Phim lộng lẫy, bắt mắt, âm nhạc lôi cuốn nên các em rất chăm chú xem. Nhưng đến hơn nửa phim, một số em bắt đầu mất tập trung... Có em nhảy chồm lên người ba mẹ.
Em lớn tiếng cãi nhau với anh trai. Em giỡn hớt cười đùa. Có em còn chạy dọc các lối đi trong rạp, ngồi vào hết chiếc ghế trống này đến chiếc ghế trống khác.
Từ đây có tiếng người mẹ trẻ gắt lên vì bịch bắp rang bơ đổ. Anh nhân viên “chụp” một bé gái đang nhảy từng bậc cầu thang, cúi xuống tính nói điều gì thì tiếng một phụ nữ: “Kệ nó đi. Trẻ con mà!” vang lên giữa rạp.
Đứa nhỏ tiếp tục nhảy, thỉnh thoảng cười nắc nẻ. Anh nhân viên chỉ có thể đứng nhìn. Trong khi một số vị khách nhăn nhó vì không thể tập trung xem nốt những phút cuối lắng đọng của bộ phim quay sang nhìn anh.
Nếu những đứa trẻ kia là người lớn hẳn đã bị người xung quanh nhắc nhở. Rạp chiếu phim cũng không hóa thành nhà riêng hay sân chơi tùy tiện, lộn xộn.
Tình trạng trên không chỉ diễn ra trong suất chiếu đó, bộ phim đó. Nhiều người yêu thích phim hoạt hình vẫn bảo nhau: “Đợi phim chiếu lâu lâu rồi đi coi. Coi trong tuần đầu đông con nít, ồn không thưởng thức được”.
Một người bạn của tôi đã đóng tiền đăng ký dịch vụ tự động tải các phim mới về để xem ở nhà sau nhiều lần rời rạp với cảm giác “ngang ngang”.
Chị nói phim có nhiều cảnh có vẻ xúc động nhưng chị không cảm được vì xung quanh rần rần: “Thấy khó chịu nhưng không biết nói sao. Chẳng lẽ mình đi chấp nhất trẻ con?”.
“Trẻ con mà!” - cái cớ có vẻ hợp lý để cho phép các em nhỏ làm sai. Nói các em sai nhưng ai cũng biết cái sai nằm ở người lớn, trước nhất là ở các ông bố bà mẹ trẻ.
Tâm lý chiều con và nghĩ con nhỏ nên chắc chẳng ai phiền giận khiến nhiều người tảng lờ việc rèn cho con ý thức từ những hành vi nhỏ nhất.
Con vào công viên vô tư bẻ cành bứt lá, con vung tay quăng hộp sữa ra đường, thả gói bim bim xuống phố, con quấy khóc chòi đạp ồn ào trên tàu xe... nhiều ba mẹ để mặc như vậy. Họ đặt niềm tin vào sự thông cảm của người xung quanh vì “Kệ đi. Trẻ con mà!”.
Một câu chuyện khác cũng ở rạp chiếu phim này: gần đến cảnh kết phim, khi Lọ Lem xỏ vừa chân vào chiếc giày lấp lánh. Đứa bé gái ngồi trong lòng người mẹ trẻ cạnh tôi khe khẽ vỗ tay.
Em ngước đầu thỏ thẻ vào tai mẹ cảm xúc của mình. Trước đó, khi người mẹ kế đập vỡ chiếc giày thủy tinh của Lọ Lem, em thốt lên hỏi mẹ “Tại sao...?” thì người phụ nữ trẻ đưa ngón tay lên môi “suỵt”.
Chị dặn con nói nhỏ để không làm phiền cô chú xung quanh. Tôi nghĩ bé gái nọ không chỉ học được bài học “Hãy sống can đảm và tử tế” như thông điệp xuyên suốt bộ phim, bé còn được mẹ dạy tôn trọng không gian chung và ứng xử lịch sự.
Bài học có vẻ không quá khó và lớn lao với một đứa trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận