Bộ Giao thông vận tải sẽ chuyển nợ vay dự án Cát Linh - Hà Đông về TP. Hà Nội
Trước đó, tháng 3-2016, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về phương án, thời gian chuyển giao cho thành phố Hà Nội tiếp nhận trách nhiệm chủ đầu tư, trách nhiệm nhận nợ đối với khoản vay lại của dự án.
Tuy nhiên, do thời gian hoàn thành dự án lùi đến quý IV năm 2018 nên phương án, thời gian chuyển giao trách nhiệm chủ đầu tư, tiếp nhận nợ vay không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thời gian kéo dài tiến độ dự án.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch chuyển giao tiếp nhận nợ dự án Cát Linh - Hà Đông.
Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, theo Bộ Giao thông vận tải không ảnh hưởng đến chi phí gói thầu EPC.
Tuy nhiên, bộ cũng thừa nhận có phát sinh các chi phí tư vấn giám sát, chi phí lãi vay, phí và thuế các loại, chi phí quản lý điều hành, thay đổi tỉ giá giữa đồng tiền thanh toán giữa VNĐ và USD. Qua rà soát, Bộ này khẳng định các phát sinh này không vượt tổng mức đầu tư đã điều chỉnh.
Xác định nguyên nhân chậm tiến độ dự án
Các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án Cát Linh - Hà Đông thời gian qua cũng được xác định là do: dự án sử dụng vốn ODA của Trung Quốc, thuộc công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, công nghệ hoàn toàn mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên chưa kiểm soát được kỹ thuật công nghệ. Nhiều hạng mục dự án không có trong quy trình của Việt Nam phải sử dụng quy trình công nghệ của Trung Quốc.
Đặc biệt, các tổ chức tư vấn trong nước không đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác thẩm tra hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ mua sắm thiết bị, công nghệ.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là do tổng thầu EPC Trung Quốc đã chia nhỏ dự án thành nhiều hạng mục công việc để giao cho thầu phụ trong nước nhưng chậm thanh toán khối lượng hoàn thành dẫn đến mất niềm tin thầu phụ.
Tư vấn giám sát quá yếu, bị động
Bộ Giao thông vận tải cũng thừa nhận năng lực tư vấn giám sát dự án Cát Linh - Hà Đông quá yếu và bị động, hầu như tư vấn giám sát không đưa ra được các biện pháp hữu hiệu và kịp thời nhằm bảo đảm an toàn, đáp ứng tiến độ dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng rơi vào tình trạng đói vốn kể từ tháng 12-2016, công tác giải ngân khoản vay thêm 250,6 triệu USD dù được ký kết từ tháng 5-2017, nhưng đến tháng 4-2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên.
Để gỡ khó cho dự án, Bộ này đề nghị Thủ tướng phương án điều chỉnh 10% vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án sử dụng vốn vay ODA của bộ, trong đó ưu tiên nguồn vốn này để thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận