18/11/2022 17:00 GMT+7

Chuyện thế hệ 'ngậm thìa vàng' không dừng lại ở chuỗi IKEA

N.A
N.A

TTO - Thế hệ con cái chủ doanh nghiệp thường được gọi là nhóm "ngậm thìa vàng". Nhưng có những bạn trẻ không chỉ thừa hưởng mà quyết tâm cải tiến và đam mê nghề cơ khí vốn được tiếng là khó nhằn.

Chuyện thế hệ ngậm thìa vàng không dừng lại ở chuỗi IKEA - Ảnh 1.

Phương và Bình giới thiệu sản phẩm tại triển lãm quốc tế ngành cơ khí Korea Metal Week 2022 tại Hàn Quốc - Ảnh:

Tại triển lãm quốc tế ngành cơ khí Korea Metal Week 2022 diễn ra vào cuối tháng 9 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Kintex (Gyeonggi - Hàn Quốc), tôi ấn tượng với bạn trẻ không chấp nhận dừng lại dù đã thâm nhập được vào chuỗi IKEA nổi tiếng thế giới.

9x không ngồi yên hưởng nền tảng cũ

Tiếp những đoàn khách đến tham quan gian hàng bằng tiếng Anh, Lưu Hoàng Phương tận tình giải đáp về những thông tin sản phẩm mà Công ty TNHH Hải Phương mang đến triển lãm để giới thiệu. Những chiếc hộp nhỏ đựng bu lông, ốc vít, thanh ren… cùng tập catalogue giới thiệu sản phẩm mà Phương chia sẻ, với khách hàng "ra vào nườm nượp", đã giúp mang lại nhiều triển vọng hợp tác.

Cô gái trẻ 9x đang giữ vị trí là trưởng phòng kế hoạch sản xuất và kinh doanh của Hải Phương chia sẻ, cô và chồng là anh Bình (con trai của chủ cơ sở) là thế hệ kế cận đang dần tiếp quản công ty từ cha mẹ. 

Gia đình vốn khởi nghiệp từ một xưởng cơ khí nhỏ chuyên sản xuất đinh, móc gió, Phương kể mọi hoạt động sản xuất trước đây đều rất thủ công, chủ yếu bán vào các làng nghề. Thế nhưng, xưởng dần mở rộng quy mô, sản xuất chuyên nghiệp hóa hơn với các dòng sản phẩm bu lông, ốc vít… để hướng xuất khẩu.

"Khi Hải Phương đã trở thành một trong những doanh nghiệp thâm nhập được vào chuỗi sản xuất đồ nội thất nổi tiếng IKEA hàng chục năm trước, mang về tới 80% doanh thu xuất khẩu. Phải đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao mà giá phải giảm khiến chúng tôi cũng phải oằn mình nghĩ cách để cải tiến, chuẩn hóa quy trình, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, máy móc thiết bị để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh" - Phương chia sẻ.

Dù đã có nhiều lợi thế khi trở thành nhà cung ứng cho khách hàng lớn, nhưng theo Phương , cuộc chơi trên thị trường sẽ vô cùng khốc liệt, khi sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. 

Đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch của chuỗi cung ứng, dù có nhiều cơ hội nhưng không phải mọi đơn hàng đều "dễ ăn", trong khi việc phụ thuộc vào một đối tác truyền thống có thể gây nên những rủi ro lớn. 

Vì vậy, Phương nói, cha mẹ đã tạo dựng nên một nền tảng rất tốt, nhưng để phát triển tốt hơn trong bối cảnh mới đầy thách thức như hiện nay, doanh nghiệp phải luôn đổi mới mạnh mẽ, không ngừng cải tiến và sáng tạo.

Có chút máu liều của tuổi trẻ, Bình và Phương quyết định sẽ cải tổ toàn bộ cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp, cũng như đầu tư đổi mới công nghệ và đội ngũ nhân sự.

"Có những thông tin đánh giá rằng, Việt Nam chẳng thể làm nổi con ốc vít khiến chúng tôi rất chạnh lòng, bởi thực tế như với Hải Phương dù xuất phát điểm là xưởng sản xuất cơ khí truyền thống, bắt đầu với những chiếc đinh vít, bu lông và giờ đã có thể bán hàng cho IKEA trong suốt nhiều năm. Đúng là với những loại ốc vít để lắp vào các sản phẩm công nghệ thì Việt Nam chưa làm được, nhưng là linh kiện cho các sản phẩm khác thì chúng ta có thể làm và làm được tốt, nếu có sự đầu tư", Phương chia sẻ.

Chuyện thế hệ ngậm thìa vàng không dừng lại ở chuỗi IKEA - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ, rô bốt vào dây chuyền sản xuất giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả - Ảnh: N.P

Những trăn trở cho con đường lớn

Cái gen cơ khí như "ngấm" vào máu, Bình và Phương luôn trăn trở tìm tòi những hướng đi mới cho công ty gia đình. Đơn cử như dây chuyền xi mạ cho sản phẩm đột dập, nếu như trước đây hoàn toàn được làm thủ công thì nay đã chuyển sang dây chuyền tự động hóa 100%. Vì thế ở công đoạn nhúng bể, mỗi ngày chỉ được 5.000 linh kiện, thì nay với việc đưa hệ thống rô bốt vào vận hành, đã nâng công suất tới 15.000 chiếc.

Công ty làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất hóa chất, phối hợp với đội ngũ R&D của các công ty sản xuất hóa chất để nghiên cứu hóa chất có chất lượng tốt hơn, tiêu hao ít hơn để giảm giá thành.

Phương chia sẻ, điều quan trọng là phải định vị và tìm ra được con đường riêng cho mình, khi mà doanh nghiệp không thể "giỏi tất cả mọi thứ". Do đó, Hải Phương hướng vào thị trường ngách, sản xuất một số dòng sản phẩm riêng với tiêu chuẩn rõ ràng, chú trọng chất lượng và những ưu thế riêng của sản phẩm.

Đến nay, kết quả tái cơ cấu của doanh nghiệp đã bước đầu mang lại hiệu quả, Phương nói, cùng với lĩnh vực nội thất thì Hải PHương cũng đang mong muốn đón đầu xu hướng đầu tư linh kiện cho ô tô, điện tử…

"Chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách quy hoạch các cụm/khu công nghiệp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và làm ăn dài hạn. Ngoài ra, cũng mong có thêm các chính sách liên kết ngành, kết nối giao thương để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn" – Phương bày tỏ.

Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0

Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).

Khởi động từ ngày 27-10, cuộc thi là diễn đàn ghi nhận những chuyện đời, chuyện nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó nhằm khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất.

Cuộc thi nhằm tạo sân chơi, cơ hội cho những người công nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ chia sẻ về công việc, nghề nghiệp, câu chuyện tìm hiểu và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, giá trị để phát triển doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về ngành nghề được xem là "khô khan" như công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

Bài dự thi có thể là câu chuyện của chính bạn đọc hay kể lại câu chuyện của những doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ về việc kinh doanh, khởi nghiệp bằng nghề cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Những câu chuyện đời thường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, như việc người công nhân, kỹ sư mày mò tìm hiểu, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất thông minh để đạt được hiệu quả năng suất và thành công, với những kế hoạch định hướng cho tương lai, những góp sức cho sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.

Cuộc thi cũng tiếp nhận đăng tải những bài viết chia sẻ và tôn vinh những người lao động, người thợ lành nghề trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên khắp cả nước. Chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từ đó hiến kế những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Đối tượng tham gia: Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có thể tham gia, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.

Yêu cầu bài dự thi:

- Bài viết tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

- Tác giả ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu có) để ban tổ chức liên lạc.

- Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa từng đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bài dự thi được chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ sẽ được ban tổ chức trả nhuận bút.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải nhất: 20 triệu đồng.

- 1 giải nhì: 10 triệu đồng.

- 1 giải ba: 5 triệu đồng.

- 2 giải phụ đặc biệt: 10 triệu đồng mỗi giải (dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong sản xuất).

Lễ trao giải: dự kiến tháng 12-2022.

Quy định chung:

- Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền

bài viết.

- Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và nhân viên đơn vị đồng hành chương trình cùng những người trong gia đình được tham gia viết bài nhưng không được xét chấm giải.

- Ban tổ chức được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, quảng bá trong và sau cuộc thi.

- Ban tổ chức giữ quyền xem xét và quyết định các giải thưởng.

- Các bài được đăng coi như vào vòng sơ khảo, ban giám khảo gồm các chuyên gia có uy tín sẽ xét duyệt chấm giải từ những bài vào sơ khảo.

Địa chỉ nhận bài: Bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ email: [email protected] hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tiêu đề tham gia cuộc thi viết "Chuyện nghề thời 4.0".

Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27-10 đến hết ngày 10-12-2022.

BAN TỔ CHỨC

Chuyện thế hệ ngậm thìa vàng không dừng lại ở chuỗi IKEA - Ảnh 4.
Chuyện nghề thời 4.0: Sáng chế máy móc để giảm chi phí Chuyện nghề thời 4.0: Sáng chế máy móc để giảm chi phí

TTO - Nếu chủ động được công nghệ, máy móc chế biến thì chi phí sản xuất của sản phẩm chocolate có thể giảm đi rất nhiều, khi đó nhà sản xuất có thể mua giá hạt ca cao từ người nông dân cao hơn mà vẫn đảm bảo sức cạnh tranh.

N.A
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp