Cô bé đó có tên Rachel Mwanza đã giành giải Gấu bạc nữ diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn trong bộ phim War witch (tạm dịch: Cuộc chiến phù thủy, tựa tiếng Pháp là Rebelle)
Phóng to |
Rachel Mwanza nhận giải Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin - Ảnh: AFP |
Phim và đời
Trong bộ phim War witch, Rachel Mwanza vào vai cô gái Congo,12 tuổi, tên Komona, bị phiến quân bắt cóc từ một ngôi làng ở châu Phi. Đó cũng là lúc cô bé phải trải qua những điều khủng khiếp nhất cuộc đời mình: bị buộc phải bắn chết cha mẹ của mình, sau đó được đào tạo như một người lính thực thụ và trở thành vợ lẽ của tên trùm phiến quân.
Những tên phiến quân được biết đến với cái tên Great Tiger tin rằng Komona có sức mạnh kỳ diệu có thể điều khiển được quân đội chính phủ nên tôn cô là “phù thủy”.
Cũng trong thời gian này, Komona yêu anh lính 15 tuổi có biệt danh là Magician. Tuy nhiên, mối tình của họ đã phải gánh chịu nhiều cay đắng từ sự tàn bạo của phiến quân và từ chính sự ám ảnh quá khứ của Komona.
Cuộc đời đầy nghiệt ngã của cô bé Komona cũng gần giống như tuổi thơ đầy cay đắng của Rachel Mwanza. Cha mẹ của Rachel chia tay nhau và rời khỏi CHDC Congo, bỏ mặc các con của mình. Rachel Mwanza sống lay lắt qua ngày cùng người bà nhưng bà của cô cũng không có việc làm, không có tiền nuôi nấng cô bé. Sau đó Rachel được đưa đến trại trẻ lang thang, cơ nhỡ nhưng vì không chịu được cách đối xử tàn tệ ở đây nên cô phải sống lang thang trên khắp các con đường ở Kinshasa, CHDC Congo và kiếm tiền từ công việc bán hàng rong.
Có lẽ vì những điểm tương tự trong cuộc đời chính mình và của nhân vật, Rachel cho biết đóng phim là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của cô và vai diễn này hoàn toàn thay đổi cuộc sống của Rachel.
Phóng to |
3- Rachel Mwanza trong phim War witch - Ảnh: CBC |
Điện ảnh mở ra nhiều cánh cửa
Trải qua nhiều gian khổ tưởng chừng quá sức với một cô bé mới 15 tuổi như Rachel Mwanza nhưng chính tuổi thơ nhọc nhằn này đã giúp cô bén duyên với điện ảnh.
Rachel Mwanza từng được mời tham gia một bộ phim tài liệu. Với số tiền kiếm được từ bộ phim này, Rachel mang về cho bà và xin bà được cho đi học. Nhưng rồi bà của Rachel lại sử dụng tiền vào mục đích khác, bỏ cô bé lại trại trẻ lang thang, cơ nhỡ.
Tưởng chừng số phận đã vùi dập Rachel xuống tận cùng nỗi đau khổ, nhưng thật may mắn khi chính nhờ vai diễn trong bộ phim tài liệu này mà Rachel lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Kim Nguyen, người đã mạo hiểm chọn một cô bé chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất vào vai chính trong bộ phim War witch của mình.
“Đó là một loại phép lạ” - Rachel phát biểu thông qua một thông dịch viên. Rachel cũng cho biết mặc dù từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu trước đó nhưng bộ phim này lại không tác động nhiều đến cô như War witch.
Điều ý nghĩa hơn với Rachel là trong quá trình làm phim, cô bé được cho đi học, đúng như ước mơ bấy lâu của mình. Tại cuộc họp báo hôm 18-2 ở Berlin, Rachel Mwanza nói với các phóng viên trong niềm hạnh phúc ngập tràn: “Việc làm phim đã cho tôi cơ hội được đi học, để có thể đọc được và bây giờ tôi hài lòng với cuộc sống của mình”.
“Tôi không còn gia đình. Những người mà mọi người thấy ở đây chính là gia đình của tôi bây giờ” - Rachel hướng mắt về các thành viên trong đoàn làm phim, nở nụ cười ấm áp.
Đoạt được giải Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin không chỉ là bất ngờ lớn với Rachel Mwanza mà còn là vinh dự của điện ảnh Canada khi đây là lần đầu sau 12 năm, điện ảnh nước này đoạt giải tại liên hoan phim danh giá này.
Đạo diễn Kim Nguyen, người đã phát hiện và làm việc cùng Rachel, khẳng định cô bé là “một thần đồng diễn xuất, một nữ diễn viên tài năng nhất mà tôi đã từng làm việc”.
Phóng to |
Rachel Mwanza và đạo diễn Kim Nguyen vào hôm 18-2 ở Berlin - Ảnh: CBC |
Kim Nguyen, đạo diễn gốc Việt Thông tin trên AFP chia sẻ rằng Kim Nguyen, 37 tuổi, đạo diễn của phim War witch, lại là một người Canada gốc Việt. Anh là con của đôi vợ chồng Việt Nam nhập cư vào Canada. Kim Nguyen cho biết anh muốn làm một bộ phim về niềm tin, về hi vọng chứ không đơn thuần là một bộ phim đậm màu sắc chiến tranh. Vì thế trong phim vẫn có những tình huống hài hước, bất ngờ chứ không phải nhuốm màu đen tối toàn tập. “Đầu tiên và trước hết tôi tin rằng đây là một bộ phim về khả năng phục hồi của con người sau chiến tranh hơn là câu chuyện về một người lính trẻ” - anh nhấn mạnh. Kim Nguyên cho biết mục tiêu của anh là mô tả chiến tranh qua cái nhìn của một đứa trẻ. “Tôi muốn làm bộ phim này như thể mình là một đứa trẻ, một đạo diễn 14 tuổi không biết gì về chính trị” - Kim Nguyen nói. Bộ phim War witch đã nhận được những nhận xét tích cực tại Liên hoan phim Berlin và cũng có tên trong danh sách tranh giải Gấu vàng cho phim hay nhất. Tuy nhiên, bộ phim đã để thua Caesar must die (Caesar phải chết) của Ý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận