Ông Nguyễn Quốc Hội - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao T&T - Ảnh: NAM KHÁNH
"Quan điểm của chúng tôi, V-League chỉ nên thi đấu trở lại khi được sự cho phép của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Khi nào dịch bệnh được xác định không còn nguy hiểm thì chúng ta mới nên đá bóng. Tuy nhiên, cần có kế hoạch chủ động để khi thông báo hết dịch, V-League trở lại trong thời gian sớm nhất chứ chờ hết dịch mới bàn thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi ủng hộ kế hoạch đá lượt đi ở miền Bắc, nhưng thời gian cụ thể tôi cho rằng cần tùy diễn biến dịch"- chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao T&T, ông Nguyễn Quốc Hội cho biết.
Theo ông Hội, với quỹ thời gian đang bị rút ngắn, rất khó để tìm ra phương án hoàn hảo, đáp ứng yêu cầu của tất cả các đội bóng. Chính vì vậy, các đội cần họp bàn để thống nhất phương án tốt nhất, tránh ảnh hưởng tới kế hoạch của đội tuyển Việt Nam.
Ông Hội cho biết: "Cuối năm đội tuyển Việt Nam còn vòng loại World Cup và AFF Cup, đấy là vấn đề lớn. Trường hợp xấu nhất do dịch bệnh nên V-League không đá được thì chúng ta đành chấp nhận. Nhưng nếu còn khả năng, cần tính phương án để giải có thể diễn ra an toàn, đảm bảo yêu cầu chuyên môn cho đội tuyển chứ cầu thủ không thi đấu gì cả, cứ tập "chay" suốt thì làm sao đá được đội tuyển quốc gia. Đây là lúc cá nhân phải tôn trọng tập thể, trên tinh thần vì cái chung".
Hôm 25-3, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đưa ra phương án tổ chức lượt đi V-League 2020 tập trung tại miền bắc. Mười bốn đội bóng chia làm 3 nhóm, gồm: Nhóm các đội được thi đấu trên sân nhà: Hà Nội (Hàng Đẫy), Viettel (Hàng Đẫy), Nam Định (Thiên Trường), Quảng Ninh (Cẩm Phả), Thanh Hoá (sân Thanh Hoá), Hải Phòng (Lạch Tray).
Nhóm các đội sử dụng sân nhóm 1 làm sân nhà: Quảng Nam (Lạch Tray), Đà Nẵng (Cẩm Phả), Sông Lam Nghệ An (Thanh Hoá), Hoàng Anh Gia Lai (Thiên Trường). Nhóm các đội mượn sân trung lập làm sân nhà: CLB TP.HCM và Sài Gòn FC (Mỹ Đình), Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (PVF), Bình Dương (sân PVF). Thời gian tổ chức lượt đi là từ 15-4 đến 29-5 hoặc 1-5 đến 28-6.
VPF cho biết, ưu điểm của phương án này là sẽ đáp ứng tiêu chí sân nhà-sân đối phương, có quãng nghỉ phù hợp để các cầu thủ đảm bảo thể lực, giảm tải lịch thi đấu giai đoạn 2, tránh giải kết thúc muộn. Đội tuyển Việt Nam sẽ chủ động được kế hoạch chuẩn bị cho vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020.
Hạn chế của nó là mật độ thi đấu dày, ảnh hưởng mặt sân, việc thi đấu không có khán giả có thể khiến cầu thủ thiếu hưng phấn.
Kế hoạch trên của VPF đã tạo nên nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Bầu Đức phản ứng mạnh nhất với lý do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có chỉ đạo hạn chế tụ tập đông người. Tuy nhiên, VPF khẳng định đây là kế hoạch mở, lấy ý kiến của các CLB trước khi tiến hành và chỉ triển khai khi tình hình an toàn.
Khảo sát của Tuổi Trẻ Online cho thấy, có 6/14 CLB ủng hộ kế hoạch của VPF, 3 đội phản đối và số còn lại chưa đưa ra ý kiến cụ thể. Theo kế hoạch, ngày 31-3 tới VPF sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến lấy ý kiến các CLB về kế hoạch này.
Do chỉ đạo của bầu Đức, HAGL là đội duy nhất không trả lời phiếu lấy ý kiến của VPF và cũng không đăng ký dự họp cùng 13 CLB khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận