Tôi xin mạn phép đứng ở góc nhìn của một bác sĩ nhi với 10 năm làm việc ở các bệnh viện nhi (tuyến cuối, tuyến cơ sở, tư nhân) để kể những câu chuyện về việc chuyển viện, chuyển tuyến với hy vọng mang đến cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều hơn.
Thực tế chuyển viện không đơn giản
Căn cứ điều 5 thông tư 14/2014/TT-BYT quy định điều kiện chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau: bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (đã được phê duyệt) hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị.
Nếu chuyện chuyển tuyến chỉ dừng lại ở việc phù hợp với điều kiện trên đây thì không có nhiều điều phải bàn luận. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Mọi chuyện phải có sự đồng thuận của ba bên: bệnh viện tuyến dưới, người bệnh (hoặc thân nhân) và bệnh viện tuyến trên. Chỉ cần một trong ba bên không thống nhất về việc chuyển bệnh lên tuyến trên, sự việc sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Trường hợp chuyển tuyến theo quy định xuất phát từ bệnh viện tuyến dưới nhưng người nhà bệnh nhi không đồng ý chuyển vì nhiều lý do khác nhau (như chi phí điều trị...): tình huống này thường ít gặp và đa phần giải quyết nhẹ nhàng hơn.
Phức tạp hơn cả là việc chuyển tuyến xuất phát từ nguyện vọng của người nhà bệnh nhi nhưng lại không nhận được sự đồng ý từ bệnh viện tuyến dưới hoặc bệnh viện tuyến trên. Lúc này sẽ bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn và câu chuyện sẽ nặng nề, khó lường hơn nếu sức khỏe của bệnh nhân diễn tiến không thuận lợi. Đây được xem là nút thắt khó gỡ đối với thực trạng y tế hiện nay.
Tại sao bệnh viện tuyến dưới không chuyển đi?
Nếu chỉ đơn thuần mong muốn giữ lại điều trị vì đánh giá bệnh của trẻ phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị của cơ sở, giảm chi phí cho bệnh nhân hoặc vì muốn giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên, tôi cho rằng đây là lý do phù hợp vì có lợi cho tất cả các bên.
Nếu người nhà được giải thích tường tận về lý do giữ lại, về chẩn đoán bệnh, về kế hoạch điều trị và cảm nhận được sự tận tâm từ phía nhân viên y tế, tôi nghĩ mâu thuẫn sẽ được tạm lắng lại để các bên đồng lòng cùng chăm lo cho sức khỏe của bệnh nhân.
Có lần công tác ở Tây Ninh, tôi được mời hội chẩn một ca viêm phế quản phổi vì người nhà lo lắng xin chuyển tuyến trên. Sau khi thăm khám và xem xét cẩn thận các kết quả cận lâm sàng của bệnh nhi, tôi trao đổi cùng với bác sĩ khám trực tiếp và thống nhất thuyết phục thân nhân ở lại, vì hiện tại trẻ không có chỉ định chuyển tuyến trên, đồng nghiệp của tôi tại đây có thể điều trị rất tốt bệnh lý này. Vài ngày sau, bệnh nhi tiến triển tốt. Đây là một trong rất nhiều trường hợp điều trị thành công ở tuyến cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến cuối.
Nhưng không phải người nhà bệnh nhi nào cũng đủ vững tâm để tin tưởng tuyến dưới. Tôi có anh bạn làm bác sĩ ở Cà Mau. Anh chăm chỉ học sau đại học, anh nhiệt huyết học siêu âm tim và lọc máu cùng nhiều kỹ thuật cao... Anh nỗ lực phát triển đội ngũ chỉ với một mong muốn điều trị tốt nhất có thể cho bệnh nhi ở vùng quê của anh. Anh cố gắng thuyết phục người nhà để giữ các ca nặng ở lại điều trị vì những lý do chính đáng như tôi đã nêu ở trên, nhưng cuối cùng anh vẫn phải chuyển bệnh lên TP.HCM vì người nhà quyết tâm muốn chuyển.
Câu hỏi đặt ra: Làm sao để người dân tin tưởng hệ thống y tế cơ sở, tuyến dưới? Họ cần thấy được hiệu quả điều trị, cần cảm được thái độ phục vụ tốt... Nhưng nếu bệnh viện tuyến dưới không có bệnh nhân, mặc dù đã cải thiện năng lực và cơ sở vật chất, thì liệu kinh nghiệm có được nâng cao?
Không thể phủ nhận kinh nghiệm lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Chúng tôi vẫn luôn ý thức mỗi ngày rằng "bệnh nhân là người thầy lớn nhất".
Cần sự góp sức từ nhiều phía
Có hai lý do chủ yếu: quá tải trang thiết bị và không đúng chỉ định. Với tình trạng đã hết giường (gần như là thường ngày), chúng tôi sẽ giới thiệu họ liên hệ chuyển bệnh đến bệnh viện khác cũng có chức năng điều trị tương tự. Tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải, trong khi tuyến dưới mặc dù đã nâng cao năng lực, cải tiến dịch vụ nhưng vẫn vắng bệnh nhân.
Kết cục là vòng luẩn quẩn với sự mất cân bằng của hệ thống y tế: tuyến dưới thưa thớt, thu không đủ chi, vừa không thể giữ chân nhân viên y tế vừa không thể phát triển cơ sở vật chất; người bệnh không tin tưởng, lại đổ về các bệnh viện ở thành phố lớn; tuyến trên đã đông nay lại càng "tấp nập", tạo điều kiện cho những hiện tượng tiêu cực xuất hiện. Chưa đề cập đến các vấn đề vĩ mô khác, chỉ thấy trước mắt: liệu rằng chất lượng y tế có được đảm bảo? Và liệu rằng quyền được chăm sóc sức khỏe có còn được bình đẳng?
Để giảm căng thẳng không nên có trong việc chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên, cần sự góp sức từ nhiều phía. Tôi tin rằng nếu nhân viên y tế làm đúng việc (trách nhiệm cao, giữ vững y đức) và xã hội có cái nhìn đa chiều công tâm hơn thì mọi chuyện sẽ dần đi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận