01/03/2014 12:12 GMT+7

Chuyện ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Hỏi sao chọn ngành này, TS Nguyễn Đức Bằng (48 tuổi, trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cười xòa: “Nói thật ngày đó chẳng suy tính gì. Chỉ biết nhà mình nghèo, học cái gì cũng được, miễn là có việc làm. Còn chữa lao hả? Vì mình chẳng xin vào đâu được, lại không quen biết ai. Chỉ có mỗi chỗ này nhận ngay”.

Kỳ 1: Kỳ 2:

WQnHti4D.jpgPhóng to
Y bác sĩ khoa nội soi thực hiện nội soi phế quản cho bệnh nhân - Ảnh: M.Lăng

Đến với nghề vì lý do có vẻ rất “trần trụi” như thế, nhưng bác sĩ Bằng đã gắn với nghề 19 năm. “Tôi luôn tìm thấy niềm vui nhỏ bé trong công việc của mình hằng ngày. Có bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, khó thở, mình rút chút xíu, bệnh nhân hết khó thở. Làm được việc gì khiến bệnh nhân khỏe mạnh hơn, mình cũng vui lắm chứ”, anh bảo.

Bác sĩ trị lao... bị lao

Nói về những đồng nghiệp của mình, bác sĩ Nguyễn Trần Phùng (trưởng khoa nội soi) khẳng định: “Anh em làm chẩn đoán hình ảnh mới là những người hi sinh thầm lặng vì nguy cơ bị nhiễm xạ và luôn phải tiếp xúc rất gần với người bệnh”. Ai học y cũng biết lao lây qua đường hô hấp. Ấy vậy mà các bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh phải thường xuyên, liên tục tiếp xúc rất gần với bệnh nhân. Bác sĩ điều trị khám bệnh còn đứng xa bệnh nhân được, còn bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh chỉ cách bệnh nhân một cái với tay. Đặc biệt với bệnh nhân bị lao kháng thuốc, khó thở, không thể bảo họ đeo khẩu trang thì nguy cơ lây nhiễm cho người thầy thuốc rất cao. Ranh giới giữa thầy thuốc và người bệnh chỉ là cái khẩu trang y tế mỏng manh.

“Khẩu trang chỉ mang tính tượng trưng và tâm lý thôi. Nhưng nếu mình đeo khẩu trang thì sợ bệnh nhân nghĩ mình cũng xa lánh nên tôi ít khi đeo lắm. Cũng có lúc mình đang làm thủ thuật cho người bệnh bị tràn khí, tràn dịch, bị ho, có người bệnh không đeo khẩu trang bắn vào mặt, vào người bác sĩ. Mình không thể bắt bệnh nhân đeo khẩu trang được. Người ta thở không nổi nữa mà. Có bệnh nhân bị tai biến, ho ra máu, nhớt đàm, máu mủ văng vào mặt, vào quần áo, mình đâu thể bỏ bệnh nhân giữa chừng đi thay đồ mà vẫn phải tiếp tục làm cho xong. Nhưng những chuyện như vậy anh em bác sĩ chúng tôi quen rồi, chẳng thấy ngại gì” - TS Bằng kể.

Còn ThS.BS Trương Kim Minh - người từng bảo vệ xuất sắc luận án thạc sĩ - bảo anh đã từng gặp không ít tình huống khi làm thủ thuật sinh thiết màng phổi cho bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, do áp lực trong lồng ngực mạnh, khi rút kim ra, nước trong ngực xịt ra ướt cả áo bác sĩ! Có ca bị mủ màng phổi, mủ nhiều quá, đặt ống dẫn lưu vào ổ dịch mủ, mủ bắn xịt ra dính người. Cả mùi hôi thối bốc ra. Vậy đấy nhưng bác sĩ vẫn phải làm xong mới đi tắm rửa, thay quần áo.

Ba năm trước, khi đó bác sĩ Bằng đang là trưởng phòng X-quang. Một ngày anh bị nhức đầu rất dữ dội và sốt cao, kéo dài liên tục trong 13 ngày. TS Bằng cho hay: “Tôi không nghĩ bị lao vì không ho, chỉ nghĩ mình bị cảm. Một tiến sĩ người Anh thấy tôi bị nhức đầu, hỏi tôi đã kiểm tra lao màng não chưa, tôi còn đùa: tôi đang chờ đi chọc dịch não tủy đây”. Mấy ngày sau anh đi chọc dịch não tủy. Kết quả: bị lao màng não! Đó là thứ lao đáng sợ nhất vì tỉ lệ tử vong và tỉ lệ di chứng sau điều trị cao.

Người bác sĩ ấy âm thầm chữa trong một năm ròng. Anh tâm sự: “Nói thật, hai tháng đầu lo lắng lắm. Nhưng khi qua được hai tháng, tôi biết là mình sống vì tử vong thường xảy ra trong hai tháng đầu. Và may mắn là tôi không bị yếu liệt tay chân. Bị cái này không chết mà chỉ sợ bị di chứng. Di chứng nặng nề nhất là rối loạn tâm thần làm cho mình khóc cười vô cớ, hoặc di chứng về thần kinh làm yếu liệt tay chân không làm việc được”.

Nhưng điều ngạc nhiên là anh đứng dậy rất nhanh. Anh vẫn đi Anh học rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong thời gian bị lao màng não. Cơ quan cho nghỉ sáu tháng. Ở nhà mới được ba tháng, anh thuyết phục ban giám đốc cho đi làm lại. “Bộ phận chẩn đoán hình ảnh rất ít người mà bệnh nhân thì đông quá. Mình nghỉ ở nhà rảnh rỗi không chịu được. Tôi là người lạc quan, luôn nghĩ mình chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh nên thường nói với nhân viên của mình là luôn làm việc tích cực hơn” - TS Bằng mỉm cười bảo.

Mới đây nhất, ThS.BS Trương Kim Minh bị u lao hồi tràng, đang uống thuốc phác đồ 2 và phải trải qua ba lần nội soi. Anh kể thời gian đi học gây mê hồi sức nhiều bữa say sưa học quên cả ăn trưa. Cứ thế giờ giấc ăn uống thất thường khiến cơ thể suy yếu, sức đề kháng giảm. Vị bác sĩ trẻ ngã bệnh. Anh bị ho nhiều kèm theo sốt. “Tôi chủ quan cứ nghĩ mình bị viêm phế quản thông thường, mua thuốc thường uống coi có hết hay không. Qua một tuần chụp phim thấy phổi mờ do bị tràn dịch màng phổi. Rút nước, lấy dịch đi xét nghiệm mới biết bị lao” - ThS.BS Minh nói. Trước đó, năm 2001, bác sĩ Minh bị lao màng phổi bên phải và đã uống thuốc một đợt điều trị theo phác đồ kéo dài tám tháng.

Cũng giống như bác sĩ Nguyễn Đức Bằng, dù được nghỉ sáu tháng nhưng thấy bệnh viện chỉ có hai bác sĩ gây mê hồi sức, khối lượng công việc quá nhiều, ThS.BS Minh lại tình nguyện xin được đi làm trở lại. “Tôi thấy bệnh của mình không cần phải nghỉ, vẫn đi làm được ngon lành. Đi làm để giúp bệnh viện, giúp bệnh nhân. Làm trong môi trường này bị lao là bình thường, không mắc bệnh là may mắn” - anh giải thích.

PHYf0J6K.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Đức Bằng siêu âm cho bệnh nhân - Ảnh: M.Lăng

Người ta tránh, mình vào

TS.BS Nguyễn Huy Dũng (giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) từng trăn trở: “Bệnh viện rất khó tuyển dụng người, nhất là bác sĩ hoặc điều dưỡng có trình độ đại học, sau đại học. Nhiều lý do lắm: sợ lây, xin nghỉ hoặc luân chuyển”. Đem trăn trở này hỏi một bác sĩ là phó giám đốc bệnh viện, anh cười trả lời bằng việc kể lại câu chuyện nhỏ. Số là tết đầu tiên sau khi cưới vợ, khi về thăm cậu của vợ, câu chuyện đang vui vẻ thì đột nhiên ông cậu lớn tiếng: “Thôi, con ạ. Con bỏ nghề đi. Ai lại đi làm cái nghề này”. “Vậy đó, đôi khi vợ mình, bố mẹ mình không có ý kiến gì nhưng nhiều người trong xã hội vẫn có cái nhìn kỳ thị với bác sĩ lao ghê gớm lắm”, bác sĩ này kết luận.

ThS.BS Trương Kim Minh kể: “Ngày còn là sinh viên, sau khi học xong bài về lao, mỗi lần vô Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tôi toàn nín thở. Giờ vô đây lại thấy quá bình thường. Cái lây phổ biến nhất là khi người ta ho, còn bám trên quần áo thì gần như không lây. Nhưng người ta cứ nghe vi trùng lao là sợ. Khi tốt nghiệp, bạn bè tôi không ai nghĩ đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Nhiều người chấp nhận làm không công cho các bệnh viện khác hoặc làm trình dược viên, nhiều tiền hơn”.

Còn TS Nguyễn Đức Bằng khẳng định: “Tôi chưa bao giờ mặc cảm về công việc của mình dù có thể những đồng nghiệp khác không đánh giá cao. Nhưng đến giờ vẫn còn nhiều người ngại ngành này lắm. Trước có một bác sĩ trẻ về khoa tôi, mới làm được một tuần thì bỏ. Mấy người như vậy rồi. Khoảng hơn một năm tôi có xin được một bác sĩ ở bệnh viện khác về. Anh ấy làm đúng một tuần thì nghỉ vì vợ không cho làm. Có người đến nộp đơn nhưng rồi đi mất tiêu. Họ sợ lây hoặc gia đình không muốn...”.

Kỳ tới:Nỗi lòng... bác sĩ cấp cứu

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp