Học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong giờ ôn thi chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2016 - Ảnh: Như Hùng |
“Con tôi năm nay đang học lớp 11 một trường THPT công lập trên địa bàn TP.HCM. Cháu chán học và không thích đến trường. Cháu nói học ở lớp chính khóa thầy giảng bài không hiểu. Rồi cháu yêu cầu cần học thêm bốn môn: văn, toán, tiếng Anh, hóa. Đây là bốn môn dự kiến cháu sẽ dùng kết quả để xét tuyển vào đại học. Tôi bắt buộc phải chiều theo.
Nhưng ngặt nỗi trường của cháu dạy hai buổi/ngày, con nhà tôi phải học suốt từ sáng đến chiều ở trường (trưa về nhà ăn cơm), buổi tối các ngày thường và sáng chủ nhật tôi và ba cháu phải thay phiên nhau chở con đi học thêm. Mỗi môn học hai buổi/tuần, thật sự rất vất vả. Năm sau cháu lên lớp 12, gia đình tôi đang tìm hiểu để chuyển con sang trường tư thục”.
Trên đây là tâm sự của chị Lan, phụ huynh nhà ở quận 10, lý do chị đưa ra khi kiên quyết chuyển trường cho con là: “Nghe nói học ở trường tư thì không phải đi học thêm, học nếm gì nữa. Không hiểu bài thì thầy cô sẵn sàng dạy lại”.
Kiểu gì cũng phải học thêm
Tương tự, chị Minh có hai đứa con sinh đôi đang học lớp 8 tại một trường THCS của TP.HCM. Trong những ngày giữa tháng 5, chị dò hỏi khắp nơi trước khi chọn một trường tư thục để con sẽ chuyển sang học từ đầu năm lớp 9. Bạn bè nghe tin, ai cũng bảo chị dại quá, không dễ gì xin vào được trường THCS ấy mà bây giờ lại đùng đùng chuyển con đi.
Nói về lý do chuyển trường, chị Minh giải thích chậm rãi: “Hồi con trai lớn đang học lớp 9, cứ ban ngày học chính khóa ở trường, buổi tối đi học thêm. Gần tới ngày thi lớp 10 thì ba mẹ cùng con đi học cả ngày thứ bảy và chủ nhật.
Nhà thì xa nơi học thêm (vì đã đóng tiền học thêm phải chọn chỗ tốt). Mỗi buổi cháu chỉ học một tiếng rưỡi, về cũng không kịp nên tôi đành đội mưa đội nắng đứng chờ con ở cổng trường để chở con về luôn một thể. Ngày nào mẹ mệt thì bố thay thế, may là năm ấy cháu đậu vào trường chuyên, nhưng đổi lại là cả bố mẹ, cả con đều phờ phạc cả người”.
Chị quyết định: “Tôi xác định trước sẽ cho hai đứa em học trường tư từ nay đến hết THPT để trốn không phải chạy sô học thêm nữa. Trường tư dạy cả chương trình chính khóa lẫn học thêm, luyện thi luôn rồi. Buổi tối đón về nhà là xong xuôi hết, không phải ưu tư nên cho học thêm chỗ nào, trung tâm nào nữa”.
Theo cô Lê Thúy Hòa - hiệu trưởng Trường THCS-THPT tư thục Thái Bình: “Thường phụ huynh chuyển từ trường công lập qua đa số là học sinh các lớp đầu cấp (lớp 6, lớp 10). Các trường hợp chuyển vào giữa năm học hoặc các lớp giữa cấp, cuối cấp cũng có nhưng không nhiều.
Nguyên nhân xin chuyển là: học sinh được học bán trú hoặc nội trú trong khi ở khối trường công lập rất ít trường đáp ứng được điều này; họ không muốn phải cho con em đi học thêm vì mất thời gian, công sức đưa đón, cực nhọc cho cả học sinh và gia đình...”.
Thừa nhận thực trạng trên, một hiệu trưởng trường tư thục tại quận Tân Phú cho biết: “Nếu như trước đây chỉ những học sinh các tỉnh hoặc học sinh bị nhà trường công lập kỷ luật, đuổi học mới xin chuyển sang trường tư thì nay tình hình đã khác. Nhiều trường hợp chuyển sang học tư thục vì phụ huynh không muốn con em họ phải chạy đôn chạy đáo học thêm nhiều nơi.
Thực trạng này chưa phải là phổ biến nhưng có xu hướng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong năm học 2015-2016 có sáu học sinh từ trường THPT nổi tiếng xin chuyển sang trường tôi. Vì trên thực tế, dù các em học ở trường có đầu vào cao vẫn phải đi học thêm ngoài trung tâm (hoặc học thêm với thầy cô giáo đang dạy chính khóa của mình) để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Nếu không học thêm, rất khó đậu vào trường đại học top đầu”.
Ngày càng tăng
Chúng tôi đã liên hệ với các trường tư thục ở TP.HCM như: Ngô Thời Nhiệm, Trương Vĩnh Ký, Nhân Việt, An Dương Vương, Hồng Đức, Thành Nhân... và lãnh đạo các trường trên đều xác nhận có thực trạng trên.
Bà Lý Thục Trang, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thành Nhân, cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, phụ huynh TP.HCM xem trường tư thục là nơi nhận học sinh các tỉnh và những học sinh không ngoan, quậy phá, bị đuổi học ở trường công lập hoặc không đạt điểm chuẩn để vào trường công lập.
Sau đó 10 năm, khi một số trường tư thục khẳng định chất lượng giáo dục của mình thì cái nhìn của phụ huynh TP.HCM đã khác đi. Tuy nhiên, việc học sinh chuyển từ trường công lập sang tư thục chỉ mới xuất hiện cách đây năm năm và ngày càng tăng theo thời gian.
Trước đây, trong buổi lễ khai giảng ở trường tôi, một phụ huynh là lãnh đạo công ty xăng dầu đã phát biểu lý do anh chuyển con sang học ở trường tôi là: “Không phải học thêm và bị đối xử mất công bằng”.
Tương tự, ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức, giải thích: “Mỗi loại hình trường có ưu điểm riêng nên khi quyết định cho con em chuyển sang trường tư, phụ huynh cũng đưa ra nhiều lý do. Trong đó có lý do quá bận rộn, không thể đưa con đi học thêm. Như một người bạn của tôi khi cho con học ở trường công, anh ấy phải thuê riêng một bác xe ôm chuyên đưa con đi học thêm với giá 1,5 triệu đồng/tháng”.
Không những thế, một thành viên ban giám hiệu Trường THPT tư thục Nhân Việt còn cho biết: “Việc chuyển con em từ trường công sang trường tư có xu hướng ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh phụ huynh phải chịu áp lực công việc rất cao như ở TP.HCM, có ít thời gian cho con cái.
Thời gian gần đây, trường chúng tôi có sáu em học sinh giỏi chuyển từ trường công sang. Vì trên thực tế, mặc dù các em học ở trường có điểm đầu vào cao nhưng vẫn phải đi học thêm ngoài trung tâm (hoặc học thêm với thầy cô giáo đang dạy chính khóa của mình) để chuẩn bị cho kỳ thi; nếu không học thêm, rất khó đậu vào trường đại học top đầu”.
Phải giải quyết việc ép học thêm Trước hết phải khẳng định đa số giáo viên ở ta có lương tâm và lòng tự trọng. Nguyên nhân của vấn đề dạy thêm cần nhìn nhận ở khía cạnh: chương trình nặng, học sinh đông, cơ sở vật chất yếu kém... Dĩ nhiên ngành GD-ĐT cũng có những con sâu làm rầu nồi canh, gây nhức nhối xã hội, gây bức xúc tột độ trong phụ huynh: đó là hành động ép học sinh học thêm, nếu không sẽ đì các em, cho điểm kém, dạy không hết kiến thức cần dạy... Nếu các cấp quản lý cần giải quyết thì nên giải quyết dứt điểm tình trạng này bằng cách lập đường dây nóng của sở GD-ĐT hoặc phòng GD-ĐT, ban giám hiệu trường để phụ huynh có thể báo ngay. Và những thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo ấy phải được xử lý thích đáng hoặc nêu tên cho toàn trường biết để làm gương. |
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật Theo giải thích của hiệu trưởng các trường tư thục, tình hình như trên không phải trường tư thục giỏi hơn trường công mà vì: “Chúng tôi đã thu tiền học thêm chung với học phí chính khóa rồi (phụ huynh chỉ đóng một khoản học phí duy nhất, trong đó đã bao gồm: học chính khóa, học thêm, học với giáo viên tiếng Anh bản ngữ, đạo đức, kỹ năng sống...). Trường tư thục không dạy một buổi/ngày mà dạy bán trú (học từ sáng đến 16g30) và nội trú (học sinh các tỉnh ngủ tại trường, học sinh ở thành phố thì học từ sáng đến 21g, khi về nhà chỉ tắm rửa rồi giải trí, đi ngủ, không phải lo gì thêm nữa). Chúng tôi có sự thuận lợi về thời gian, về kinh phí nên tổ chức được: học sinh yếu sẽ được phụ đạo thêm, học sinh giỏi sẽ được bồi dưỡng nâng cao; học sinh cuối cấp được luyện thi đại học với những giáo viên giỏi chuyên môn... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận