Khách tham quan Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng - Ảnh: T.T.D.
Tôi thích đi du lịch trong nước để tìm hiểu vùng đất, lịch sử, văn hóa, con người Việt. Vui vì đất nước có quá nhiều cảnh đẹp, thu hút đông du khách nước ngoài. Và buồn vì đây đó vẫn còn nhiều người thờ ơ trong hoạt động du lịch, nhiều cái sai nhỏ nhưng ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, lòng tự tôn dân tộc.
Lần đến Đà Nẵng, ngồi ăn uống trong một nhà hàng gần bãi biển, chỉ trong hai tiếng đồng hồ tôi thấy có đến năm lần du khách ăn xong trả bằng tiền đôla Mỹ, nhân dân tệ nhưng nhân viên thu ngân vẫn đồng ý.
Du lịch nước ta ở nhiều nơi vẫn còn hình thức "ăn xổi ở thì", người làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, nhiều hướng dẫn viên hiểu hời hợt về tuyến điểm mình đang đi.
Câu chuyện hướng dẫn viên nói với khách vẫn thấy thiếu tinh thần Việt, niềm tự hào dân tộc, sự am hiểu cần thiết về vùng đất, con người nơi du khách đang đến.
Nhớ lần tôi đến Thái Lan, khi vừa ra cổng sân bay, hướng dẫn viên nước bạn nói bằng tiếng Việt nhắc chúng tôi những điều cần lưu ý. Đó là tôn trọng văn hóa, di tích, lịch sử, phong tục địa phương.
Họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần: chỉ cho phép thanh toán bằng tiền baht Thái. Tối đi chơi, taxi chở về tới khách sạn, trong đoàn chỉ còn tiền Việt và USD, anh tài xế từ chối giao dịch và chở tôi đến địa điểm được phép đổi tiền để đổi ra đồng baht Thái.
Nghĩ về chuyện xứ mình, người kinh doanh chỉ quan tâm lợi nhuận trước mắt, để thuận tiện cho mình, chấp nhận sử dụng ngoại tệ tức là không bảo vệ đồng tiền của đất nước mình.
Trách nhiệm này có lẽ trước hết thuộc về công tác quản lý nhà nước, ngành du lịch trong cấp phép hoạt động, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý, ngăn ngừa sai phạm...
Cần xây dựng nguyên tắc sao cho bất kỳ du khách nào cũng biết và tuân thủ pháp luật nước ta, điều đó cần xuất phát từ ý thức người làm du lịch, bổn phận mỗi công dân.
Người làm du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên được xem là "đại sứ" tuyên truyền phải giới thiệu các giá trị cốt lõi và tốt đẹp về đất nước, lịch sử, văn hóa, di tích, thắng cảnh.
Hơn ai hết, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch phải là những người luôn phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, lòng tự trọng, ý thức dân tộc, tự hào là dân Việt khi giới thiệu đất nước mình với du khách. Về việc này, du khách Việt dễ tính ít khi góp ý để các công ty du lịch nâng chất nghề nghiệp của họ.
Với khách nước ngoài, hướng dẫn viên hời hợt tức là ta đánh mất một cơ hội quý để quảng bá đất nước mình, để du khách mê thích, sẽ quay lại và giới thiệu người khác đến với Việt Nam.
Chuyện sử dụng ngoại tệ có lẽ không xảy ra nếu những người liên quan hoạt động du lịch có lòng tự tôn dân tộc, không thờ ơ, không chiều lòng du khách, không tiếp tay cho các sai phạm. Giá như tất cả cửa hàng, quán ăn, nơi kinh doanh dịch vụ du lịch đều treo bảng chỉ giao dịch tiền Việt và từ chối sử dụng ngoại tệ...
Và cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ tình trạng giao dịch bằng ngoại tệ trong du lịch, ngăn chặn xử lý các sai phạm.
Ghi lại những chuyện được coi là nhỏ, được dễ dãi du di, bỏ qua lần này đến lần khác, nơi này đến nơi khác. Chúng ta có nhiều danh lam thắng cảnh không thua nước bạn nhưng dịch vụ du lịch Việt vẫn đi sau, từ nhiều chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ như vầy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận