Phóng to |
Ông Quến mù đi trước dẫn dắt một người mù theo sau - Ảnh: D.T.H. |
Ông tên là Lê Hoàng Quến, chủ tịch Hội Người mù huyện Long Mỹ (Hậu Giang).
Dẹp nạn ăn xin
"Ông bà mình nói “bần cùng sanh đạo tặc”. Suy từ bụng tui mà ra, tàn tật lại không nơi nương tựa thì chỉ có nước ăn xin. Mình giải quyết vấn đề từ cái gốc là coi họ bế tắc chỗ nào thì tập trung giải quyết chỗ đó. Ngoài ra còn cái tình, cái đồng cảm với họ nữa" |
Ông Quến lúc đó mới về “nắm” Hội Người mù. Ông suy từ mình ra người: “Ai tàn tật cũng có tánh mặc cảm, lại liều mạng bất cần đời. Nếu chịu khó gần gũi nói điều hay lẽ phải chắc họ nghe”. Ông nắm được sơ bộ có hơn 30 người, trong đó có cụt hai chân, cụt hai tay, mù hai mắt. Ông tìm gặp người có tiếng quậy nhất, liều mạng nhất hỏi cho ra lẽ. Đó là anh Trịnh Hoàng Nhâm ở ấp Bình Thạnh, xã Long Bình. Anh bị mù bẩm sinh, cha mẹ mất, ở nhờ mấy bà chị, kẹt nỗi mấy ông anh rể nói ra nói vô, anh thấy ghét bỏ đi... ăn xin. Buồn đời, anh sanh tật nhậu. Mà nhậu rồi lại hay quậy, phá làng phá xóm. Có lần anh xỉn quá, ra giữa đường lộ đón đầu xe xin... đểu.
Ông Quến “điều nghiên” đối tượng rồi cầm gậy lò dò đi kiếm. Hai người cùng mù nên dễ thông cảm và cởi mở. Ông Quến chia sẻ những nỗi đau của anh Nhâm rồi hỏi bế tắc chỗ nào. Anh Nhâm nói bây giờ mình không nơi nương tựa, không nhà ở, không người thân, anh không muốn sống. Mục đích nhậu rồi quậy là cho dễ... chết mà không chết. Ông Quến nói: “Ông khổ hơn tui không? Chẳng những tui mù mà còn cụt giò nữa. Tui từng muốn chết mà hổng chết được nữa nè”. Rồi ông Quến nhẹ nhàng: “Tui xin cho ông mỗi tháng 15kg gạo, giới thiệu chỗ đi bán vé số, tối về trụ sở hội ngủ, chịu không? Chứ ăn xin xấu hổ lắm”. Có người an ủi sẻ chia, lại giải quyết được bế tắc, anh Nhâm bỏ nghề ăn xin.
Một người nữa là anh Nguyễn Văn Nữa ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, thường ăn xin ở ngã ba Vĩnh Tường. Anh bị mù bẩm sinh hồi 5 tuổi. Mẹ bỏ đi lấy chồng khác lúc anh mới 7 tuổi. Anh không họ hàng thân thích, vất vơ vất vưởng, đói thì vô chùa xin ăn. Hỏi ra mới biết cha anh là Nguyễn Văn Minh, bộ đội chiến trường Campuchia, hi sinh năm 1978. Anh vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp con liệt sĩ. Ông Quến lật đật về Phòng Lao động - thương binh và xã hội hỏi và lo thủ tục truy lãnh cho anh. Rồi ông đưa anh đi học ở Trường Khuyết tật TP Cần Thơ, xin cho anh căn nhà tình nghĩa. Cuộc sống ổn định, anh giã từ đời cái bang. Rồi anh thương một cô gái ở Cái Răng (Cần Thơ), ông Quến đại diện đàng trai đi hỏi, xuất tiền túi mua đôi bông, quyên góp tiền tổ chức lễ cưới đơn sơ mà ấm cúng cho anh.
Cứ lần lượt từng người như vậy, ông Quến “rù quến” họ bỏ nghề ăn xin bằng cách lo việc làm, trợ giúp bằng chính sách xã hội. Đến năm 2005, địa bàn huyện Long Mỹ hầu như không còn bóng dáng người ăn xin.
Thương người như thể thương thân
Sinh năm 1956, đi bộ đội năm 1973, trong lần làm nhiệm vụ ở chiến trường Campuchia năm 1978, một trái mìn đã cướp đi của ông đôi mắt và một chân. Ông nghĩ mình chết đi tốt hơn là phải sống với tấm thân tàn phế. Nhưng với tinh thần người lính, ông quyết không buông xuôi. Những ngày nằm viện, bên cánh tay dìu của người vợ trẻ, ông lần mò tập đi, tập làm quen với bóng tối, chấp nhận nó như số phận trong suốt cuộc đời còn lại của mình. Trong khi một số thương binh khác dễ tỏ ra phẫn uất, bất cần đời thì ông suy nghĩ mình phải làm cái gì có ích cho xã hội. Ông lao vào học chữ Braille và tự học văn hóa.
Năm 1982, ông về quê (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ) hưởng chính sách thương binh. Ngày ngày người ta thấy ông mò mẫm xuống bếp nấu cơm, giặt giũ, quét dọn nhà cửa thay cho vợ đi làm mướn kiếm tiền. Ông kể: “Lúc đầu lọng cọng lắm nhưng riết rồi quen, nhờ bà xã cầm tay chỉ việc nên tui lo chuyện nội trợ được”.
Năm 1998, Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện mời ông tham gia Hội Người mù. Lúc đầu ông không nhận vì sợ mình tàn tật làm không được, nhưng sau nghe nói mục đích của hội là “giúp người mù có cuộc sống tốt hơn” nên ông nhận lời.
Việc đầu tiên là ông nắm lại hết trong huyện có bao nhiêu người mù, khuyết tật. Muốn vậy ông phải lò dò đi xuống tận xóm ấp, hỏi tận nhà dân. Bà con ai cũng ái ngại khi thấy ông vừa mù vừa chống gậy mang chân giả lội bùn đi cơ sở. Nhưng ông thì riết rồi quen, mà ở nhà lâu ngày nó “ngứa”. Khi người mù hỏi ông “kiếm tui làm gì?” thì ông trả lời “để cho tiền chớ chi”. Lúc đó ai cũng ngớ người bởi “cha nội này cũng mù mà bày đặt... nổ”. Sau mới biết Nhà nước có chính sách nhưng bà con không biết. Kể cả xã, ấp cũng không nắm được. Ông Quến kể: “Từ năm 2000 Nhà nước đã có trợ cấp cho người tàn tật 120.000 đồng/tháng. Cả huyện có 504 người tàn tật về mắt, nhưng không ai biết để làm thủ tục hưởng trợ cấp. Số tiền đó đối với người tàn tật là “một miếng khi đói” và giúp họ không còn mặc cảm bị bỏ rơi”.
Có được chế độ này, ông lại lo tìm chính sách khác. Hễ Nhà nước ra chủ trương nào là ông “chộp” lấy ngay, đưa cho người khuyết tật. Năm 2000 cũng là năm có chương trình cấp thẻ bảo hiểm xã hội miễn phí cho người khuyết tật, ông tranh thủ làm liền. Nhờ đó mà ai cũng được khám chữa bệnh miễn phí. Rồi nghe có nhà tài trợ nào cho nhà tình thương, cho dự án dạy nghề... ông sốt sắng xin liền. Ông nói vui: “Đi xin là nghề của Quến mù mà”.
Ở xã Tân Phú có anh Nguyễn Văn Hiền bị tai nạn mù hai mắt. Vợ bỏ, để lại anh một mình nuôi hai con nhỏ, anh phải bươn chải bằng nghề dỡ chà mướn, chuốt câu, đan lọp. Cuộc sống hết sức vất vả. Ông Quến biết được liền vận động Trung ương Hội Người mù cho được 7 triệu đồng, ông xin các doanh nghiệp địa phương 3,5 triệu đồng nữa, cất được căn nhà tình thương cho anh Hiền.
Anh Trần Thanh Hải ở xã Vĩnh Thuận Đông bị bệnh đậu mùa mù hai mắt. Vợ bỏ đi, hai con bệnh chết, mẹ có chồng khác, anh đang bế tắc định tự tử thì gặp ông Quến. Ông xin 200m2 đất của người hàng xóm tốt bụng, vận động bà con cho lá, cây cất được cái nhà kêu anh về ở. Rồi ông lo cho đi học trường khuyết tật, có cái nghề sửa chữa điện tử tạm sống được. Hỏi bây giờ còn muốn chết nữa không, anh Hải cười: “Nhờ có ông Quến chớ không bây giờ tui xanh mả rồi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận