Từ ngày 27-10 đến 1-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Nhà nước Qatar và tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 tại Vương quốc Saudi Arabia.
Trả lời báo chí trước chuyến công du của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm.
Củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ với ba nước Trung Đông
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Với Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai, đây là lần đầu tiên Thủ tướng là khách mời chính và lãnh đạo cấp cao duy nhất của châu Á phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng đánh giá gì về ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng tới ba nước Trung Đông?
- Chuyến thăm này có nhiều "điểm đầu tiên", với ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư và các lĩnh vực mới. Từ đó tạo động lực mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với ba nước này cũng như với khu vực vùng Vịnh.
Chúng ta đều biết vùng Vịnh là một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới. Các nước này đứng đầu về trữ lượng dầu mỏ, có các trung tâm tài chính hiện đại và chuyển đổi mô hình phát triển mới, đón đầu các xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Trong đó, UAE, Qatar và Saudi Arabia nằm trong những nước có quy mô kinh tế và vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông.
Điều cần nhấn mạnh thêm là cả ba nước đều là những đối tác, những thị trường, những nhà đầu tư, những trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ mà tiềm năng, dư địa hợp tác với Việt Nam còn rất lớn.
Vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống.
Trên hết là tạo dựng một cách vững chắc sự tin cậy chính trị, để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và ba nước cũng như toàn khu vực.
Chuyến thăm cũng là bước triển khai thiết thực, sinh động đường lối đối ngoại của nước ta. Đó là ưu tiên đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, chuỗi cung ứng, góp phần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Vậy những chương trình, hoạt động trong chuyến công du của Thủ tướng sẽ có những điểm nhấn nào, thưa Thứ trưởng?
- Trong chính sách đối ngoại của ta, UAE, Saudi Arabia và Qatar là những đối tác hợp tác hữu nghị quan trọng, lâu dài và toàn diện tại Trung Đông. Ba nước cũng xác định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách "hướng đông".
Vì vậy, trong chuyến thăm tới đây, Thủ tướng sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, trao đổi với tất cả các lãnh đạo cao nhất, các quỹ đầu tư và tập đoàn lớn của ba nước nhằm thúc đẩy quan hệ một cách toàn diện, hiệu quả hơn.
Đặc biệt là mở cửa thị trường, thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, hợp tác lao động, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân, chống biến đổi khí hậu, hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, năng lượng sạch, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển ngành Halal...
Thủ tướng cũng sẽ có các bài phát biểu quan trọng chuyển tải thông điệp về định hướng phát triển, đường lối đối ngoại của Việt Nam, không chỉ với ba nước mà cũng là thông điệp chính sách với khu vực Trung Đông.
Các hoạt động này có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam và các nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Hướng tới ký kết hiệp định kinh tế toàn diện với UAE
Trong ba nước, UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông - châu Phi, khi 7 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu đạt 3,37 tỉ USD, tăng 51%.
Hai nước đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) trong tháng 6-2023 và đang hướng tới hoàn tất đàm phán CEPA nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận