04/01/2012 04:04 GMT+7

Chuyến tàu tết bão táp

NGỌC KHẢI - HƯƠNG GIANG - TIẾN THÀNH
NGỌC KHẢI - HƯƠNG GIANG - TIẾN THÀNH

TT - “Không cảm tử cũng phải cảm tử” - đại úy Hoàng Việt Vinh nói vui về biệt danh dành cho các anh em làm nhiệm vụ đón xuồng vào đảo An Bang. Những chuyến tàu bão táp và những “đội xuồng cảm tử” đã phải vật lộn với bão táp vượt hàng ngàn hải lý đưa quà tết ra Trường Sa và nhà giàn DK1.

KgaUXCgT.jpgPhóng to
Dùng cáp đưa quà tết lên nhà giàn DK1 - Ảnh: Ngọc Khải

Vùng biển phía Nam của Tổ quốc những ngày cuối năm biển động liên tục. Thời tiết không thuận lợi cho các chuyến hải trình tính bằng hàng ngàn hải lý ngoài xa khơi, nhưng không thể ngăn cản được các đoàn công tác của hải quân chuyển quà tết.

Những hải trình “cân não”

Ngay sau khi bão Washi (bão số 7) trên biển Đông vừa có dấu hiệu suy yếu, sáng 22-12-2011 tiếng còi tàu HQ 624 từ cảng hải đội 812 - Vùng 2 hải quân (TP Vũng Tàu) hụ lên ba hồi bắt đầu một hải trình đầy sóng gió được dự báo trước.

Sau hơn hai ngày đêm chẻ ngược những cơn sóng dữ, rạng sáng 24-12 nhà giàn DK1/19 (thuộc cụm Quế Đường) dần hiện ra trước mặt. Nhưng biển động cấp 7. Tàu HQ 624 nhiều lần thử sức chuyển quà lên nhà giàn ở khoảng cách gần 100m. Từng chặp một, đầu tàu HQ 624 nhấc bổng lên 3-4m, sau đó giật ầm ầm ghì xuống mặt biển. Tiếp cận không thành, HQ 624 đành phải cố định dây và thả neo cách nhà giàn khoảng 800m.

Ngồi trên tàu nhìn về phía nhà giàn đang trong cơn mưa dông tối mù mịt, thiếu úy Nguyễn Văn Thanh, ra công tác tại nhà giàn DK1/19 vào dịp tết này, nhấp nhổm không yên. Đây là lần thứ hai ăn tết ở nhà giàn, cũng là lần thứ hai công tác tại DK1/19, anh Thanh tâm sự: “Đã ba ngày nhìn thấy nhà nhưng không lên được, thấy nhớ anh em trên đó quá”.

Ngày thứ tư (27-12) neo đậu trước nhà giàn, tranh thủ thời tiết có xu hướng thuận lợi, thượng úy Trần Văn Hưng, thuyền trưởng tàu HQ 624, quyết định cho tàu chuyển hàng tết lên DK1/19. Ngay chuyến xuồng đầu tiên khi đang hối hả bỗng dưng một con sóng dữ dội đập xuồng máy vào sườn tàu. Chỉ trong tích tắc, con sóng này nhấc bổng xuồng máy chở quà tết lên 4m, sau đó nhấn ụp lên bốn thủy thủ tàu. May mắn thay, xuồng máy như chiếc lá giữa biển đã thoát được đòn hiểm của sóng dữ.

Thế rồi quà cũng được xuồng máy đưa đến chân nhà giàn và kéo bằng dây cáp lên. Vào các ngày sau, quà tết (trong đó có quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ) lần lượt được chuyển lên các nhà giàn còn lại trong khi sóng biển vẫn gào thét. Ở DK 1/8, DK1/7 DK1/18... đoàn chúc tết không thể lên nhà giàn nên việc chúc tết phải diễn ra từ xa qua bộ đàm.

Đại úy Nguyễn Đình Thảo, chính trị viên tàu HQ 624, cho biết chuyển quà tết là chuyến chuyển hàng quan trọng của năm, đảm bảo việc chuyển người và hàng hóa an toàn là nhiệm vụ quan trọng. Anh đã ba lần chuyển hàng tết đến nhà giàn, có chuyến mất đến 27 ngày đêm mới chuyển quà được đủ cho 15 nhà giàn, nhưng chuyến đi này mang cho anh nhiều cảm xúc nhất.

o73fvi2D.jpgPhóng to
Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đưa hàng, quà tết vào đảo giữa những đợt sóng bàn cờ và cái nắng lò vôi đúng “thương hiệu” An Bang - Ảnh: Hương Giang

Chộn rộn đón xuân

Tàu HQ 608 tuy khởi hành sớm hơn (ngày 16-12) nhưng sau hai ngày khởi hành, bão Washi đã làm đảo ngược chuyến hành trình dự kiến của đoàn khiến hải trình dài thêm hơn 400 hải lý. Để đảm bảo lịch trình, thượng tá Nguyễn Tiến Chung, trưởng đoàn công tác, quyết định cho tàu vào Côn Đảo vừa để tránh bão đồng thời đi thăm, chúc tết, tặng quà trạm rađa 590.

Gần một tuần tránh bão và lênh đênh trên biển, sáng 22-12 tàu HQ 608 tiến sát nhà giàn DK1/10. Từ 4g sáng, anh em trong đoàn chúc tết đã ra mạn tàu vui mừng, hò reo khi mũi tàu chỉ cách nhà giàn vài trăm mét. Nhưng khi những con sóng lớn như tảng nước xanh biếc chập chùng lên xuống thì nỗi buồn và sự tiếc nuối bao trùm cả đoàn.Trưởng đoàn quyết định chuyển hàng tết lên trước, người sẽ lên nhà giàn vào sáng hôm sau.

Sáng 23-12, những túi quà tết đầu tiên đã được kéo lên nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau, trao tận tay các chiến sĩ. Trên khuôn mặt mọi người đều không giấu được một niềm vui khó tả. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn hai giờ trên nhà giàn trở thành một cuộc hội ngộ xúc động sau nhiều tháng trời xa cách giữa những người lính đất liền với biển cả.

Trong điều kiện sóng gió cấp 6, phương tiện duy nhất để đưa người lên nhà giàn là dây thừng được thiết kế theo hệ thống ròng rọc. Sóng dữ khiến xuồng máy va vào chân nhà giàn liên tục kêu lộp cộp. Trung úy Đỗ Văn Lâm và Phạm Anh Dũng của tàu HQ 608 một tay cầm bộ đàm, một tay buộc dây bảo hiểm cho từng người, miệng vừa hướng dẫn từng người tư thế ngồi khi dây được kéo lên.

Từ trên nhà giàn, anh em chiến sĩ hò kéo cáp như kéo pháo. Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, xúc động kể: “Sáng qua khi biết đoàn tới, anh em nhà giàn đã chuẩn bị sửa soạn, dọn dẹp sạch sẽ. Đến hôm nay thì nhà giàn đã chộn rộn vui như tết”.

May mắn hơn, tàu HQ 608 còn lên được thêm nhà giàn DK1/21 và trao tận quà đến tay các chiến sĩ. Trung úy Trần Văn Dũng, phó chỉ huy nhà giàn DK1/21, hồ hởi cho biết: “Năm mới này, anh em nhà giàn đã chuẩn bị đủ gạo nếp, lá dong, đậu xanh, hai con heo... Một cái tết tươm tất chẳng khác gì so với tết truyền thống ở đất liền”.

Thượng úy Nguyễn Xuân Tài, phụ trách cơ điện nhà giàn DK1/21, xúc động nhắc đi nhắc lại: “Nhờ chương trình “Thắp sáng nhà giàn DK1” của báo Tuổi Trẻ ủng hộ mà anh em nhà giàn chúng tôi có thể nấu cơm và đun nước uống hằng ngày”.

Lần đầu tiên đón xuân trên nhà giàn DK1/19, thiếu úy Nguyễn Văn Chung (23 tuổi, quê Thái Bình) không khỏi bỡ ngỡ nhưng anh tâm sự: “Đây là cái tết đầu tiên của mình. Xa nhà, xa người thân nhưng khi biết những chiến sĩ nhà giàn đã đón cả chục cái tết ở đây, mình thấy nỗi nhớ nhà đang vơi dần đi. Thay vào đó là việc háo hức đợi chờ một mùa xuân mới trên nhà giàn”.

“Đội xuồng cảm tử” An Bang

Không chỉ hai chuyến tàu đi trao quà tết ở các nhà giàn phải vật lộn với bão biển, tàu Trường Sa 22 - với hành trình trao quà tết cho tuyến các đảo nam Trường Sa - cũng vật vã với bão táp.

An Bang nổi tiếng là đảo khó vào vì thềm san hô hẹp, bãi cát ngắn và đảo có hình thù như chiếc nấm nên sóng ngầm liên tục dồn dập vào đảo, tạo thành những vòng tròn sóng xoáy không ngừng vờn xung quanh đảo. Ngay khi đưa các thành viên trên tàu vào đảo an toàn, anh em chiến sĩ bắt tay đưa hàng từ tàu mẹ đang neo ngoài khơi vào.

“Vì điều kiện sóng to gió lớn, tất cả đồng chí cán bộ, chiến sĩ tạm dừng công việc lại để tập trung chuyển hàng vào” - tiếng thông báo trên loa phóng thanh như thúc giục mọi người nhanh tay hơn. Những đợt sóng ngang dọc đan xen còn được gọi là sóng “bàn cờ” khiến các chiến sĩ tham gia đưa hàng vào bãi cát gặp nhiều rủi ro. Có những lúc tưởng xuồng đã trụ vững trên cát nhưng một con sóng bất ngờ tiếp theo khiến cả người trên xuồng lẫn người kéo trên bờ đều ngã dúi dụi.

Chiến sĩ Ngô Văn Thánh (20 tuổi, quê ở Hải Phòng) cho biết từ tháng 8 đến tháng 12, sóng to dữ dội hơn nhiều so với các tháng còn lại. “Dù sóng rất lớn anh em vẫn xông ra. Tụi em quen sóng gió rồi” - Thánh nói.

Năm nay, điểm B của đảo Thuyền Chài đặt mua 10 con vịt nhưng ra đến nơi chỉ còn một nửa, năm con đã chết sau hơn hai tuần lênh đênh với sóng dữ. Chuyến tàu tết thường xuyên gặp sóng cấp 7-8, heo cũng say sóng không chịu được chết vài con. Nỗi lo sợ lớn nhất của các đảo khi đón hàng tết là sơ sẩy để hỏng đồ, chết heo gà.

“Không cẩn thận là mất tết” - anh em thường dặn nhau như vậy. Nhưng hàng tết ra đảo còn khiến niềm vui nhân lên nhiều lần vì nhờ có tết thì người người mới gặp nhau nơi đảo xa để chia sẻ và thấu hiểu được tình cảm của người lính hải quân và người sống trong đất liền dành cho vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

NGỌC KHẢI - HƯƠNG GIANG - TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp