Anh Cường giúp vợ chỉnh lại cái chân giả - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Sao đoạn đành bỏ nhau
Trước đó, họ có một cuộc sống bình dị nhưng an vui khi vợ chồng đều là công nhân ở một nhà máy tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Gia đình thêm hạnh phúc khi có cậu con trai nhỏ. Chẳng ai ngờ tai họa ập tới vào một ngày mưa, khi anh Nguyễn Văn Cường đi đón vợ từ khu công nghiệp về nhà trọ thì bị xe container đụng.
Năm bị tai nạn bi thảm, chị Nghi mới 31 tuổi. Chị còn nhớ ngày mở mắt tỉnh dậy sau tai nạn kinh hoàng, câu đầu tiên mình thốt lên được là hai tiếng: "Mình ơi!" để tìm chồng. Sau đó, chị Nghi chỉ muốn tắt lịm cuộc đời khi nhìn thấy một chân mình đã bị cưa sát, hai cánh tay cũng chằng chịt vết khâu.
Tai nạn khiến chị Nghi còn bị nứt hộp sọ, chấn thương não nặng nề. Chẳng ai tin được chị có thể sống sót. Còn chị khi tỉnh dậy cũng là lúc chỉ muốn lại được chết đi khi nhìn thân thể mình sau tai nạn! Rồi chị còn muốn lìa xa chồng để giải thoát cho anh khỏi người vợ tàn phế.
"Bị mất một bên chân, vợ tôi nằng nặc đòi ly hôn để giải thoát gánh nặng cho tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ buông tay người vợ đã cùng tôi vượt qua sống chết. Cổ chỉ buồn nên mới nói vậy thôi. Ngày xưa khó khăn lắm mới "cua" được vợ, giờ sao đoạn đành bỏ nhau" - anh Cường tếu táo nói lời yêu thương.
10 năm sau tai nạn, anh Cường nay đã 44 tuổi và chị Nghi 41 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại ngày gặp tai ương. Cho đến giờ gia đình họ vẫn phải ly tán vì cuộc sống khó khăn, vợ chồng phải gởi con về quê cho ông bà nội chăm sóc. Còn anh chị đi về giữa Sài Gòn - Bến Tre - Đồng Nai với cuộc mưu sinh ngặt nghèo.
"Vợ chồng Nghi đến thuê trọ tại xóm này hơn một năm qua. Họ sống tương đối khép kín nhưng chan hòa, đặc biệt rất chịu thương chịu khó làm ăn. Cô vợ đi cà nhắc vì cái chân giả mà chăm chỉ lắm, ngoài làm tóc còn tranh thủ đi đánh đàn, dạy đàn để kiếm thêm thu nhập. Còn ông chồng thì ai kêu gì làm đó, thời gian còn lại chủ yếu đưa đón vợ đi đánh đàn ở đám tiệc" - bà Xuân ở đường Cách Mạng Tháng Tám, thị trấn Trảng Bom, Đồng Nai, chia sẻ. Đây cũng là nơi đôi vợ chồng thương tật đang gắng sức bên nhau vun vén tổ ấm.
Ông Trần Văn Tài, trưởng khu phố 4, thị trấn Trảng Bom, thì kể: "Vợ chồng Nghi đã đăng ký tạm trú tại địa phương được một thời gian mà từ đó đến nay chưa bao giờ thấy họ cãi vã. Hoàn cảnh khó khăn, vợ bị thương tật, vợ chồng vẫn cố gắng làm lụng, không ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh".
Ở nhà trọ, chị Nghi cũng mở tiệm tóc để làm thêm nhưng ế quá, lại thêm dịch giã nên tiệm càng vắng. Chị tính cuối năm sang tiệm để chuyển tới phòng trọ rẻ hơn cho đỡ tốn kém. Trước đó, khi còn ở huyện Bình Chánh, vợ chồng ở nhờ nhà người chị gái, chị Nghi cũng đi show đánh đàn kiếm sống. Nhưng show ít dần nên vợ chồng lại dọn về Bến Tre ở cùng mẹ ruột.
"Ở Bến Tre được mấy năm cũng kiếm được chút đỉnh đắp đổi nuôi con. Nhưng rồi loa kẹo kéo ra đời, show ế hẳn. Vợ chồng tôi lại theo cô em gái lên Đồng Nai kiếm sống. Đi như du mục vậy đó, chỗ nào kiếm tiền được thì đi thôi" - anh Cường tâm sự.
Ở Đồng Nai, anh làm thêm nghề "thợ đụng", ai kêu gì làm nấy để còn dành thời gian chở vợ đi show. Ban ngày có khi anh đi phụ hồ, có khi làm ở vựa ve chai gần nhà trọ. "Cực lắm nhưng động lực là đứa con. Cố gắng mần ít vốn rồi về quê sum họp chứ xa con hoài xót lắm…" - anh Cường tâm sự.
Chị Nghi bên chồng, dợt bài “Con đường xưa em đi” để chuẩn bị cho show ở phòng trà - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Ông trời không lấy đi tất cả
Những ngày xảy ra dịch, chị Nghi cũng bị ế show nhiều hơn. Nhưng Nghi của hiện tại đã tự tin hơn so với thời gian còn mặc cảm vì mới mất một chân. "Tôi nghĩ còn sống là còn tất cả. Tôi may mắn hơn nhiều người vì ông xã lúc nào cũng ở bên cạnh động viên. Thôi thì nghèo nhưng có nhau vẫn hơn" - chị Nghi vui vẻ nói rồi dạo bản nhạc Con đường xưa em đi.
Cuộc sống của đôi vợ chồng du mục trải nhiều bĩ cực nhưng họ vẫn kể lại với giọng tếu táo. "Có hôm chở cổ đi show, cổ ngồi sau ôm cây đàn to quá, cái chân giả đâu có tì chống chắc được, lại thêm đi qua đoạn đường đê nhỏ hẹp, thế là cả người lẫn đàn xuống mương" - anh Cường cười âu yếm nhìn vợ, kể lại.
Thi thoảng, vợ chồng chị Nghi đi show ở huyện Bình Chánh, TP.HCM nếu có mối gọi, tiện thể ghé thăm gia đình chị gái. Cũng nhờ gia đình này cưu mang trong những ngày đầu sau tai nạn nên vợ chồng chị Nghi mới vượt qua được khó khăn ban đầu.
Chị Nguyễn Thị Hằng, chị gái chị Nghi, là người chứng kiến 10 năm du mục sau tai nạn của hai đứa em, bùi ngùi kể lại: "Tui nhớ ngày được gọi đến chỗ vợ chồng nó bị tai nạn mà còn lạnh hết người. Hai đứa văng ra đường vì bị xe container lao thẳng vào. Bữa đó mưa ngập sâu tới gối, nước thì xoáy, người đi đường còn phải buộc dây vào nhau hoặc nắm tay nhau băng qua lộ vì sợ bị nước cuốn. Có lẽ vì mưa che tầm nhìn nên tài xế xe container tông thẳng vào hai vợ chồng".
Bà Nguyễn Thị Hai, mẹ chồng chị Hằng, cũng là người cưu mang vợ chồng chị Nghi một thời gian dài. Nhờ con trai bà Hai, chị Nghi học được nghề đánh đàn organ sau tai nạn để trị liệu cánh tay. Nhưng cơ duyên đến khi chị Nghi không chỉ chơi đàn giỏi mà còn sống được bằng nghề đàn. "Ông trời không lấy đi của ai tất cả…" - anh Cường trìu mến nhìn vợ nói.
Mỗi cuối tuần, anh Cường chở vợ đi đánh đàn tại các phòng trà hát với nhau. "Mỗi lần đi đánh ở phòng trà được 250.000 đồng/buổi. Đi show thì được 500.000 đồng/buổi nhưng bữa đực bữa cái" - anh Cường chia sẻ.
"Nghĩ mình què quặt sau tai nạn, tôi mặc cảm lắm. Lúc nào tôi cũng có ý định sẽ lìa khỏi đời nhau vì sợ chồng vướng bước. Nhưng ảnh đã tiếp thêm động lực và hi vọng, cùng tôi từng bước vực lại hạnh phúc bên nhau" - chị Nghi xúc động kể về chồng.
Chị Nghi chỉ vào vai chồng, nơi có vết thương sau tai nạn giao thông: "Vẫn còn cây đinh thép trong ấy, bác sĩ nói mổ xong sáu tháng là lấy ra được, nhưng ảnh dành hết tiền cho tôi mổ đi mổ lại gần chục lần, hết chân rồi tay. Đến giờ vẫn chưa lấy ra được". Anh Cường cười ủi an vợ: "Chừng nào đủ tiền mua bộ dàn nhạc rồi thích tôi mổ xẻ lấy gì thì lấy, chứ có gì đâu. Giờ đi show thất thường, cực lắm".
Anh Cường gọi kế hoạch mua dàn nhạc là "dự án" ấp ủ suốt năm năm nay nhưng chưa đủ tiền thực hiện. Đó cũng là "dự án" mà anh ưu tiên hơn cả việc chữa cái vai vẫn còn nguyên cây đinh thép luôn gây đau nhức khi trái gió trở trời.
Nghe vợ chồng tâm sự, chúng tôi cảm nhận họ đang trĩu nặng cuộc mưu sinh vất vả, nhưng chúng tôi cũng được nhìn thấy và được nghe rất nhiều lời yêu thương, hạnh phúc của đôi lứa dù thế nào vẫn ở bên nhau.
"Ở Sài Gòn này, tui chứng kiến bao cảnh ly tán vợ chồng vì tham sang phụ khó. Nhưng tui thương vợ chồng nhà Nghi vì tính ham làm, dù nghịch cảnh vẫn gắn bó sắt son. Nhất là người chồng, không vì khổ, vì vợ bị thương tật mà buông tay" - bà Nguyễn Thị Hai, 85 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
***********
Ngày cô gật đầu làm vợ người đàn ông nhỏ hơn mình 5 tuổi lại bị liệt cả hai chân, cũng là ngày nhiều người nói cô bị điên nặng!
Kỳ tới: "Tui thương Thu lâu lắm rồi"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận