Bóng đá Việt Nam cần nhiều tiền đạo trẻ được trao cơ hội đá chính thường xuyên như Nguyễn Tiến Linh (phải) - Ảnh: N.K.
Nhưng trên thực tế đó là điều không hề dễ dàng, nếu như không muốn nói là nhiệm vụ bất khả thi.
"Vận hành đội tuyển hai năm nay, thử nhiều cầu thủ nhưng chưa thấy ai tốt hơn Công Phượng, Tiến Linh hay Đức Chinh. Chúng ta phải tự hỏi vì sao không có ai tốt hơn. Năm 2020, V-League có 47 ngoại binh thì 70% đều là tiền đạo. Vậy lấy đâu ra tiền đạo cho đội tuyển Việt Nam?
Tôi nghĩ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nên có cơ chế, điều lệ về số lượng cầu thủ dưới 21 tuổi thi đấu trong một trận ở V-League", HLV Park Hang Seo phát biểu sau trận giao hữu lượt về giữa đội tuyển VN và U22 VN hôm 27-12-2020 tại Phú Thọ.
Phản ứng từ các huấn luyện viên
Ý kiến của ông Park không mới, và từng "bị" HLV Lê Huỳnh Đức phản biện khi trả lời giới truyền thông nhân gala trao giải Quả bóng vàng VN 2019. Khi đó, ông Đức nói nếu HLV Park Hang Seo nắm CLB thì cũng sẽ sử dụng tiền đạo ngoại mà thôi.
HLV Lê Huỳnh Đức nói: "Làm việc ở CLB, áp lực về thành tích rất lớn. Do đó, các HLV phải sử dụng nhiều tiền đạo ngoại với mục tiêu giành chiến thắng. Các tiền đạo ngoại có tốc độ, sức càn lướt và thể hình tốt hơn hẳn các tiền đạo nội nên hiệu quả ghi bàn cao hơn".
Mới đây, nhiều HLV cũng phản ứng sau ý kiến mới nhất của ông Park. Cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng cho rằng các chân sút nội muốn có suất đá chính phải chứng minh năng lực của mình.
Anh chia sẻ: "Thời tôi còn thi đấu, V-League sử dụng tới 5 ngoại binh chứ không phải 3 như hiện tại. Nhưng vì sao bóng đá Việt Nam vẫn có những tiền đạo đẳng cấp như Công Vinh, Ngọc Thanh hay Anh Đức?
Lúc đó, B.Bình Dương có cặp tiền đạo ngoại xuất sắc Philani và Kesley Alves nhưng Anh Đức vẫn chứng minh được năng lực và có suất đá chính. Theo tôi, tiền đạo ngoại là sự thúc đẩy tốt nhất cho các tiền đạo nội phát triển".
B.Bình Dương là CLB chủ trương trẻ hóa mạnh mẽ nhất trong hai năm qua. Trong đó, tiền đạo Nguyễn Tiến Linh luôn được bố trí đá chính và đá đúng sở trường tiền đạo cắm. Tuy nhiên, HLV Nguyễn Thanh Sơn vẫn cho rằng ý kiến của ông Park không hợp lý.
Anh nói: "Tất cả những đội bóng đều được các doanh nghiệp hay ông chủ đầu tư, bỏ tiền ra rất nhiều để trụ hạng hoặc cạnh tranh chức vô địch nên không thể ép họ phải ưu tiên sử dụng tiền đạo nội thay vì tiền đạo ngoại".
Tương tự, HLV Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định) cũng cho rằng điều lệ V-League không thể khống chế phải sử dụng cầu thủ trẻ ở vị trí này hay vị trí kia: "Đội tuyển là quan trọng, nhưng nếu ít ngoại binh đi thì làm ảnh hưởng đến chất lượng V-League, ảnh hưởng quyền lợi của nhà tài trợ".
Ông Park cũng từng sử dụng tiền đạo ngoại binh
Tại Hàn Quốc, theo thống kê, K-League 1-2020 có 11/12 CLB sử dụng ngoại binh ở hàng tiền đạo. Thậm chí có đến 7 CLB đăng ký tới 2 tiền đạo ngoại. Vì thế, không ngạc nhiên khi trong top 9 chân sút xuất sắc nhất K-League 1-2020 chỉ có 3 cầu thủ Hàn Quốc góp mặt là Han Kyo Won (11 bàn, hạng 7); Song Min Kyu (10 bàn, hạng 8) và Ko Moo Yeol (9 bàn, hạng 9). Trong khi đó, vua phá lưới Junior Negrao (Brazil) ghi được tới 26 bàn sau 27 trận.
HLV Park Hang Seo khi còn huấn luyện ở Hàn Quốc cũng sử dụng tiền đạo ngoại. Cụ thể là khi dẫn dắt hai CLB Gyeongnam và Jeonnam Dragons trong giai đoạn 2007 đến 2009, ông Park đều dùng tiền đạo người Brazil. Nên ý kiến của ông Park về việc VFF và VPF quy định cho cầu thủ U21 đá ở V-League dĩ nhiên đã tạo phản ứng trái chiều.
Thật ra, nếu CLB nào đá với sơ đồ 2 tiền đạo, HLV vẫn có thể cân nhắc dùng một tiền đạo nội đá cặp với tiền đạo ngoại. Điều này ít nhiều sẽ giúp cầu thủ nội học hỏi và nâng cao năng lực chuyên môn. Nhưng nếu CLB nào đá với tiền đạo duy nhất, HLV bắt buộc phải chọn ngoại binh.
V-League 2020, cầu thủ nội duy nhất chen chân vào top 15 là Nguyễn Công Phượng với 6 bàn, kém 6 bàn so với bộ đôi cùng dẫn đầu danh sách vua phá lưới là Rimario Gordon (Jamaica) và Paulo Pedro (Brazil).
Bài học từ Trung Quốc
Năm 2017, LĐBĐ Trung Quốc (CFA) lần đầu tiên đưa ra quy định bắt buộc sử dụng cầu thủ U23 nhằm trao cơ hội thêm cho các cầu thủ trẻ. Theo đó, các CLB phải có 4 cầu thủ U23 trong danh sách đăng ký cho mùa giải và có ít nhất một cầu thủ U23 thi đấu ở đội hình xuất phát.
Ban đầu, mọi thứ diễn ra khá thuận lợi khi các cầu thủ U23 được ra sân đã thể hiện khá tốt. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, nhiều cầu thủ U23 lại thi đấu dưới kỳ vọng, dẫn đến các CLB Trung Quốc thường thay người nhanh chóng để không ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Và thông thường, cầu thủ U23 có mặt trên sân nhiều lắm là 15 phút trước khi bị thay ra.
Nhận ra sự lách luật đó, CFA áp dụng thêm quy chế ở mùa giải 2019. Đó là ngoài việc có ít nhất một cầu thủ U23 tuổi phải có mặt trong đội hình xuất phát, các CLB trong một trận đấu phải sử dụng ít nhất ba cầu thủ U-23. Nhưng rồi các CLB Trung Quốc vẫn có cách lách luật.
Tiền vệ Yang Fangzhi (CLB Dalian) là một ví dụ cho việc lách luật. Mùa giải 2019, Yang có 5 trận đấu được HLV Rafael Benitez tung vào sân 1-2 phút cuối tại Giải vô địch Trung Quốc (Super League). Hai trận khác, anh được tung vào sân ở phút 83 và 85. Chỉ trận duy nhất Yang đá chính ở mùa 2019 và bị thay ra chỉ sau 8 phút có mặt trên sân.
Vì thế, báo chí Trung Quốc giữa năm 2019 cũng phải thừa nhận quy định này hoàn toàn thất bại. Nhưng có vẻ như mọi thứ đã có chút thay đổi về câu chuyện này trong năm 2020 qua thống kê của tờ Sina.
Cụ thể, ở vòng 1 Super League 2020 có 37 cầu thủ U23 thi đấu, trong đó 24 người vào sân từ đầu. Tổng thời gian thi đấu của họ là 2.178 phút. Ở vòng 2, số cầu thủ U23 thi đấu là 38 người, vào sân từ đầu 22 người với tổng 2.192 phút. Quan trọng hơn, số phút thi đấu của các cầu thủ U23 tại Super League 2020 gấp đôi cùng kỳ ở năm 2019.
BẢO VY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận