Căn nhà trên đường Tân Chánh Hiệp của ông Trần Út - Ảnh: D.N.HÀ
Tháng 7-2015, ông Lưu Chí Thiện được giới thiệu mua căn nhà cấp 4 ở đường Tân Chánh Hiệp 4, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 (TP.HCM) do ông Trần Út đứng tên chủ sở hữu. Trước khi mua, ông đã tìm hiểu kỹ căn nhà, đến xem thực tế và kiểm tra giấy chủ quyền nhà.
Mất tiền vì chủ nhà... giả
Hợp đồng mua bán nhà do văn phòng công chứng V. công chứng, theo đó ông Thiện mua căn nhà rộng 81m2 với giá 495 triệu đồng.
Sau khi công chứng, ông Thiện giao tiền mặt cho bên bán tại văn phòng công chứng V. nhưng hai bên không làm giấy giao nhận tiền. Do vợ sinh con, bận rộn, ông chưa nhận nhà. Đến tháng 5-2016 (10 tháng kể từ khi ký hợp đồng), ông Thiện yêu cầu giao nhà thì ông Út cho biết ông không bán nhà và không biết ông Thiện là ai. Ông Thiện cũng xác nhận ông Trần Út, chủ nhà thật, không phải là người đứng ra bán nhà và cùng ông đến ký tại văn phòng công chứng.
Chủ nhà thật, ông Trần Út, cho biết căn nhà ông mua để đón mẹ từ quê vào ở. Nhưng mẹ ông không ở nên ông cho thuê và có ý định bán nhà vào năm 2015. Trong thời gian đó, giấy chủ quyền bị thất lạc, ông làm đơn cớ mất trình báo Công an P.Tân Chánh Hiệp và được xác nhận để lập thủ tục làm giấy mới.
Năm 2016, ông Út đổi kế hoạch, không bán nhà nữa, đưa gia đình về ở. Tháng 5-2016, ông Thiện đến đòi nhà và đưa ra hợp đồng mua bán nhà cùng giấy chứng nhận đã sang tên ông Thiện. Ông Út khởi kiện, yêu cầu tòa hủy hợp đồng mua bán nhà do văn phòng công chứng V. chứng nhận và hủy giấy chứng nhận mới đứng tên ông Thiện.
Khi xác định người ký hợp đồng mua bán nhà không phải là chủ nhà thật, ông Thiện phản tố yêu cầu văn phòng công chứng V. phải bồi thường tiền ông bỏ ra mua nhà. Ông Thiện cho rằng văn phòng công chứng đã thiếu kiểm tra nhân thân của người xưng là ông Trần Út khi công chứng hợp đồng mua bán.
Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xác định ông Trần Út đến văn phòng công chứng ký tên trong hợp đồng mua bán nhà với ông Thiện là người giả mạo nên xác định hợp đồng mua bán nhà giữa hai bên là vô hiệu. Bản án hủy luôn giấy chứng nhận mới cấp đứng tên ông Thiện. Ông Út có quyền liên hệ với các cơ quan chức năng để làm lại giấy chứng nhận mới.
Bản án xác định việc ông Thiện mua căn nhà là có thật nhưng bên bán là người giả mạo chủ nhà. Tại tòa, ông Thiện cũng không cung cấp được người môi giới, bằng chứng đã giao tiền cho chủ nhà giả nên bản án tuyên bác nội dung phản tố yêu cầu văn phòng công chứng phải bồi thường số tiền ông đã bỏ ra mua nhà.
Ông Thiện mua nhà được cấp sổ hồng nhưng vẫn “trắng tay”
Văn phòng công chứng cũng là nạn nhân?
Ông Thiện kháng cáo bản án, cho rằng văn phòng công chứng đã có lỗi trong việc chứng nhận hợp đồng mua bán nhà khiến ông bị thiệt hại. Cụ thể, người giả mạo ông Trần Út đã làm giả luôn giấy xác nhận hai số chứng minh nhân dân là một của Công an P.Tân Chánh Hiệp.
Đại diện văn phòng công chứng V. cho biết công chứng viên đã dựa vào nhiều loại giấy tờ khác nhau để xác định nhân thân của người đến giao dịch như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... Mặt khác, trong hồ sơ công chứng còn nhiều giấy tờ chứng minh nguồn gốc căn nhà đều có dấu trích sao trước thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà mấy ngày.
"Công chứng viên có niềm tin rằng chỉ có chủ nhà mới trích sao được những giấy này nên không nghi ngờ về giấy xác nhận chứng minh nhân dân của Công an P.Tân Chánh Hiệp do người yêu cầu công chứng hợp đồng cung cấp", người đại diện cho biết.
Đại diện văn phòng công chứng V. cũng cho biết công chứng viên có kiểm tra các loại giấy tờ do các bên yêu cầu công chứng cung cấp bằng mắt thường và bằng kinh nghiệm thực tế chứ không đủ điều kiện cũng như phương tiện để xác định giấy tờ thật hay giả như một giám định viên. "Trong trường hợp trên, văn phòng công chứng cũng là nạn nhân", người này nói.
Kiến nghị điều tra vụ việc
Bản án sơ thẩm ghi nhận ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM nhận định vụ án có dấu hiệu làm giả vân tay, chữ viết, chữ ký và các giấy tờ khác nên kiến nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý vi phạm hình sự. Tòa cũng nhận định nội dung này và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự theo quy định.
Ông Trần Út cho biết khi mất giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, ông trình báo với công an nhưng không làm đơn yêu cầu ngăn chặn việc giao dịch sang tên. Bởi ông nghĩ đơn giản rằng nhà mình đang ở, không thể mất được, ai cầm được giấy chứng nhận cũng không làm được gì vì trên đó đã có số chứng minh nhân dân của ông, không có ông thì không thể giao dịch được. Sau đó, ông Út có đăng báo ba kỳ về việc mất giấy tờ để đi làm lại giấy khác nhưng chưa nộp hồ sơ xin cấp giấy mới thì xảy ra vụ việc.
Ông Út cho biết ông có trình báo vụ việc với cơ quan điều tra Công an Q.Tân Phú. "Rất mong sự việc được các cơ quan chức năng điều tra, truy xét rõ ràng", ông Út nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận