14/08/2016 13:24 GMT+7

Chuyển từ siết đầu vào sang siết đầu ra

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Việc Bộ GD-ĐT đồng ý cho TP.HCM được tự xét công nhận tốt nghiệp THPT đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia giáo dục, nhà trường, phụ huynh học sinh. Nhưng cũng có nỗi lo khi chưa có một kế hoạch cụ thể, chi tiết dù năm học đã gần đến.

Một nhóm học sinh chuẩn bị vào lớp 12 năm nay, đã bắt đầu rèn luyện môn vẽ để hướng đến ngành kiến trúc. Họ có chút lo lắng khi nghe chuyện lại đổi mới thi cử - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một nhóm học sinh chuẩn bị vào lớp 12 năm nay, đã bắt đầu rèn luyện môn vẽ để hướng đến ngành kiến trúc. Họ có chút lo lắng khi nghe chuyện lại đổi mới thi cử - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập, chia sẻ: Tôi ủng hộ việc này, nhưng Bộ GD-ĐT đã giao TP.HCM thì cũng nên giao cho một số địa phương khác, nếu họ có thực lực tổ chức tốt kỳ thi.

Tiến tới, phải để 63 sở GD-ĐT chủ động tổ chức kỳ thi để công nhận tốt nghiệp THPT. Còn việc tuyển sinh ĐH-CĐ nên trả lại cho các trường chủ động thực hiện.

Trong năm 2017, có thể Bộ GD-ĐT vẫn ra đề, các địa phương tổ chức coi thi, chấm thi, công nhận tốt nghiệp. Nhưng sau đó, khi có đủ thời gian chuẩn bị, việc ra đề thi cũng giao cho các sở GD-ĐT tự lo. Riêng về quy định liên quan tới môn thi, theo tôi cần có điều chỉnh.

Về nguyên tắc, học sinh học môn gì ở bậc THPT thì phải thi môn đó chứ không chỉ thi 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc như hiện nay. Dĩ nhiên số lượng buổi thi, bài thi chỉ hạn chế. Vì vậy cần nghiên cứu để có hướng ra các đề thi tích hợp hoặc tổ hợp từ nhiều môn học khác nhau.

* Chúng ta đã có hai năm đổi mới thi THPT quốc gia, năm tới lại đổi mới, trong đó thay đổi nhiều về môn thi, đề thi như GS góp ý thì liệu có khiến học sinh hoang mang, việc điều chỉnh dạy học không theo kịp việc này?

- Tôi nghĩ trong nhiều năm trước khi giao cho các trường ĐH chủ trì cụm thi THPT quốc gia, các sở GD-ĐT vẫn chủ trì tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Vì thế năm 2017 nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi đơn vị tổ chức thi, còn cách thức thi, nội dung thi vẫn không thay đổi.

Việc xây dựng các bài thi tích hợp, tổ hợp từ nội dung kiến thức, kỹ năng nhiều môn học không phải mới với học sinh. Việc dạy tích hợp đã được Bộ GD-ĐT triển khai nhiều năm qua rồi. Có những kiến thức có thể tích hợp trong câu hỏi của đề thi, nhưng cũng có kiến thức không tích hợp được mà chỉ là tổ hợp lại các câu hỏi của các môn học khác nhau.

Việc này không có gì mới mẻ, chỉ khác ở chỗ học sinh phải thay đổi tâm lý là môn học nào cũng phải thi, không học tủ học lệch được. Việc tích hợp, tổ hợp các câu hỏi của các môn học trong một bài thi sẽ giảm bớt thời gian thi, giảm căng thẳng, tốn kém cho học sinh, phụ huynh.

* Theo GS, nếu việc này được thực hiện, các trường ĐH-CĐ có nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH-CĐ nữa không?

- Khi đó việc xét tuyển thế nào sẽ giao cho các trường ĐH-CĐ chủ động, có thể sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, hoặc tổ chức vừa thi vừa xét tuyển hoặc chỉ xét tuyển dựa vào học bạ, vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Các trường ĐH-CĐ phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng tuyển sinh của mình. Tiến tới sẽ chuyển từ siết chặt đầu vào sang siết chặt quá trình đào tạo và siết đầu ra.

* Việc giao cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT luôn khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc tiêu cực nảy sinh, gia tăng. GS suy nghĩ thế nào?

- Tiêu cực đúng là vẫn là điểm phải lo ngại và ngăn ngừa, nhưng chúng ta cũng không thể cầu toàn. Trước đây khi bộ “ôm” việc tổ chức thi thì vẫn có tiêu cực, tỉ lệ tốt nghiệp nhiều nơi vẫn trên 90%.

Tôi nghĩ khi giao cho địa phương, có thể họ sẽ có trách nhiệm với công việc này hơn trước đây và phải có biện pháp ngăn ngừa tiêu cực. Quan trọng là khi các địa phương tự tổ chức thi, kết quả thi sẽ tác động ngược được trở lại chất lượng dạy học, giáo dục.

* GS Nguyễn Minh Thuyết:

Nên đặt niềm tin vào địa phương

Tôi ủng hộ chủ trương này, tôi nghĩ hoàn toàn có thể thực hiện ngay vào năm 2017. Có thể giao cho các sở GD-ĐT trên toàn quốc ra đề thi, coi thi, chấm thi, công nhận tốt nghiệp. Việc này chỉ thay đổi đơn vị tổ chức thi chứ không ảnh hưởng nhiều đến thí sinh, vì thế công bố đầu năm học mới để học sinh có một năm chuẩn bị là được.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa nên điều chỉnh số môn thi, hay thiết kế cấu trúc đề thi mới theo hướng tích hợp. Vì chính việc điều chỉnh số môn thi theo hướng sẽ thi tất cả các môn học trong chương trình hoặc ra bài thi theo hướng tích hợp liên môn sẽ khiến học sinh hoang mang, kéo theo đó là có sự xáo trộn trong việc dạy học.

Đây là việc có thể làm nhưng cần có lộ trình.

Còn về tiêu cực, tôi không lo lắm. Lâu nay dù Bộ GD-ĐT tổ chức nhưng các sở GD-ĐT đều tham gia các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi vì vậy họ không xa lạ gì.

Dĩ nhiên cần có tập huấn tốt, cần có các quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc đối với sai phạm. Nhưng tôi cho rằng trước hết cứ nên đặt niềm tin vào các địa phương, nhiều việc còn quan trọng hơn đã giao cho địa phương thì sao việc thi cử không thể giao được.

TP.HCM sẽ làm tốt

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 13-8, ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Ngành giáo dục TP.HCM rất vui mừng trước việc Bộ GD-ĐT cho phép TP.HCM tự công nhận tốt nghiệp THPT. Đề án về tự tổ chức công nhận tốt nghiệp THPT của TP.HCM đang trong quá trình chuẩn bị, nên chúng tôi chưa công bố cụ thể, chi tiết được.

TP.HCM đã chuẩn bị rất kỹ càng cả về cách thức thực hiện, nhân lực và tâm lý cho cán bộ quản lý, giáo viên. Tôi muốn nhấn mạnh dù TP.HCM được tự công nhận tốt nghiệp THPT thì phương thức thực hiện cũng nằm trong tổng thể chung của kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT chủ trì.

Hai năm nay TP.HCM là địa phương thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia nên chúng tôi tự tin sẽ thực hiện tốt công tác này”.

VĨNH HÀ - Mỹ Dung ghi

Tăng năng động, sáng tạo cho giáo dục

* Thầy giáo Nguyễn Văn Cải (phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, Củ Chi):
Cảm nhận được sự thông thoáng

Nguyễn Văn Cải

Bộ GD-ĐT đang đi từng bước trong giao quyền tự chủ cho các địa phương. Hiện tôi mới nghe chủ trương, chưa biết cụ thể như thế nào nhưng cũng cảm nhận được sự thông thoáng. Cá nhân tôi rất phấn khởi với sự “cởi trói” của Bộ GD-ĐT cho ngành giáo dục TP.HCM.

Tăng thêm quyền tự chủ sẽ tăng thêm tính năng động, sáng tạo cho giáo dục TP. Trường đang chờ hướng dẫn từ sở xem được tự chủ những gì. Biết TP.HCM được tự công nhận tốt nghiệp, nhiều đồng nghiệp của tôi ở các tỉnh thắc mắc “sao không làm cho cả nước?”.

* Cô giáo Lê Thị Cẩm Hương (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM):
Chuyển từ “học để thi” qua “học để biết”

Cẩm Hương

Tôi nghĩ việc để nhà trường tự đánh giá học sinh tốt nghiệp THPT là việc đúng ra đã phải làm từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ. Tuy nhiên, muộn còn hơn không.

Đã từ lâu, Tổ chức UNESCO đã đưa ra mục đích học tập là học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. Nhưng do áp lực thi cử nên mục đích đó không còn được nguyên giá trị.

Nếu không phải thi tốt nghiệp cùng với việc học tích hợp, liên môn như yêu cầu hiện nay sẽ giảm tải cho học sinh rất nhiều. Các em sẽ có thời gian, cơ hội học thêm năng khiếu, rèn kỹ năng sống...

* Học sinh Nguyễn Đặng Kim Cương (lớp 12 Trường THPT Gia Định, Bình Thạnh):
Hi vọng thay đổi việc học nhiều nhưng không biết thích gì

Tôi có nghe việc TP.HCM được tự công nhận tốt nghiệp THPT và thầy cô của tôi ở trường cũng có nhắc tới. Hiện nay tôi thấy mình phải học nhiều quá, không có thời gian dành cho những kỹ năng khác. Học nhiều nhưng bản thân không biết mình sẽ thi gì, học ngành gì, sở thích, ưu điểm của mình là gì.

Từ trước tới nay tôi luôn cố gắng để giỏi đều như nhau nên không có cơ hội, điều kiện tìm hiểu ngành nghề và sở thích của mình nằm ở chỗ nào. Mong rằng việc TP được tự công nhận tốt nghiệp sẽ thay đổi được những vấn đề bản thân tôi cũng như các bạn của tôi đang gặp phải.

HÀ BÌNH ghi

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp