Phóng to |
Hình ảnh trong phim Cô bé bán diêm - Hình: TrueD |
Bối cảnh một con phố châu Âu cổ điển tuyệt đẹp, một cô bé với những que diêm trong một đêm tuyết trắng, lạnh giá, đói rét, cô độc dù chỉ là một đoạn trailer (giới thiệu phim dài hơn 1 phút). Hiệu ứng 3D với ấn tượng mạnh về hình ảnh gây bất ngờ cho hầu hết người xem, nhất là khi biết đây là một phim hoạt hình 3D dài gần 7 phút của người VN thể nghiệm sẽ chiếu rộng rãi cho khán giả như một món quà mùa Noel năm nay.
Dù chưa hẳn đã là một phim hoạt hình hoàn hảo bởi chỉ với gần 7 phút phim không sử dụng thoại, nhưng Cô bé bán diêm đã cho thấy sự chăm chút của êkip làm phim với từng chi tiết để người xem dù quá quen, thậm chí thuộc nằm lòng câu chuyện cổ tích mà Andersen từng kể, thì vẫn thấy xúc động với mỗi que diêm mà cô bé thắp lên. Một que, một que và khi người bà hiện ra trong cơn mơ thì sự vội vã của cô bé để không mất đi cơn mơ đẹp nhất ấy đã thể hiện qua việc cô liên tục quẹt diêm, quẹt hai que một lần cho đến hết. Chú chó hoang, người bạn duy nhất của cô bé lúc đó, đang chạy về mang theo một mẩu bánh mà có lẽ chú đã khó khăn để lấy được bởi chú chỉ còn chạy được bằng ba chân, một chân trước co lên vì bị đau...
12 người, 2 năm và 7 phút
Ý tưởng Cô bé bán diêm đến với đạo diễn Ðoàn Trọng Hải một cách khá ngẫu nhiên. Câu chuyện Cô bé bán diêm thì đã sẵn trong ký ức tuổi thơ của anh cũng như bao nhiêu người khác, nhưng đến lúc quyết định lựa chọn một câu chuyện để thể nghiệm những kỹ thuật của công nghệ hoạt hình 3D, Cô bé bán diêm được chọn ngoài ý nghĩa của câu chuyện giàu cảm xúc thì còn bởi truyện này... ngắn và ít nhân vật.
Bối cảnh của Cô bé bán diêm là một thành phố châu Âu nhưng thực chất nhóm TrueD đã chụp lại hình ảnh nhà thờ Ðức Bà TP.HCM và Nhà hát TP ở nhiều góc khác nhau để khai thác làm chất liệu chính cho tạo hình kiến trúc trong phim. Khán giả mê phim hoạt hình ít ai biết để tạo ra những hiệu ứng tưởng như đơn giản trong chuyển động hay hình thức chất liệu bề ngoài của nhân vật, các nhà làm phim đã phải kỳ công đến mức nào. Ví như chỉ bộ lông của chú chó hoang có đến 320.000 sợi lông, hoặc bộ tóc lên đến trên 500.000 sợi sẽ đòi hỏi thời gian kết xuất hình ảnh rất lâu cho mỗi cảnh xuất hiện, đặc biệt khi bộ tóc - lông đó chuyển động như thật thì trong đồ họa 3D thật sự là một cuộc cách mạng lớn và mất rất nhiều thời gian. Mỗi một giây hình ảnh có khoảng 24-25 frame hình và sẽ mất hơn một tiếng để kết xuất hình ảnh cho một frame hình. Hình ảnh càng focus (cận tập trung) thì thời gian kết xuất càng lâu hơn.
“Trước khi bắt tay vào tạo hình nhân vật, tôi đã tìm kiếm rất nhiều tư liệu để xem hình dung về Cô bé bán diêm của nhiều thế hệ độc giả - khán giả sẽ như thế nào. Rồi tôi dựng hình thô của cô bé, chỉnh sửa chi tiết, quan trọng nhất là gương mặt. Quan sát các em bé ngoài đời, tôi nhận ra con mắt phải bự với con ngươi lớn một chút, cái mũi cũng phải hơi hỉnh một chút, cái cằm hơi dư một chút thịt thì em bé nhìn sẽ dễ thương hơn. Tôi đặc biệt thích trẻ em nên tạo hình nhân vật trẻ em tôi làm không biết chán, có thể chỉnh sửa đi chỉnh sửa lại hoặc không vừa ý thì làm lại từ đầu cũng không sao” - Hồ Thục Ðoan, người tạo hình nhân vật cô bé bán diêm, người bà và ông bố, hào hứng kể. Và 7 phút phim sau hai năm ròng rã đã ra đời sau một hành trình như thế của nhóm 12 người.
Phim hoạt hình Việt - chiếu ở đâu?
Phim hoạt hình ở VN hiện tại đang phát triển nhưng là những nỗ lực của từng cá nhân, từng nhóm người làm phim yêu thích hoạt hình và làm xong thì con đường duy nhất là chiếu trên... Internet. Trong khi đó, khán giả Việt vẫn vô cùng háo hức với các phim hoạt hình đến từ Disney hay Pixar, thậm chí có những phim hoạt hình đã thu về cả triệu đô tiền bán vé ở VN như phim Rio.
Ðạo diễn Ðoàn Trọng Hải than thở: Chúng ta có một đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực 3D rất tiềm năng, nhưng tới thời điểm này hình như chưa có một dự án nào đủ lớn để có thể quy tụ được hết những tài năng này! Trước khi mời các cộng sự về cộng tác với mình trong dự án 3D Cô bé bán diêm, nhóm TrueD đã có nhiều người từng cộng tác với các hãng phim hoạt hình nổi tiếng nước ngoài trong một công đoạn gia công cụ thế nào đó theo yêu cầu của đối tác. Và họ còn không biết phim ra sao cho đến vài năm sau, khi đã có DVD lậu bán ngoài tiệm, mua về mới thấy tên mình chen giữa hàng trăm tên khác nhỏ xíu ở cuối phần giới thiệu đoàn phim.
Kinh phí để làm một phim hoạt hình không hề rẻ. Ðể có khoảng 7 phút phim của Cô bé bán diêm, TrueD tiết lộ con số hàng tỉ đồng đầu tư mà chắc sẽ chẳng mong thu về dù chỉ một đồng bán vé. TrueD cũng đang thương lượng với các rạp chiếu để được chiếu lót Cô bé bán diêm như một món quà miễn phí cho khán giả Việt mùa Noel. Nếu không, ngoài việc TrueD sẽ mang đến các hội chợ phim hoạt hình thì Cô bé bán diêm sẽ theo con đường của nhiều phim hoạt hình VN khác: đưa lên YouTube chia sẻ với mọi người - miễn phí.
Con đường nhiều người đã thấy rồi: dừng ở mức thể nghiệm, rồi các nhà làm phim lại dùng nghề tay trái để kiếm sống như làm quảng cáo, làm thuê cho các hãng nước ngoài. Hay như Người con của rồng với 6,7 tỉ đồng đầu tư cho dịp đại lễ cũng chỉ chiếu loáng thoáng đâu đó và doanh thu chắc chắn không thể thu về được 1% số tiền đã đầu tư. Và nếu không có một sự chuyển mình thật sự lớn, bài bản, “góp gió thành bão” thì chắc chắn thị trường phim hoạt hình chiếu rạp VN vẫn sẽ phó mặc cho các “phim Tây” mặc sức làm mưa làm gió!
Đạo diễn Đoàn Trọng Hải và nhóm TrueD của anh đang ấp ủ một dự định khác đã đi được một phần của con đường dài, đó là phim hoạt hình 3D Nghêu, Sò, Ốc, Hến cải biên. Một số nhân vật của phim mới này đã thành hình, thể nghiệm mới cho việc khớp khẩu hình thoại của nhân vật cũng đã làm được khi nghệ sĩ Việt Anh, ca sĩ Nam Cường và MC Hoàng Phi đã được mời thu lồng tiếng thử. Nhân vật hoạt hình đã nói thoại chuẩn như... người thật. Nhưng để có một phim hoạt hình dài 50-60 phút thì kinh phí làm phim có lẽ sẽ lên đến hàng triệu đôla, với một thị trường phim ảnh nhỏ hẹp như VN, không biết cách nào mà thu hồi vốn? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận