Đêm thi đầu tiên của Người kể chuyện tình đã phát sóng 21h ngày 23-11 trên kênh THVL1.
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sinh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình). Ông bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi
Lên Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong một gia đình giàu có ở Gia Định, dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà.
Không lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tài hoa. Nhưng khi biết được chuyện này, ba mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác.
Một con người khao khát với yêu thương, muốn được sống với âm nhạc, bên người mình yêu nhưng chuyện tình của Trúc Phương lại kết thúc trong ngang trái, bẽ bàng.
Nam Cường đã thể hiện những cảm xúc uất hận về thân phận đó để rồi thốt lên câu hát nghẹn ngào "Ai cho tôi tình yêu?".
Nam Cường trình diễn ca khúc buồn nhất của nhạc sĩ Trúc Phương 'Ai cho tôi tình yêu'.
Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng sáng tác hăng hơn, nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với nghịch cảnh chia lìa.
Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt, khó lầm lẫn với nhạc sĩ khác khi mang tính trầm buồn, ưu tư, buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang.
Khoảng năm 1970, ông nên duyên vợ chồng với một cô gái xinh đẹp, rung cảm trước tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông.
Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của người nhạc sĩ và sức sáng tạo nghệ thuật của ông dồi dào với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau.
Phú Quí thể hiện lại ca khúc Những lời này cho em để tái hiện câu chuyện đó. Trên sân khấu xuất hiện một đám cưới thời xưa với chiếc xe lam chở đầy khách, "chú rể" Phú Qúi và "cô dâu" Thúy Huyền xuất hiện trong tiếng hò reo khán giả.
Phú Quí hát tặng 'cô dâu' ca khúc 'Những lời này cho em' với chất giọng dày, tình cảm, sâu lắng.
Nhạc sĩ Trúc Phương đau khổ trong cô đơn, vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái.
Thói đời được sáng tác trong giai đoạn này với những câu như: "Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt" gây xúc động cho hàng triệu con tim khán giả.
Với riêng bản thân Trúc Phương thì Thói đời lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1996).
Ca khúc 'Thói đời' được Triệu Long thể hiện qua hình ảnh nhạc sĩ nghèo khó, đau khổ.
"Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Một năm như vậy, tôi ngủ ở Xa Cảng hết 9 tháng".
Nhạc sĩ Trúc Phương trải lòng
Ngày 21-9-1996, nhạc sĩ Trúc Phương từ giã cõi đời trong một căn phòng trọ ở quận 11, TP. HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận