12/03/2017 15:30 GMT+7

Chuyện ông già ngồi canh tàu lửa

SA TRUNG KIM
SA TRUNG KIM

TTO - Năm nay đã 78 tuổi nhưng ông Nguyễn Huy Chi vẫn kiên nhẫn bám trụ 12 năm trong chốt gác bên đường tàu, đoạn đi qua đường dân sinh để bảo vệ tính mạng người dân mỗi khi có tàu...

Ông Chi dùng cờ hiệu ra dấu an toàn cho đoàn tàu đi qua - Ảnh: S.T.K.
Ông Chi dùng cờ hiệu ra dấu an toàn cho đoàn tàu đi qua - Ảnh: S.T.K.

“Mỗi lần xem tivi thấy những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường dân sinh có đường tàu đi qua khiến tôi hoảng quá. Thế là tôi tình nguyện ra đây

Ông  Nguyễn Huy Chi

Cựu binh Nguyễn Huy Chi, trú tại xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Chốt gác bên đường tàu

6h, dưới trời mưa phùn tôi đã thấy ông Chi mặc áo mưa, kỳ cạch đạp chiếc xe cà tàng trên con đường làng nhão bùn đến chốt gác. Chốt gác của ông nằm trên vệ cỏ cách đường tàu 3m.

Để chiếc xe đạp vào trong chốt, ông lấy nilông che hai phía gió lạnh rồi đem chiếc võng dù ra mắc chéo giữa chốt. Dưới chiếc võng là bốn cọc gỗ, trên có mấy ván gỗ mỏng trải làm nơi ngồi nghỉ cho người đi tuần đường.

Cái chòi chỉ cao hơn 2m, bốn phía xây gạch cao khoảng 1m. Bên ngoài phía đường tàu đề chữ “Chốt gác đường ngang”. Phía đường dân sinh có hàng chữ “An toàn là bạn. Tai nạn là thù” và “Đoạn đường nguy hiểm”.

Ông bảo: “Đường tàu qua đây chạy quanh co theo chân dãy núi, tầm nhìn bị che khuất nhiều. Trong khi đó đường dân sinh là đường đất, xe tải đủ loại liên tục vào ra chở đá, xe máy của người dân 12 xóm trong xã chở hàng cồng kềnh và học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 tan học là ùa qua đây về làng nên tôi nhờ mấy chú đi tuần đường viết lên tường như thế để thêm một lời cảnh báo về sự nguy hiểm cho mọi người”.

Trong chốt gác không có bàn ghế, không điện thoại, không bảng giờ tàu chạy... Duy nhất chỉ có chai nước suối ông bỏ trong giỏ hàng trước xe đạp. Riêng cây cờ hiệu ông luôn cầm trong tay như một thói quen để kịp phản ứng mau lẹ mỗi khi tàu sắp qua.

Thấy tôi nhìn cái chốt gác ngạc nhiên, ông bảo: “Tôi trực ở đây đã 12 năm liên tục nên quen lịch tàu khách ra Bắc vào Nam rồi. Từ Hà Nội vô Sài Gòn có chuyến 11h và 14h. Từ Sài Gòn ra có ba chuyến lúc 7h, 11h và 15h. Cứ đến tầm đó là mình chuẩn bị đón tàu”.

Lấy chiếc đồng hồ đeo tay đã cũ trong túi áo ra xem chuyến tàu lúc 11h, ông kể tiếp: “Khi xem giờ và nghe tiếng động của tàu là biết tàu sắp qua. Tôi rời chốt gác ra ngay vị trí đứng an toàn trên đường dân sinh để báo cho người, xe phải dừng lại.

Khi hai phía đường thấy người dân chấp hành, tôi quay mặt về phía đầu tàu và giơ cao chiếc cờ hiệu cuộn tròn để báo hiệu an toàn cho tàu qua”.

Lúc này tôi chú ý mới hay tiếng động của đoàn tàu đang rung tận chốt gác. Chuyến tàu khách 11h sắp qua. Người cựu binh như hoạt bát hẳn lên khi ông đưa cờ hiệu chỉ về hai phía đường dân sinh cho người xe dừng lại rồi quay người đứng vào vị trí đón đoàn tàu lao qua vùn vụt.

Ông Chi ngồi trong chốt gác canh tàu - Ảnh: S.T.K.
Ông Chi ngồi trong chốt gác canh tàu - Ảnh: S.T.K.


12 năm lặng lẽ canh tàu

Đứng nhìn cảnh người, xe đi qua đường tàu, chúng tôi hỏi đã có lần nào ông thông báo có tàu sắp qua mà người dân vẫn cố ý băng qua không.

Ông bảo nhiều lắm, nhất là lúc ông mới “trực” chốt gác. Có lúc căng đến nỗi ông phải dùng sức để giằng giữ xe máy lại họ mới chịu. Có lần mấy người chủ quan cố lách xe máy sau lưng ông để qua đường ray thì tàu lao qua trong tích tắc.

“Nhưng rồi dân làng đi qua đây ai cũng biết chuyện tôi tự nguyện bỏ nhà ra đây đi canh tàu giúp dân nên mỗi khi tôi đưa cờ hiệu cảnh báo là họ dừng lại, không coi thường tính mạng nữa” - ông Chi nói.

Ông Chi cho chúng tôi biết duyên cớ ông trở thành người canh tàu suốt 12 năm nay. Ông tâm sự: “Mỗi lần xem tivi thấy những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường dân sinh có đường tàu đi qua khiến tôi hoảng quá. Nghĩ mình là cựu chiến binh sao lại không thể đi canh tàu cho dân nhờ. Thế là tôi tình nguyện ra đây”.

Sau khi ông Chi tình nguyện canh tàu, Hội cựu chiến binh cử thêm ông Nguyễn Văn Điểm cùng làm. Năm 2006, ông Điểm qua đời vì tuổi già thì ông Lê Văn Diện thay. Nhưng chỉ được hai năm, ông Diện rời chốt gác đi làm ăn, còn lại ông Chi bám trụ đến giờ.

Sau khi kể lại hai tai nạn từng xảy ra trên cung đường sắt này khiến một người chết, một người được cứu, ông bảo: “Cái “nghề” canh tàu mình chọn là thực sự có ích. Từ khi có vụ tai nạn khiến 1 người chết, tôi càng kiên trì bám chốt gác để trực. Giờ đã 78 tuổi rồi nhưng tôi chưa nghĩ đến ngày rời chỗ này”.

Ông Chi cho biết cái chốt gác này do UBND xã làm. Còn tài sản của ông là chiếc cờ hiệu và một cái còi do cung đường sắt Văn - Tân cấp. Có một ngày cái còi bị mất, ông Chi xin mãi mới được cấp lại.

Tấm gương sáng

Ông Nguyễn Huy Chi là người “cắm” chốt gác đường tàu từ đầu, đến nay vẫn tiếp tục bám trụ. Sự tình nguyện bền bỉ của ông khiến phong trào cảnh giới đường ngang ở xã Quỳnh Tân có hiệu quả thiết thực.

Hiện tuyến đường dân sinh vào xã Quỳnh Tân đang được nâng cấp, mật độ xe tải vào lèn chở đá gia tăng nên việc làm của ông Chi càng được khâm phục. Ông là tấm gương sáng cần được nhân rộng”.

Ông Trương Quang Sơn (cung phó cung đường sắt Quỳnh Văn)

SA TRUNG KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp