30/07/2019 08:54 GMT+7

Chuyện nhỏ, sao phải chờ nhắc?

ĐẠI LÂM (Đắk Lắk) - NGUYỄN MINH (An Giang)
ĐẠI LÂM (Đắk Lắk) - NGUYỄN MINH (An Giang)

TTO - Đó là những chuyện nhỏ, rất nhỏ. Từ chuyện cái áo, cái quần không hợp tình, hợp cảnh; đôi tay, đôi chân và thói quen thích sờ hiện vật, giẫm cỏ, bẻ cành, hái trái. Và chuyện chúng ta đã xuê xoa với du khách...

Chuyện nhỏ, sao phải chờ nhắc? - Ảnh 1.

Phải làm lồng kiếng để bảo quản hiện vật (ảnh chụp ở Lăng Ông Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Những câu chuyện nhỏ mà tôi đã trực tiếp chứng kiến cho thấy nếu chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của du khách là chưa đủ.

Những chuyện "xốn mắt"

Sau nhiều năm quay lại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), tôi hết sức ngạc nhiên về những hàng rào sắt bao quanh những bia tiến sĩ trên lưng rùa. Quá nhiều người cố tình tìm mọi cách để sờ vào đầu rùa, sờ vào bia tiến sĩ để cầu may mắn, đỗ đạt dù rằng bảng nội quy có ở khắp mọi nơi ghi rõ dòng chữ "cấm sờ vào hiện vật". 

Nội quy có, camera giám sát cũng có nhưng nhiều người giả vờ không biết. Không rõ đã có trường hợp nào bị nhắc nhở, xử phạt chưa..., chỉ biết là văn bia và đầu rùa ở Văn Miếu cứ ngày càng bóng loáng. Hiện vật hư hỏng không phải chỉ do sự tàn phá của thời gian mà còn do bàn tay con người.

Tuần trước tôi vừa có chuyến đến thăm chùa Linh Ứng (ở Bãi Bụt, Đà Nẵng), nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam - cao 67m, đường kính tòa sen 35m. Ở cổng chùa đã có bảng nội quy trang phục khi vào chùa nhưng vẫn có rất nhiều du khách thản nhiên như không thấy. 

Trước cửa vào chánh điện có hai người giúp du khách trang phục thiếu kín đáo quấn áo váy vào người trước khi bước vào điện thắp hương. Một giải pháp không mất nhiều thời gian và tiền bạc với những người trót lỡ ăn mặc không phù hợp với điểm đến. 

Khoảng 30 phút đứng quan sát trước sân chánh điện, tôi đã đếm được hơn chục người phải sử dụng trang phục của nhà chùa. Trong khuôn viên chùa, những du khách váy ngắn, quần lửng, quần đùi nhiều không đếm hết.

Một cách nhẹ nhàng, linh hoạt để nhắc nhau cần tôn trọng quy định của điểm tham quan. Nhưng sẽ tốt hơn nếu mỗi người chọn cho mình những trang phục phù hợp với nơi mình đến. Đó không chỉ là sự tuân thủ quy định của nơi mình đến mà còn thể hiện ứng xử của mỗi người. 

Trong lúc chờ đợi ý thức tự giác của mỗi người, mỗi điểm tham quan cần có giải pháp để tự bảo vệ nội quy của mình trước những du khách có thói quen không quan tâm nội quy. Giá như các điểm du lịch mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn với những du khách này, tình hình sẽ khác.

Tại sao du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài đa phần đều chấp hành đúng quy định của nơi đến, còn khi về nước lại không chịu thực hiện những quy định tương tự? Nguyên nhân có thể là: nếu có vi phạm cũng chẳng bị cấm cửa hay xử phạt.

Tình trạng du khách giẫm cỏ, bẻ hoa, vô tư xả rác hay hồn nhiên vi phạm nội quy nơi tham quan dường như không phải là hiện tượng cá biệt. Ăn mặc không phù hợp hay tạo dáng phản cảm ở những điểm du lịch văn hóa tâm linh đang làm "đau con mắt" những người chứng kiến bất đắc dĩ. Chúng ta có đủ quyết tâm để làm không hay lại xuê xoa vì sợ mất khách?

Chỉ là việc chẳng đặng đừng!

Thiết nghĩ, khách phương Tây có sự khác biệt lớn về văn hóa Á Đông nên việc hỗ trợ trang phục là cần thiết. Một số nơi cho du khách (đặc biệt là khách nước ngoài) mượn áo choàng khi vào chùa. 

Đây là một việc làm hay, giữ sự tôn nghiêm và văn hóa bản địa. Nhưng tôi cho rằng với du khách Việt, chuyện này là hơi muộn. Chúng ta luôn tự hào có nền văn hóa lâu đời nhưng lại thiếu biện pháp bảo vệ giá trị ấy. Người ta nói "Nhập gia tùy tục". Gia chủ lâu nay lại để du khách ứng xử không phù hợp ngay trong nhà mình.

Tôi có nhiều dịp đi du lịch Campuchia. Lần đầu, anh hướng dẫn viên liên tục nhắc nhở du khách chuyện ăn mặc kín đáo, lịch sự, đặc biệt khi viếng thăm Hoàng cung, chùa Bạc. Anh nhấn mạnh, nếu không, người ta sẽ không cho vào cổng. Ai nấy đều răm rắp nghe theo vì sợ lỡ dịp, sợ gặp phiền toái. Trước giờ khởi hành, trẻ con cũng được cha mẹ đổi từ quần lửng quen thuộc ngang gối sang chiếc quần dài.

Đến nơi, thấy những ai ăn mặc không phù hợp sẽ phải mặc một cái quần rộng ống truyền thống nước bạn. Không khó nhận ra một vài vị khách rảo bước với trang phục hơi khác mọi người một tí. Để được chấp nhận vào cổng thì phải chấp hành việc nhỏ này. Một việc nhỏ nhưng chắc cũng đủ để khách rút ra bài học khi đi du lịch. Du khách cần tôn trọng văn hóa, truyền thống một quốc gia khi đến du lịch. Và nước bạn đã thực hiện từ lâu.

Cũng tại Campuchia, năm 2016, sau sự việc du khách chụp ảnh phản cảm, nước bạn thắt chặt quy định về ứng xử, ăn mặc của du khách. Khi viếng thăm quần thể Angkor, du khách buộc phải mặc quần dài, váy dài dưới đầu gối và bận áo kín vai...

Du khách Việt chúng ta đi du lịch thường chưa chú ý đến việc ăn mặc. Chuyện cái áo, cái quần tại chốn linh thiêng lâu nay cũng gây "xốn mắt" vì những người ăn mặc không hợp tình, hợp cảnh... 

Mọi người từ nhỏ đều được dạy cách ăn mặc phù hợp nơi mình đến, chứ chẳng phải đến nơi mới trông chờ ai đó giúp mình "đối phó" với quy định. Mượn áo choàng chỉ là việc chẳng đặng đừng. 

Thay vì nhận ra thiếu sót của mình, có khi du khách lại vui vẻ, hồ hởi vì được mượn áo choàng! Du lịch, không thể mặc tình... xách balô lên mà đi, cần có tâm thế chuẩn bị từ chuyện ăn mặc đến ứng xử hợp lý và văn minh hơn.

Tôi từng thấy ở những công viên, các điểm du lịch có câu: Hái trái, khắc chữ lên thân cây phạt 100.000 đồng, giẫm cỏ phạt 50.000 đồng... Chưa được chứng kiến ai bị phạt nhưng tôi đồng tình những quy định như vậy. Xin đừng nhún nhường để thu hút thêm khách. Áo choàng chỉ giúp tạm thời che trang phục phản cảm chứ đâu giấu được ý thức và cách ứng xử dị biệt với người xung quanh...

Ý thức giữ gìn vệ sinh chung nhìn từ hai bức ảnh

TT - Rác thải sinh hoạt đang là câu chuyện đau đầu của các đô thị. Nhưng chung quy lại vẫn là do ý thức quá kém của một bộ phận người dân. Câu chuyện về 2 bức ảnh dưới đây do một bạn đọc chụp và gửi đến Tuổi Trẻ là một ví dụ.

ĐẠI LÂM (Đắk Lắk) - NGUYỄN MINH (An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp