Phóng to |
Xe tù xuất phát từ trại tạm giam chạy thẳng vô cổng TAND TP Cần Thơ, rồi băng qua sân trước đến sân sau. Từ đây, cảnh vệ dẫn giải bị cáo theo cầu thang tầng hầm lên phòng xét xử hình sự nằm ở tầng trệt. Sau khi xử xong, các bị cáo lại bị dẫn giải xuống xe tù trở về trại tạm giam... Và sân sau, nơi xe tù đậu, trở thành như một sân ga tiễn đưa những chuyến tàu...
1 Những người thân của bị cáo Nguyễn Thị Phương Trang, 34 tuổi, đã đến dự phiên tòa sơ thẩm rất sớm. Sự nghèo khó hằn lên manh áo bạc và lai quần xoắn tít của người chồng. Nỗi nhớ mong in đậm trong đôi mắt hai đứa trẻ đang hướng ánh nhìn nơi cánh cổng tòa án... Khoảng 7 giờ, xe chuyên dụng từ cổng chạy đến sân sau. Người chồng bế thốc thằng út chạy tất tả theo xe. Đứa con lớn lốc thốc phía sau. Rồi họ lại hộc tốc quày ngược để người cha vô phòng xử, hai đứa trẻ không được cho vô, đứng trước cửa thút thít gọi mẹ ơi mẹ hỡi... Phía bên trong, người mẹ đang đứng trước vành móng ngựa nghe kiểm sát viên đọc cáo trạng về hành vi gây án của mình: Anh N.H.L. thuê đất giáp ranh nhà Trang trồng nấm rơm. Sợ gia cầm phá nên anh L. dùng lưới rào xung quanh. Anh của Trang cuốn lưới lên bắt gà dẫn đến hai bên gây gổ, đánh nhau. Vì bênh anh mình nên Trang dùng khúc gỗ đánh liên tục vào đầu anh L. khiến anh L. tử vong...
Tòa tuyên án Trang 8 năm tù. Khi xuống đến sân sau, được công an cho gặp, hai đứa trẻ lập tức sà vào lòng mẹ khóc nức. Phút tiễn biệt chấm dứt. Rồi cánh cửa xe tù khép lại, lạnh lùng cắt đôi hai thế giới người tiễn và người đi. Đứng trưa. Những tia nắng xuyên rất gắt xuống sân như quất vào người đi tiễn khiến tiếng gào khóc của những đứa trẻ đuổi theo xe tù rớt xuống nặng trịch...
2 Cha mẹ ly hôn, bỏ mặc đứa trẻ mới 3 tuổi cho bà nội hơn 60 tuổi nuôi dưỡng. Bà nhớ lại: Ngay từ nhỏ Võ Huỳnh Minh Nhựt sống rất khép kín, dễ quạu, rồi khi lớn lên chút nữa phải lao vào đời mưu sinh bằng nghề thợ hồ, đóng cừ các công trình... Nhựt theo đám bạn xấu nhậu nhẹt, gây gổ... Bà cố khuyên dạy nhưng không kết quả. Cứ vậy, Nhựt sống cuộc đời buông thả để rồi lần đó chỉ vì một xích mích nhỏ trong cuộc nhậu, Nhựt đã giết người...
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của Nhựt, tuyên y án chung thân. Phiên tòa vừa bế mạc, từ phòng xử, cảnh vệ dẫn giải các bị cáo rất nhanh khiến thân nhân hầu như chạy mới đuổi kịp đến sân sau. Hôm đó tòa xử đến bốn vụ với mười mấy bị cáo, tiếng khóc, lời dặn dò... khiến sân sau ầm ĩ. Riêng Nhựt đứng cô quạnh với ánh mắt lạnh, pha lẫn những tia khắc khoải chờ đợi... Giống như lần xử trước, lần phúc thẩm này cũng chỉ có bà nội đến dự. Người mẹ, từ ngày bỏ con đến nay bặt vô âm tín. Người cha biết chuyện nhưng không đến thăm nuôi con dù chỉ một lần... Người bà trên 80 tuổi đang cố bước những bước nặng nhọc nhưng khi tới sân sau, chỉ kịp nghe tiếng kêu “Nội ơi!” thì cánh cửa xe tù đã đóng lại... Xe lăn bánh. Giọng bà ríu lại, gãy gấp khúc theo hơi thở hổn hển: “Bà già rồi... không đi nổi vô tù thăm cháu... Bà cũng không biết mình chết lúc nào... Xử ở đây gần nhà nên bà đi... xem như lần cuối gặp mặt”. Rồi bà bật khóc...
3 Chuyến tàu cuộc đời của anh công nhân Quảng Đại Vàng đang êm ả trên lộ trình thì gặp Lê Sơn Truyền, một thành viên nằm trong đường dây mua bán thận. Nghe lời dụ dỗ của Truyền, Vàng quyết định đi bán thận ở Quảng Châu, Trung Quốc, đổi lấy 40 triệu đồng. Số tiền nhanh chóng bay vèo, Vàng lại nộp đơn xin làm công nhân nhưng không nơi nào nhận vì sức khỏe chỉ còn 59%. Quay sang làm thợ hồ nhưng làm vài tiếng là xỉu, riết rồi không ai dám mướn, để rồi từ đó Vàng chuyển sang hướng làm “cò” dụ dỗ những thanh niên khác bán thận.
Trong phiên phúc thẩm do Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử lưu động tại TAND TP Cần Thơ, bị cáo Vàng xanh xao, gầy guộc... Phiên sơ thẩm trước, tòa tạm hoãn hai lần mới xử được bởi Vàng cứ ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện. Tòa bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 5 năm tù. Khi dẫn giải ra đến sân, thấy Vàng đi lảo đảo muốn xỉu nên các cảnh vệ phải cho nghỉ tạm ở căngtin. Vàng khóc, vừa sợ ở tù vừa sợ sau khi ra tù với sức khỏe như vậy làm gì để sống?... Phạm nhân 24 tuổi cứ cúi đầu lầm lũi bước khiến chiếc bóng gầy nhom dài ngoằng đổ trên sân sau một cách u buồn, ảm đạm đến khi bị nuốt chửng trong chiếc xe tù...
4 Ảo não, thê lương nhất có lẽ là chuyến tàu cuối cùng của những tử tù, nhất là tử tù rời sân ga không bóng người thân đưa tiễn... Phạm Văn Linh là một người như vậy. Suốt ngày say xỉn, vào tù ra khám mấy lần về tội trộm cắp và lừa đảo, sau đó Linh chung sống với chị H.T.T.Th. như vợ chồng... Linh đánh đập vợ rất dã man. Tàn nhẫn hơn, Linh hai lần bắt con ruột mới 1 tuổi đem bán nhưng vợ và mẹ vợ cứu kịp. Đến lần bắt con bán thứ ba, vợ và mẹ vợ tìm đến chỗ Linh ở đem đứa trẻ về. Trong lúc cự cãi, Linh đâm chết mẹ vợ...
Phiên sơ thẩm tuyên tử hình Phạm Văn Linh. Bị cáo kháng cáo. Hôm đó, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM chỉ xử duy nhất một vụ án của Linh. Có lẽ lúc giáp ranh sống chết, bị cáo mới biết mạng người là đáng quý thế nào nên suốt phiên tòa cứ van xin được sống. Tòa bác kháng cáo, tuyên y án tử hình. Khi bị dẫn giải, tử tù cứ ngoái đầu lại tìm người thân... Sân sau vắng ngắt, không một bóng người. Từ đôi mắt hoảng loạn, khiếp sợ của tử tù, những giọt nước mắt cô độc cứ rịn ra... Nắng trưa nhưng nhức xối xuống sân, không có tiếng khóc, không có cái ôm chầm níu kéo, chỉ có tiếng còi hú xắn không khí ra từng mảng...
Nắng trưa. Chiều đến. Ngày cạn. Vắng những chuyến xe tù chở nặng biệt ly..., sân sau tòa án tuy bớt đi vẻ thê lương nhưng vẫn buồn hiu hắt... Để rồi ngày sau và những ngày sau đó nữa... sân sau như những chứng nhân tiếp tục chứng kiến những cuộc đưa tiễn với đủ cung bậc nước mắt, khổ đau...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận