Thị trưởng thành phố Sao Paulo Bruno Covas cảnh báo hệ thống các bệnh viện công của thành phố đã đạt 90% công suất và sẽ quá tải trong vòng 2 tuần nữa - Ảnh: AFP
Hầu hết người dân ở thành phố 12 triệu dân Sao Paulo phớt lờ các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh Brazil lần lượt vượt qua các quốc gia châu Âu, trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Hệ thống y tế của Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, có nguy cơ sụp đổ trong bối cảnh hầu hết người dân ở nơi này không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Ông Bruno Covas, thị trưởng Sao Paulo, cảnh báo hệ thống bệnh viện công của thành phố đã đạt 90% công suất và sẽ quá tải trong vòng 2 tuần nữa nếu tình hình vẫn tiếp diễn như hiện nay.
Cho đến nay, Sao Paulo là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19, với hơn 3.000 ca tử vong.
Cuối tuần trước, ông Covas cho biết đang đàm phán với thống đốc bang Sao Paulo là Joao Doria để thúc đẩy các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn, tránh cho bệnh viện trong thành phố cùng tên trở nên quá tải.
Đài BBC cho biết các số liệu chính thức cho thấy hầu hết người dân của thành phố đều phớt lờ các biện pháp giãn cách xã hội.
Bang Sao Paulo đã áp đặt các biện pháp cách ly để ngăn dịch COVID-19 lan rộng từ 2 tháng trước. Doanh nghiệp, trường học và các khu vực công cộng đều phải đóng cửa và người dân được yêu cầu ở nhà.
Tuy nhiên, do không có biện pháp trừng phạt nào nặng dành cho những người vi phạm, nên nhiều cư dân của thành phố Sao Paulo vẫn tiếp tục lái xe đến các bãi biển vào các dịp cuối tuần.
Quy định đeo khẩu trang vừa ban hành gần đây cũng bị phớt lờ vào dịp cuối tuần. Nhiều người không đeo khẩu trang khi đi xe đạp hay chạy bộ vào các ngày chủ nhật, theo BBC.
Những video quay từ trên không cho thấy nhiều ngôi mộ trống trong nghĩa trang Formosa ở ngoại ô Sao Paulo đã được chuẩn bị vì nhu cầu chôn cất tăng cao, theo Hãng tin Reuters ngày 22-5.
Một trong số những nghề nguy hiểm nhưng vẫn đang có nhiều người lao động nghèo tranh nhau làm là đào huyệt ở nghĩa trang bên ngoài thành phố Sao Paulo.
"Chúng tôi làm việc 12 tiếng mỗi ngày, chôn cất từng người một, không ngừng nghỉ" - một công nhân mặc đồ bảo hộ trắng, đeo khẩu trang tại nghĩa trang Formosa, nói.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phớt lờ các cảnh báo y tế và tham gia biểu tình phản đối giãn cách xã hội - Ảnh: GETTY IMAGES
Tính đến ngày 22-5, với 330.890 người nhiễm, Brazil đã trở thành điểm nóng dịch COVID-19 thứ hai trên thế giới, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo khu vực châu Mỹ Latin đã trở thành tâm dịch COVID-19 mới của thế giới.
Brazil cũng đã chứng kiến thêm 1.001 người chết vì dịch bệnh này trong ngày 22-5, nâng tổng số ca tử vong lên 21.048 ca.
Tổng thống Jair Bolsonaro đang hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh vì cách xử lý dịch COVID-19. Tỉ lệ ủng hộ ông Bolsonaro đang sụt giảm vì ông này tham gia các cuộc biểu tình phản đối giãn cách xã hội, ủng hộ thuốc sốt rét chloroquine trong điều trị virus corona dù thuốc này chưa được kiểm chứng, và đã gay gắt với các quan chức y tế công cộng nhiều kinh nghiệm.
Theo Reuters, số ca nhiễm và tử vong thực tế của Brazil nhiều khả năng cao hơn con số công bố chính thức của Bộ Y tế nước này vì chậm làm xét nghiệm COVID-19.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Tổng thống Bolsonaro đã mất 2 bộ trưởng y tế sau khi gây áp lực buộc họ phải thúc đẩy việc sử dụng sớm các loại thuốc sốt rét như chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Ngoài ra, một số chuyên gia y tế cộng đồng cấp cao cũng từ bỏ chức vụ vì bất mãn trước cách xử lý dịch bệnh của ông Bolsonaro.
Bộ trưởng Y tế tạm quyền Eduardo Pazuello, một tướng quân đội, cũng đã đồng ý đưa ra các hướng dẫn mới về việc sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine cho các ca nhiễm COVID-19 nhẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận