Đoàn thiếu nhi miền Nam cùng Bác tiếp phái đoàn Cuba (Võ Phổ đứng hàng giữa bên phải Bác, cổ đeo khăn rằn) - Ảnh tư liệu chụp lại
Có lần tôi gặp một cựu binh Mỹ, nghe hướng dẫn viên liệt kê thành tích của tôi, ông ta tỏ ra sợ hãi. Nhưng ngày ấy, cứ mở mắt ra là thấy lính Mỹ càn quét xóm làng mình, tôi không có lựa chọn nào khác cả.
Thầy Võ Phổ
Vào diễn đàn của các sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ngoài những nhắn hỏi về bài giảng là vô số những lời ca ngợi về những lẽ sống trong đời mà các bạn đã học được từ thầy. Và cuối cùng, chính tôi cũng nhớ ra cái tên Võ Phổ trong một bài đọc thêm về cậu bé "Dũng sĩ diệt Mỹ" bốn lần được gặp Bác Hồ trong sách tập đọc lớp 4 cách đây mấy mươi năm...
Giờ học của thầy Phổ
Đến phòng học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nghe tiếng giảng đặc giọng Quảng của thầy Võ Phổ vang vang, các dãy ghế đông kín. Môn học đậm chất lý thuyết, nhưng các cuốn sách trên bàn không thấy ai mở ra, các cuốn vở cũng ít được ghi chép, chỉ có những gương mặt sinh viên chăm chú và say mê theo câu chuyện thầy giảng.
"Báo tuần này các em đọc chưa? Nóng hổi là mấy vụ bắt ma túy số lượng lớn, người nghiện ngáo đá giết người. Những hiện tượng, nguy cơ không thể chấp nhận trong xã hội mà Nguyễn Ái Quốc đã cảnh báo từ đầu thế kỷ lại vẫn cứ trở đi trở lại và trong ấy có số phận và trách nhiệm của giới trẻ chúng ta...".
"Các nhà kinh tế đang đưa ra phân tích và cảnh báo về việc Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình, dẫn đến trì trệ trong phát triển và sẽ mất rất nhiều năm để thoát ra. Trong khi đó, con đường để phát triển lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chúng ta đã xác định được rõ rồi: tập trung vào những mũi nhọn công nghiệp hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chính là các ngành chuyên môn mà các em đã chọn. Để rút ngắn khoảng cách, "sánh vai với các cường quốc năm châu" thì phải nhớ: mục tiêu có rồi nhưng nếu không có hướng đi đúng, không có gia tốc đạt yêu cầu thì chúng ta không bao giờ tới đích. Cơ hội chỉ dành cho những người nỗ lực đi đầu...".
Luôn bắt đầu bằng những câu chuyện thời sự nóng bỏng để đi đến những quy luật, những nguyên lý, những kết luận..., cách giảng mà không giảng này của thầy Phổ có lẽ là phương án tốt nhất để thu hút sinh viên trong thời đại thông tin tràn ngập.
Tuổi thơ dữ dội
"Quê ở Liên Chiểu, Đà Nẵng. Nhà nghèo, tôi đi chăn trâu. Khi tôi vừa bắt đầu có ý thức thì đã thấy trước mặt mình là chiến tranh, là bắn giết, đốt phá. Vào du kích năm 13 tuổi như là chuyện tất nhiên..." - thầy Phổ nhỏ nhẹ kể về những năm tháng khốc liệt trong đời của mình.
Lớn lên đúng thời điểm quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam, sống sát cạnh căn cứ quân sự Đà Nẵng, ký ức của cậu bé Võ Phổ là máy bay Mỹ thả quân, là quân Mỹ lùng sục đốt phá làng xóm, bắn giết dân làng. 13 tuổi, Phổ đã biết cầm súng đi theo các anh và rất nhanh, biết tự tổ chức những trận phục kích.
15 tuổi, cái tên Võ Phổ đã nổi danh khắp các đội du kích trong vùng. Hôm nay, thầy giáo Võ Phổ còn nhớ khi ấy mình rất thích những đêm trăng tròn. Không phải vì ánh trăng dịu ngọt nên thơ, không phải vì câu chuyện cổ tích chị Hằng chú Cuội, mà vì trăng sáng sẽ dẫn lối cho cậu chọn được nhanh hơn những điểm phục kích.
Làm du kích hơn ba năm, Phổ 12 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
"Có lần tôi gặp một cựu binh Mỹ, nghe hướng dẫn viên liệt kê thành tích của tôi, ông ta tỏ ra sợ hãi. Nhưng ngày ấy, cứ mở mắt ra là thấy lính Mỹ càn quét xóm làng mình, tôi không có lựa chọn nào khác cả" - thầy Phổ nhẹ giọng kể.
Những câu chuyện về "tuổi thơ dữ dội" ấy của Phổ sau này đã được nhà văn Phạm Hổ và nhà thơ Trinh Đường đưa vào các tác phẩm của mình, vào sách giáo khoa, trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ một thời chống Mỹ.
"Thời ấy qua rồi, với tôi và với cả lịch sử", hôm nay thầy Phổ mang những hoài niệm ấy vào trong thơ: "Những mùa xuân/ Đi qua lặng lẽ/ Bóng mẹ nghèo đọng lại trong tim/ Mẹ cho con niềm tin/ Mẹ cho con sức mạnh/ Như sức con tàu đi nhanh mãi...".
Thầy Võ Phổ trong một giờ lên lớp môn Tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đi nhanh
Chuyến đi xa quê mẹ của Phổ bắt đầu năm 1967. Cùng đoàn dũng sĩ diệt Mỹ, đôi chân vừa bị găm 11 mảnh đạn chưa kịp lành của Phổ đã vượt Trường Sơn suốt ba tháng ngược ra miền Bắc. "Ra Bắc sẽ được gặp Bác Hồ, nghĩ vậy mà quên cả đau đớn", ông Phổ còn nhớ rõ cảm giác háo hức ấy của tuổi 16.
Được gặp Bác Hồ và câu đầu tiên Bác hỏi: "Chân cháu đỡ đau chưa?" đã ở mãi trong tim của Phổ, đọng mãi trong những bài giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh sau này. "Bác không chỉ nhớ rõ Võ Phổ đang bị thương ở chân, mà còn ân cần bảo tôi mở băng để Bác tự kiểm tra và nói: "Vết thương mưng mủ rồi, Bác sẽ cho cháu đi bệnh viện". Làm sao tôi có thể quên?".
Bốn lần được gặp, dùng cơm, trò chuyện với Bác Hồ, đoàn dũng sĩ miền Nam lần lượt quay trở lại chiến trường, nhưng rồi Bác lại bảo: "Những cháu chưa tới 18 tuổi nên ở lại đi học. Gắng học giỏi để hết chiến tranh còn giúp nước".
Cuộc đời thay đổi từ ấy. Phổ ở lại miền Bắc và chỉ sau 3 năm đã hoàn tất chương trình phổ thông, thi đỗ vào Đại học Xây dựng. Học đến năm thứ 3, trong một lần đi giao lưu, thầy hiệu trưởng bảo: "Cậu nói chuyện rất hay, cậu nên chuyển sang học triết...".
Chưa quyết định chuyển ngành thì đất nước thống nhất, về lại quê cũ, gia đình đã không còn ai. Cha mẹ, năm anh chị em, bạn bè, đồng đội đều đã hi sinh trong đạn pháo. Chiến tranh ngỡ như lùi xa nhưng lại lặn vào tận đáy tim. Nghẹn ngào, Phổ rời đất mẹ vào Nam: "Ơi mảnh đất Hòa Vang quê mẹ/ Một thuở đau thương/ Một thuở anh hùng/ Dù đi xa vẫn trọn vẹn thủy chung/ Như cây nhớ rừng, như chim nhớ tổ...".
"Tôi đi học triết, rồi trở thành thầy giáo dạy các môn triết, tư tưởng cho đến bây giờ. Nhờ đồng bào đùm bọc, nhờ Bác dạy dỗ mà trưởng thành, giờ tôi chỉ có cách mang câu chuyện đời mình để truyền lại cho các em. Bác không nói những câu giáo điều bao giờ, nhưng những điều Bác nói luôn cực kỳ sâu sắc. Tôi chỉ gắng học Bác..." - thầy Phổ tâm sự.
Gần 40 năm đứng trên giảng đường, những bài giảng vẫn luôn sống động. Hàng ngàn buổi trò chuyện truyền thống khắp cả nước, quãng đời được gặp Bác, được Bác yêu thương chăm sóc dạy dỗ được thuật lại vẫn luôn thắm tình. Nay đã nghỉ hưu, nhưng lịch thỉnh giảng, nói chuyện của thầy vẫn đặc kín.
Thỉnh thoảng, một vài cựu sinh viên các khóa của Trường ĐH Bách khoa lại tổ chức lễ tri ân thầy cô. Trong những buổi lễ ấy, dù không phải giảng viên chuyên ngành, thầy Phổ luôn được mời lên phát biểu. Và họ giải thích: "Ấy là vì thầy Phổ đã dạy chúng tôi rằng: hãy luôn nỗ lực để trở thành người đi tiên phong!".
Tấm lòng thầy Phổ với sinh viên
Các học trò của thầy Phổ kể chuyện thầy ngăn căn nhà tập thể của mình lấy phòng cho sinh viên nghèo đỡ tiền trọ học, những món quà thầy trích tiền lương để thưởng sinh viên đạt điểm cao, những khoản học phí thầy gánh đỡ khi gia đình sinh viên túng thiếu, những buổi chạy đến tìm thầy tâm sự khi gặp khúc mắc đường đời... "9 điểm được thầy tặng từ điển chuyên ngành, 10 điểm thì muốn gì cũng được", cô học trò nhắc mãi về tấm áo dài thầy tặng ngày tốt nghiệp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận