Phóng to |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng bên di ảnh thầy mình - Ảnh: Tr.Huỳnh |
“Bàn thờ” này đã được thầy Dũng lập gần chục năm nay để tưởng nhớ người thầy của mình: GS.TSKH Michail Fesenko (ĐH Cơ khí ôtô Moscow - Nga). “Với tôi, GS Michail Fesenko là người thầy đặc biệt. Khi thầy mất vào năm 2004, tôi thờ cúng thầy như một người cha và mỗi năm đến ngày giỗ thầy tôi đều bày mâm cơm, thắp nén nhang tỏ lòng tôn kính thầy” - ông Dũng chia sẻ.
Lúc sinh thời, GS Michail Fesenko được chuyên gia nhiều nước trên thế giới đánh giá là bậc thầy trong ngành điện ôtô. Chỉ riêng trong lĩnh vực điện xe tăng, ôtô ông có khoảng 150 bằng sáng chế. Ông không chỉ giỏi về lý thuyết mà cả về sáng kiến kỹ thuật. Nhưng phần lớn nghiên cứu của ông thuộc lĩnh vực quân sự nên các phát minh sáng chế của ông ít được biết đến, phải đến khi chúng lỗi thời mới được công bố. Đến năm 1972, ông chuyển về Trường ĐH Cơ khí ôtô Moscow, vẫn là người đứng đầu về cơ điện tử, ôtô.
“Chính vì vậy được làm học trò của GS Michail Fesenko là niềm hãnh diện của nhiều người. Ở VN có hai người được học thầy là TS Đinh Ngọc Ân (ĐH Bách khoa Hà Nội) và tôi. Tôi được học ĐH và học tiến sĩ ở Nga, trong những năm học đó tôi gắn bó với thầy và được học hỏi rất nhiều thứ... Tôi học được nhiều điều từ thầy, từ cách dạy cho đến cách đứng lớp” - thầy Dũng tâm sự.
Thầy Dũng cho rằng khi gặp được một người thầy, mức độ ảnh hưởng của người thầy đó rất lớn với học trò. Phong cách của người thầy tác động rất lớn đến nhiều thế hệ. Có lẽ vì thế, thầy Dũng thừa nhận phong cách giảng dạy, phương pháp sư phạm của mình chịu ảnh hưởng từ ông thầy giáo người Nga của mình. GS Michail Fesenko thường chia sẻ với các học trò ở bậc ĐH: điều quan trọng nhất ở người thầy là làm sao truyền được đam mê cho người học. Vì vậy có thể hiểu được nhiều đêm thầy lăn xả ở phòng thí nghiệm với sinh viên đến tận 11, 12 giờ đêm. Thầy bảo phải đam mê, nghiên cứu phải đến nơi đến chốn không dừng lại giữa chừng...: “Vợ GS Michail Fesenko là một nữ bác sĩ, phục vụ ở chiến trường. Những năm chiến tranh, hai người cưới nhau nhưng lại không có con. Vì vậy, trong những năm tháng học tập trên đất Nga tôi xem gia đình thầy như người thân của mình... Sở dĩ tôi thờ di ảnh thầy ở nhà, tại phòng làm việc bởi vì thầy như người bên cạnh, luôn nhắc nhở mình phải có tâm vì sự nghiệp giáo dục, truyền đam mê cho học trò. Trong làm việc, nghiên cứu khoa học, ngước lên nhìn thấy hình ảnh của thầy tự trong tâm tôi nhắn nhủ mình phải làm thế nào để cố gắng làm việc, không phụ tấm lòng công ơn của thầy”.
Hằng năm cứ đến dịp 20-11, “bàn thờ” nhỏ trong phòng làm việc này lại được cắm vài đóa hoa tươi và một ít trái cây...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận