọi vợ con bảo ‘dậy đi, không thì lũ đổ xuống thì chết hết đấy’. Tất cả cùng chạy ra, tôi đi phía trước còn mẹ vợ, vợ với con đi phía sau, vậy mà…", anh Cu nấc nghẹn kể lại.

“Đang chạy thì nghe tiếng 'Bùm!', thế là không biết gì nữa, chỉ nhớ là bám được vào cành cây. Đến 2h sáng tỉnh dậy ở trên đồi thì không thấy vợ con nữa, chạy đi tìm đến 4h sáng vẫn không thấy, biết là mất họ rồi. Tôi gọi hết anh em để tìm xác thì ở ngay cạnh nhà, đào từ sáng tới chiều mới thấy...”

Những ngày sau lũ, anh Cu sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Biết chuyện, bộ đội đã đến giúp đỡ, vận chuyển hàng cứu tế cho anh Cu đầu tiên. Bộ đội còn động viên anh Cu đến trụ sở UBND xã ở tạ, hàng ngày xuống ăn uống, sinh hoạt cùng anh em cho vơi nỗi đau mất gia đình.

Vượt qua nhiều điểm sạt lở, nhiều đoạn suối chia cắt, từng đoàn bộ đội hành quân vác trên vai bao tải gạo đến cho dân - Ảnh: HÀ THANH
Vượt qua nhiều điểm sạt lở, nhiều đoạn suối chia cắt, từng đoàn bộ đội hành quân vác trên vai bao tải gạo đến cho dân - Ảnh: HÀ THANH

 

Sau lũ, các chiến sĩ bộ đội đến tháo dỡ những ngôi nhà bị hư hỏng, có nguy cơ đổ sập. Dù khó khăn nhưng ai cũng cố gắng giúp dân - Ảnh: HÀ THANH
Sau lũ, các chiến sĩ bộ đội đến tháo dỡ những ngôi nhà bị hư hỏng, có nguy cơ đổ sập. Dù khó khăn nhưng ai cũng cố gắng giúp dân - Ảnh: HÀ THANH
Bộ đội giúp dân tháo dỡ nhà, lập lán trại cho dân ở tạm - Ảnh: HÀ THANH
Bộ đội giúp dân tháo dỡ nhà, lập lán trại cho dân ở tạm - Ảnh: HÀ THANH
Bộ đội giúp dân tháo dỡ nhà, lập lán trại cho dân ở tạm - Ảnh: HÀ THANH
Bộ đội giúp dân tháo dỡ nhà, lập lán trại cho dân ở tạm - Ảnh: HÀ THANH

Tuổi Trẻ tiếp tục hỗ trợ đồng bào vùng lũ

Hôm nay, 9-8, từ nguồn đóng góp của bạn đọc, báo Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ cho 15 hộ có người chết hoặc mất tích do lũ ở huyện Mường La (tỉnh Sơn La). Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ dự kiến trao 100 suất học bổng “Ngăn dòng bỏ học”, tổng cộng 200 triệu đồng (2 triệu đồng/suất) cho các học sinh có nhà cửa bị thiệt hại nặng, có nguy cơ bỏ học cao.

Bạn đọc có thể đóng góp ủng hộ bà con vùng lũ tại trụ sở báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc tại các văn phòng đại diện.

Bạn đọc chuyển khoản, vui lòng gửi qua tài khoản báo Tuổi Trẻ tại: Ngân hàng Công thương, chi nhánh 3 TP.HCM, số tài khoản: 113000006100.

Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. Swift code: BFTVVNVX007.

Ghi rõ ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc. Xin chân thành cảm ơn.

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp