Đó là ý kiến của ông Dương Quốc Anh, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tại hội thảo "Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính VN" do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức sáng 31-7.
Ông Dương Quốc Anh đánh giá: Rõ ràng đây là vi phạm quy định, nhưng để lách quy định hiện hành thì các nhà đầu tư, tổ chức đầu tư đã vô cùng tinh vi.
Về hiện trạng của sở hữu chéo tại các ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc chương trình chính sách công (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), đánh giá sở hữu chéo trong các ngân hàng được thể hiện dưới nhiều cách.
Cụ thể: ngân hàng sở hữu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước sở hữu ngân hàng, nhà đầu tư lớn sở hữu ngân hàng và công ty chứng khoán, nhà đầu tư lớn sở hữu ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính.
Thực tế, theo nghiên cứu của Chương trình giảng dạy Fulbright, hầu hết các tập đoàn lớn, tổng công ty lớn đều sở hữu ngân hàng. Khi đó, ngân hàng cung cấp vốn cho doanh nghiệp sở hữu. Còn doanh nghiệp sẽ gửi tiền vào ngân hàng nhằm đảm bảo cho thanh khoản của ngân hàng mà mình sở hữu. Không lộ diện là người giữ cổ phần của ngân hàng, các chủ đầu tư thật sự thường thuê người lao động hay thư ký, lái xe đứng tên thay làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Nói rõ về sự phức tạp của sở hữu chéo, ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia tài chính, cho rằng có tồn tại sở hữu chéo theo kiểu vòng vèo, nghĩa là ngân hàng A có cổ phần ngân hàng B, ngân hàng B có cổ phần ở doanh nghiệp C và doanh nghiệp C có cổ phần ở ngân hàng A. Điều này dẫn đến cấu kết ngầm giữa các ngân hàng và doanh nghiệp nhằm đạt lợi ích của riêng họ. Cũng nói về rủi ro mà sở hữu chéo trong ngân hàng mang lại, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng không loại trừ việc gây lũng đoạn thị trường như cấu kết để nâng lãi suất cho vay.
Để hạn chế tình trạng sở hữu chéo, ông Hiếu đề xuất cần phải cấm việc cho vay để mua cổ phần, cổ phiếu tại các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần phải giám sát và có chế tài thật nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Ông Dương Quốc Anh cho rằng: “Vấn đề nghiêm trọng nhất của sở hữu chéo cần phải xử lý là đầu tư chéo. Là việc ngăn chặn thao túng của các cá nhân, cổ đông lớn biến các ngân hàng thành ngân hàng sân sau của mình".
Ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đặt câu hỏi liệu thời gian tới Việt Nam có thể thực hiện việc truy soát nguồn gốc tiền nộp vào ngân hàng như các nước khác hay không. Vì tại Mỹ hay các nước châu Âu, để mua cổ phiếu, cổ phần ngân hàng thì nhà đầu tư phải chứng minh được nguồn gốc của nguồn tiền. Quy định này nhằm đảm bảo tiền đầu tư vào ngân hàng là tiền sạch và ngăn chặn đầu tư chéo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận