Bà Thu luôn ân cần chăm sóc chồng khuyết tật - Ảnh: D.QUÍ
"Không phải tôi chê Phong tàn tật, nhưng quy tắc của tôi là nhỏ hơn nửa tuổi tôi cũng không lấy, đằng này Phong nhỏ hơn tới 5 tuổi. Phong mà lớn hơn 1 tuổi là tôi lấy liền" - bà Thu cười, kể lại khoảnh khắc người chồng tàn tật tỏ tình với mình 21 năm về trước.
Một tình yêu kỳ lạ
Trong ký ức của bà Thu (tên thật Dương Thị Thu Liễu, 55 tuổi, ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán, Đồng Nai), chưa bao giờ bà nghĩ một ngày mình sẽ làm vợ ông Nguyễn Kỳ Phong (50 tuổi, quê TP.HCM) - người đàn ông nhỏ hơn bà 5 tuổi, lại bị liệt hai chân từ nhỏ và không có tài sản gì.
Chiều giao mùa se lạnh, âu yếm nhìn chồng, bà Thu kể thật ra bà với ông Phong đã biết nhau 12 năm trước khi yêu. Ông Phong khi đó nhà ở Q.Tân Bình, thỉnh thoảng đón xe lên nhà em bà Thu chơi nên hai bên biết nhau đôi chút, chứ không tìm hiểu đời tư.
"Tôi chẳng nghĩ gì đâu, ổng kêu tôi bằng chị, còn tôi xưng hô mày - tao vì coi ổng như thằng em thôi" - bà nói những năm 1996-1997, ông Phong về Đồng Nai chơi thường xuyên hơn, mỗi lần ở lại có khi hơn một tuần.
"Lúc đó chị em cũng thân hơn nên ổng hay ở nhà tôi chơi. Mấy lần ngồi nói chuyện, tôi mới hỏi "Phong ơi, sao mày không đi kiếm vợ đi, chứ mày như vậy mà sống một mình sau này không ai nuôi, khổ lắm đó". Ổng mới nói không có tiền lại tàn tật thì ai mà lấy" - bà âu yếm nhìn chồng, kể chuyện xưa.
Ngày ấy, bà Thu thấy xót xa nhưng chẳng biết nói gì, ông cũng im lặng, chỉ nhìn bà. Bà không biết ánh nhìn đó có hàm ý gì, cũng chẳng để ý, vài lần đều như vậy.
Đến một ngày, bà lại hỏi thăm chuyện lập gia đình của "thằng Phong". Nhưng lần này, thay vì tự ti, im lặng thì người đàn ông tật nguyền nhìn bà, nói chậm mà rõ từng tiếng: "Thật ra tui thương Thu lâu lắm rồi. Thấy Thu chăm sóc ba (bị liệt toàn thân) mấy năm trời không nề hà gì, tui chỉ muốn lấy người như Thu".
"Không phải tôi chê Phong tàn tật hay nghèo gì đâu. Nhưng quy tắc của tôi đó giờ là nhỏ hơn nửa tuổi tôi cũng không lấy, đằng này Phong nhỏ hơn tới 5 tuổi. Phong mà lớn hơn 1 tuổi là tôi lấy liền" - bà Thu nhớ lại câu mình trả lời lúc ông Phong tỏ tình.
Biết "chị Thu" cũng cảm mến mình nhưng còn ngại ngần, ông Phong quyết tâm đeo đuổi bằng thứ duy nhất mà người thanh niên nghèo, khuyết tật nặng này có: tấm chân tình.
Cố "neo thuyền đợi nàng" thêm một thời gian, cuối cùng ông Phong cũng nhận được cái gật đầu của cô gái xinh đẹp hơn mình 5 tuổi.
"Mừng lắm. Tui cứ nói nhưng nghĩ bà ấy sẽ từ chối. Hồi đó bả đẹp lắm, còn mình có tật lại nghèo kiết xác, biết chừng nào mới lấy được. Tui định lúc đó nếu bị từ chối sẽ quay về TP.HCM và không bao giờ để bà ấy nhìn thấy tui nữa" - ông Phong kể.
Năm 2000, "đôi đũa lệch" quyết định kết lại mảnh ghép còn thiếu của nhau. Khi đó chàng 30, còn nàng đã 35 tuổi. "Trời ơi, sao mày lấy nó? Khổ mày chết, con ơi!" - bà Thu kể mẹ bà hét lớn khi đứa con gái xinh đẹp của mình quyết định làm vợ cậu thanh niên tàn tật, không nhà cửa, tiền bạc gì.
Họ hàng, xóm giềng nghe tin cũng không khỏi sốc, chất vấn bà Thu tại sao làm như vậy. "Chị thích sống khổ hay sao mà lấy ông Phong?" - một người gắt giọng hỏi bà Thu.
Bà kể thêm: "Tôi thương ổng nên mới lấy. Nhưng nói thật lúc mới cưới, mỗi lần đi với ổng tôi rất ngại. Hồi đó lên nhà thờ đi lễ, cha rất thương, khuyên tụi tôi nên đi vào thứ bảy. Cha nói nếu đi ngày chủ nhật, đông người, sợ rằng con nghe tiếng người đời bàn tán rồi cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc.
Lúc ấy tôi cũng sợ, nhưng mẹ tôi khuyên 'Nó đã đặt hết hi vọng vào mày, giờ mày bỏ là nó chết đó'. Thật sự đã thương ổng, nhưng vì vậy nên hai năm sau tôi mới toàn tâm toàn ý làm vợ, làm mẹ, mặc kệ người ta xì xầm ra sao" - bà xúc động tâm sự.
Đám cưới hai người được tổ chức bên đàng gái tại nhà thờ ở Đồng Nai. "Tiền mừng cưới chỉ có 1 triệu vì thời đó ai cũng nghèo, sau đám cưới tụi tôi còn bị lừa mất 500.000" - bà Thu cười kể.
Năm 2001, gia đình nhỏ của ông Phong ngập tràn hạnh phúc đón chào thành viên mới. Nhớ lại khoảnh khắc đó, bà Thu cười: "Câu đầu tiên sau khi em bé ra đời, ổng hỏi tôi là 'Chân của con thế nào?', nghe tôi nói chân em bé bình thường thì ổng mới nhẹ nhõm".
Vẹn nghĩa thủy chung
Trời chẳng lấy hết của ai cái gì, bà Thu đến với ông Phong như một món quà quý mà ông trời ban tặng cho ông, bù đắp lại chuỗi ngày đau thương, mất mát của người đàn ông bất hạnh này.
Ông Phong bị sốt bại liệt năm lên 3 tuổi, cha bỏ đi, mẹ bước thêm bước nữa. Năm 10 tuổi, cậu bé Phong sống nương nhờ tình thương của xóm giềng và phải tự ra đường kiếm tiền, ai kêu gì làm nấy, ban đêm thì học bổ túc.
Vài năm sau, ông Phong theo bạn bè làm nhiều nghề, sống lang bang khắp Sài Gòn. Đến khi ông và bà Thu yêu nhau thì chuyển hẳn về Đồng Nai sống với nghề sửa điện tử.
Lấy nhau xong, vợ chồng ông thuê nhà mở tiệm sửa điện tử, còn bà Thu hằng ngày bán cá giúp mẹ, cuộc sống thiếu trên hụt dưới nhưng đầm ấm tình yêu thương vợ chồng.
Khi con lên 2 tuổi, vợ chồng ông chuyển đến ở chung với mẹ vợ tại căn nhà hiện nay. Do không vốn nên ông tận dụng khoảng trống sau nhà, đồng thời là bếp để sửa điện tử với giá rất rẻ. Với người già, người nghèo, ông còn không lấy tiền.
Nguồn thu nhập chính của gia đình do một tay bà Thu xoay xở. Từ tạp vụ cho tới khuân vác hàng, bà Thu không từ chối việc gì. Dường như sức mạnh từ tình thương chồng, thương con đã giúp bà đủ sức gồng gánh cả gia đình suốt mấy chục năm mà không một lời than vãn.
Năm 2015, ông Phong lại bị tai biến nặng, gánh nặng dồn hết lên vai bà khi vừa săn sóc chồng đau ốm, vừa kiếm tiền nuôi con ăn học. Bà nhận hạt điều giao tới những cơ sở nhỏ lẻ, mỗi chuyến đi giao từ 1 tạ đến 1,4 tạ.
Nhiều lần khiêng vác nặng, bà bị thoái hóa cột sống, phải nằm viện gần hai tháng, đó cũng là lúc ông Phong chỉ vừa ngồi dậy được sau 3 năm nằm một chỗ.
Những ngày vợ bệnh, ông Phong cảm thấy rất bất lực vì không chăm sóc được vợ mình. Lo lắng khiến ông không thiết ăn uống, chải tóc tai, cả ngày chỉ ngồi trước cửa ngóng vợ về.
"Chỉ có lúc nằm viện dài ngày như đợt đó tôi mới thảnh thơi thôi. Còn từ lúc về làm vợ ổng rồi sinh con, tôi không ngày nào nghỉ, hết làm cái này rồi kiếm cái khác làm thêm để có bữa cơm cho chồng con. Hôm nằm viện một mình, người ta hỏi tôi bị chồng bỏ hay sao mà không thấy vô thăm". Nói vậy, nhưng bà chưa bao giờ thấy hối hận vì lựa chọn của mình.
Không làm việc nặng được nữa, bà Thu nhận đan giỏ gia công tại nhà. Một cái giỏ hoàn chỉnh, bà được 2.000 đồng. Những khi không sửa máy móc, ông Phong lại đan phụ vợ.
"Mỗi ngày hai vợ chồng cố gắng cũng chỉ đan được 40 cái, tiền công 80.000. Nhưng ở quê ăn uống không bao nhiêu nên cố gắng tằn tiện, vợ chồng tôi ăn một ngày chừng 30.000" - bà Thu trải lòng.
Nhìn vợ trìu mến, ông Phong xúc động: "Vợ tui đảm đang, thương chồng con lắm. Bao nhiêu việc nặng bả gánh hết. Tội cho bả vất vả cả đời vì tôi, vì cái gia đình này".
Ông thì tự trách mình đã để vợ phải chịu nhiều khổ cực cả một đời. Vậy nhưng, người vợ tào khang chẳng một lần oán trách ông mà lại càng thương chồng con hơn.
Mỗi ngày ông Phong sửa đồ điện tử bên người vợ đan giỏ mưu sinh - Ảnh: DIỆU QUÍ
Năm 2019, em Nguyễn Kỳ Duyên - con của vợ chồng ông Phong - đã nhận được suất học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, hỗ trợ tân sinh viên vượt khó, học giỏi.
Hiện Kỳ Duyên là sinh viên năm thứ hai ngành ngôn ngữ Anh của Trường đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM (HUFLIT).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận