Trên khu đất gia đình bà Lê Thị Khá đòi lại vẫn còn khu nhà mộ, với nhiều ngôi mộ của người thân trong gia đình, trong đó có mộ của một số liệt sĩ - Ảnh: TIẾN LONG
Tháng 8-2020, nhận bản án phúc thẩm vụ án khiếu kiện quyết định hành chính của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, bà Trang Thị Hòa (đại diện thừa kế của hộ bà Lê Thị Khá, ngụ huyện Cần Giờ, TP.HCM) thắp nén hương lên bàn thờ người mẹ đã khuất, vui mừng báo sự việc tranh chấp đã có kết quả.
20 năm khiếu nại, khiếu kiện
Mẹ bà Hòa là Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khá (được đặt tên đường ở Cần Giờ) đã chết trong lúc khiếu kiện "đòi" lại khu đất có diện tích 4,48 héc ta ở ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa của gia đình. Khu đất có nguồn gốc sử dụng từ thời Pháp thuộc.
Hành trình gần 20 năm ròng rã lên xuống khiếu nại khắp các cơ quan, rồi sau đó theo khởi kiện cấp sơ thẩm, phúc thẩm của gia đình bà tưởng chừng đã dừng lại khi tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Nhưng hơn 2 năm qua, UBND huyện Cần Giờ vẫn không giải quyết yêu cầu của gia đình bà, với lý do đưa ra không khác gì những nội dung trả lời trước đây đã bị tòa nhận định sai.
Điều đáng chú ý, gia đình bà Khá thuộc diện có công với cách mạng, cha là liệt sĩ, mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng và ba người anh, em ruột là liệt sĩ, mộ đang được chôn cất ngay tại khu vực diện tích đất đang khiếu nại, diện tích đất trên là do gia đình tạo lập từ trước năm 1975, do đó rất cần thiết phải được quan tâm xem xét thấu tình, đạt lý.
BẢN ÁN PHÚC THẨM
Theo bản án, năm 2001, bà Lê Thị Khá gửi đơn đến UBND huyện Cần Giờ yêu cầu trả lại khu đất nói trên. Tháng 4-2002, UBND huyện Cần Giờ có văn bản trả lời đơn xin lại đất của bà Khá, trong đó thừa nhận khu đất trên do ông Lê Văn Hóa (cố nội của bà Hòa) đứng bộ và khai thác.
Trong thời chiến tranh, đất bị bỏ hoang, đến năm 1978, bà Khá đến UBND xã Long Hòa đăng ký sử dụng nhưng từ đó đến năm 1987 vẫn để đất hoang hóa.
Năm 1988, Công ty liên doanh thủy hải sản Duyên Hải thuê đất trên địa bàn Cần Giờ để nuôi trồng thủy sản, trong đó có phần đất bà Khá đang khiếu nại. Vì sau đó sản xuất không hiệu quả nên công ty chuyển sang cho hộ dân thuê đất để làm muối.
Từ đó đến lúc nhắm mắt, bà Khá liên tục làm đơn khiếu nại nhưng UBND huyện Cần Giờ bác đơn. Lý do huyện đưa ra tuy bà Khá có đăng ký sử dụng lô đất trên nhưng đã để đất hoang hóa nhiều năm liền là vi phạm các quy định.
Cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo của những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Khá và buộc UBND xã Long Hòa và UBND huyện Cần Giờ thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ bà Lê Thị Khá.
Chậm thi hành án vì... chờ giám đốc thẩm
Tòa nhận định quá trình thẩm tra, xác minh không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh đối với hành vi bỏ hoang hóa đất đai và không có quyết định thu hồi đất của bà Khá, cũng như quyết định giao đất cho Công ty Duyên Hải.
Gia đình bà Khá cũng không thuộc đối tượng bị cải tạo, trưng thu, trưng mua hoặc đưa vào tập đoàn sản xuất nông nghiệp được quy định trong Luật đất đai từ năm 1987 đến 2013.
Sau khi có bản án, bà Hòa đứng đơn gửi hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ đối với khu đất nói trên. Tuy nhiên, tháng 3-2022, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển tiếp tục ký văn bản trả lời do là đất công Nhà nước quản lý nên UBND huyện Cần Giờ không có cơ sở xem xét cấp giấy cho gia đình bà.
"Khu đất do cố nội tôi sử dụng từ những năm 1930, mẹ tôi sau đó đến chết bà còn trăng trối chuyện phải lấy lại đất tổ tiên, ông bà. Qua gần 20 năm khổ cực lên xuống bao nhiêu cơ quan mới có bản án của tòa, phán quyết cao nhất, nhưng giờ cả nhà tôi chưng hửng vì huyện lại trả lời chẳng khác như lúc chưa có bản án, giờ không biết kêu vào đâu nữa", bà Hòa thở dài.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển cho hay hiện nay do UBND huyện Cần Giờ đang gửi hồ sơ theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án hành chính liên quan đến gia đình bà Lê Thị Khá. Vì vậy phải chờ kết quả trả lời thủ tục giám đốc thẩm mới giải quyết hồ sơ.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn luật sư TP.HCM, việc làm của huyện là chưa đúng bởi theo quy định, bản án phúc thẩm phát sinh hiệu lực pháp luật khi tòa án tuyên án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận