Dựa trên kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu (Prognos), Hiệp hội ngành ô tô Đức (VDA) cho biết nhiều ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng do xu thế chuyển sang xe điện, chẳng hạn như gia công kim loại hoặc cơ khí.
Khoảng 46.000 việc làm trong ngành sản xuất ô tô đã bị cắt giảm kể từ năm 2019. Tính đến hết năm 2023, tổng cộng có gần 911.000 người làm việc trong ngành này.
Chủ tịch VDA, ông Hildegard Müller nêu rõ: “Việc chuyển đổi ngành công nghiệp ô tô là một nhiệm vụ rất khó khăn. Tỉ lệ việc làm thấp hơn không phải là biểu hiện của khủng hoảng, mà là một phần của quá trình chuyển đổi, nhưng điều quan trọng là khuôn khổ chính trị hỗ trợ và việc đồng hành với sự thay đổi này”.
Theo ông Müller, khả năng cạnh tranh của Đức với tư cách là địa điểm kinh doanh là điều cần thiết cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô của nước này.
Ông nói: “Những tín hiệu tích cực rất quan trọng, cho thấy ngành sản xuất ô tô của Đức không chỉ có quá khứ hoàn hảo mà sẽ có những điều mới mẻ trong tương lai". Ông Müller kêu gọi đảm bảo giá năng lượng có khả năng cạnh tranh, ít quan liêu hơn, thủ tục phê duyệt và lập kế hoạch nhanh chóng cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhà kinh tế hàng đầu của VDA Manuel Kallweit cho hay rõ ràng việc chuyển đổi sang xe điện sẽ cần ít nhân viên hơn khoảng hơn 30% vì sản xuất động cơ điện đơn giản hơn động cơ đốt trong.
Theo nghiên cứu nói trên, từ năm 2019, số người mất việc làm bắt đầu tăng, đặc biệt ở những khu vực thâm dụng lao động. Các nghề trong lĩnh vực cơ khí cũng như gia công kim loại đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
Ngược lại, số việc làm lại tăng trong ngành cơ khí ô tô cũng như nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, khoa học máy tính, kỹ thuật điện và phát triển phần mềm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận