Bé gái được đồn đại là "cô bé rừng xanh'' ở Ấn Độ - Ảnh: AP |
Tuần trước, báo chí đưa tin về một cô bé tầm 8 tuổi sống với bầy khỉ được nhân viên kiểm lâm tìm thấy trong một khu rừng ở bang Uttar Pradesh hồi đầu năm nay.
Em được tìm thấy trong tình trạng không có áo quần, bò bằng tay chân và hay la hét với người qua đường.
Một số thông tin còn cho rằng cảnh sát đã phải chiến đấu với bầy khỉ để giải cứu em.
Tuy nhiên, báo The Guradian mới đây đã xác minh với trường trạm kiểm lâm rừng Katarniya Ghat, ông JP Singh, và người này cho rằng bé gái này chỉ mới bị bỏ rơi gần đây chứ không phải lớn lên cùng bầy khỉ như “cô bé rừng xanh” và được truyền thông lan truyền suốt thời gian qua.
Ông JP Singh khẳng định cô bé được tìm thấy trên một con đường gần bên khu rừng chứ không phải tận trong rừng sâu như lời đồn đại.
Và dù cho là gần chỗ cô bé cũng có khỉ thật, nhưng các nhân viên kiểm lâm chưa bao giờ thấy là cô bé sống với khỉ.
“Tôi nghĩ gia đình thấy cô bé không nói được, và có thể đã bỏ rơi em gần khu rừng”, ông JP Singh nhận định. “Nếu mà cô bé có sống với khỉ thật, thì cũng chỉ vài ngày thôi, không phải lâu dài”.
Thêm vào đó, khu rừng được kiểm lâm và camera giám sát chặt chẽ, nên không thể có chuyện cô bé sống trong rừng lâu như thế mà không bị phát hiện được.
Theo ông JP Singh, gương mặt cô bé có biểu hiện cho thấy em có khuyết tật, “không chỉ về tâm thần mà còn về thể chất”.
Trưởng phòng y tế quận Bahraich, ông Ankur Lal, cho biết đang xem xét tình trạng khuyết tật của cô bé. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không phải em được nuôi dưỡng trong rừng sâu.
“Khi người ta tìm thấy cô bé, em hành xử rất bạo lực”, ông kể. “Cô bé không có thói quen dùng nhà vệ sinh, không giao tiếp, vì vậy mà nhiều người nghĩ em lớn lên trong rừng sâu”.
Tuy nhiên, tình trạng tiến bộ nhanh chóng kể từ sau nhập viện của em đã khiến các bác sĩ tin rằng em vốn được con người nuôi dưỡng.
“Ban đầu bé cứ bò nhưng bây giờ có thể đi đứng bình thường, vì vậy mà cô bé không phải là ở trong rừng từ lúc mới sinh”, ông Lal khẳng định.
“Vấn đề thực sự cần bàn là gia đình em không muốn chăm sóc em”, cô Ranjana Kumari, một nhà hoạt động vì các bé gái bức xúc. “Nhiều gia đình ở Ấn Độ vẫn trọng nam khinh nữ, họ thà bỏ rơi bé gái còn hơn bỏ tiền nuôi các em”.
Sắp tới “cô bé rừng xanh” sẽ được chuyển đến một mái ấm tiếp tục phục hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận