Nhiều người đã bàng hoàng thốt lên “chuyện gì đang xảy ra vậy” khi người ta dễ dàng tước đoạt mạng sống của người khác vì những lý do rất tủn mủn, vụn vặt…
Đoạt mạng em họ vì tranh chấp gốc tràm. Hàng tràm bị cưa khiến bốn anh em họ xích mích - Ảnh: A.L. |
Bây giờ nói gì, làm gì cũng sợ… chết
Chị Bảo Nghi (Đà Lạt) lo lắng: “Có thâm thù, huyết hận mà giết nhau đã quá hãi hùng, bây giờ chỉ cần một lý do nhỏ xíu người ta cũng sẵn sàng lấy mạng nhau. Ra đường riết không dám nói gì ai hay chọc giận gì, vì chỉ cần chút xíu chuyện là tính mạng có thể mất bất cứ lúc nào”.
Đối với vụ án mà Tuổi Trẻ đưa tin, nhiều độc giả cho rằng pháp luật chưa đủ tính răn đe khi chỉ phạt mỗi bị cáo 10 và 11 năm tù, kèm theo đền bù thiệt hại 110 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Bạn Thành Trung cho rằng: “Đáng lẽ những hành vi hung hãn như thế phải bị pháp luật nghiêm trị để sau này không ai dám dễ dàng động thủ như thế. Đằng này chỉ phạt 10 năm tù và đền tiền rồi thôi thì sau này xã hội sẽ loạn mất”.
Anh Khương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đồng tình: “Giết người chỉ vì những lý do như chê buôn bán mắc rẻ hoặc chỉ vài mâu thuẫn thì pháp luật cần mạnh tay và xã hội cần lên án mạnh mẽ”.
Bạn Trường An (Đà Nẵng) trăn trở: Đừng trách sao mọi người bây giờ sống hèn nhát hơn, không dám lên tiếng trước cái sai, cái xấu. “Lục Vân Tiên” nào sẽ còn tồn tại khi mạng sống mình đang bị coi rẻ và không ai bảo vệ hoặc đồng lòng chống trả cái xấu.
Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, đánh giá thực trạng xã hội đang làm cho người ta mất dần niềm tin vào cuộc sống.
Sự mất niềm tin đó đã tạo điều kiện cho những kẻ thủ ác, có máu hung hãn dễ dàng lộng hành và ra tay man rợ nếu cảm thấy không hài lòng về ai hay điều gì.
"Chính sự e ngại và nghi kỵ nhau làm cho con người sinh ra tâm lý đề phòng, cảnh giác và kéo theo sự xa lánh, không còn yêu thương nhau. Con người không còn tin rằng “người tốt nhiều hơn kẻ xấu” và mỗi khi có sự cố xảy ra người ta không dám đứng lên bảo vệ lẽ phải, họ thu mình lại để tìm cảm giác an toàn và yên thân", GS Nguyễn Võ Kỳ Anh phân tích.
Bốn nguyên nhân chính
Tiến sĩ (TS) Lý Tùng Hiếu, giảng viên chính khoa văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng những bất ổn xã hội thời nào cũng có.
"Xã hội chúng ta đang có một bộ phận hành xử theo lối “mạnh được yếu thua”, bất chấp luân lý, đạo đức và pháp luật", TS Hiếu nhận định.
TS Lý Tùng Hiếu chỉ ra bốn nguyên nhân chính của thực trạng này.
Thứ nhất là quan niệm về vị trí và chỗ đứng của mình trong xã hội, nhiều người bằng mọi giá đòi hỏi quyền lợi, nhu cầu của mình mà không cần nghĩ tới hậu quả sẽ gây ra cho bản thân.
Thứ hai là dư luận xã hội Việt Nam hiện rất phân tán và có sự khác biệt lớn giữa thành thị và nông thôn, giữa lớp già và lớp trẻ.
Thứ ba, TS Hiếu đánh giá, pháp luật đôi chỗ, đôi lúc chưa thật sự ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp xã hội. Bên cạnh đó những cơ quan và một bộ phận chịu trách nhiệm thực thi luật pháp chưa tạo được thiện cảm và sự tin tưởng nơi người dân.
Chính điều đó làm cho một vài cá nhân cảm thấy pháp luật chưa thật sự công minh và họ tự hành xử theo cách mà mình cho là đúng thay vì để pháp luật can thiệp và giải quyết.
Điều cuối cùng chính là khả năng làm chủ và kiềm chế hành vi của nhiều người hầu như rất thấp. Họ không nghĩ đến bản thân và gia đình khi quyết định hành vi của mình mà thực hiện rất nóng vội, bốc đồng, không cần quan tâm hậu quả.
Ba bị cáo lãnh án tù vì đánh chết khách hàng chê nước mía đắt - Ảnh: P.Thành |
Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết ông cảm thấy tiếc nuối và nhiều lần trăn trở vì sao người ta lại chọn cách đâm chém nhau chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ.
"Ranh giới giữa có và không rất mong manh. Nhiều lần, trong các phiên tòa, tôi tự hỏi tại sao họ làm như vậy, giá như... Một thực tế là những trò chơi bạo lực và sự mất nền tảng trong giáo dục đã dẫn đến những hệ lụy này", LS Bùi Quang Nghiêm nói.
Dạy đạo đức một cách thiết thực nhất
Ở khía cạnh giáo dục, LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng môn học giáo dục công dân trong nhà trường vẫn rất nặng tính hình thức, xa rời thực tế. Những bài giảng không chỉ khô khan về nội dung mà cách thức tiếp cận, phương pháp sư phạm để giáo dục cho học sinh còn nhiều lỗ hổng.
Thạc sĩ (ThS) xã hội học Phạm Thị Thúy cũng đồng tình khi cho rằng phải giáo dục các em quay về với chính mình, tức là các em phải ý thức được cách yêu thương và tôn trọng bản thân.
Một người trước hết phải ý thức và làm chủ được hành vi, suy nghĩ, nhận thức của mình, sau đó mới biết hành xử đúng lương tâm và tự trọng, mới biết xem trọng các mối quan hệ khác trong cuộc sống, ThS Phạm Thị Thúy phân tích.
TS Lý Tùng Hiếu đánh giá cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái từ những ngày còn nhỏ. Đừng dùng đòn roi và những cách dạy áp đặt bắt trẻ con phải làm theo như những con vẹt mà không hiểu vì sao.
"Đừng nặng nề về hình thức, dạy những điều quá lớn lao cho trẻ. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như yêu chính bản thân mình, biết quý trọng mình và người xung quanh", LS Bùi Quang Nghiêm chia sẻ.
"Điều quan trọng khi người lớn dạy trẻ con chính là việc làm gương. Mọi bài học sẽ trở nên vô nghĩa khi người lớn dạy con trẻ một đằng còn mình làm một nẻo. Khi đó niềm tin trong lòng những người trẻ sẽ dần mất đi và họ sẽ hành xử như cách mà người lớn vẫn đang làm", TS Hiếu nhấn mạnh.
ThS Phạm Thị Thúy thể hiện sự mong muốn xã hội và truyền thông cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa về thực trạng đau lòng này, phải làm sao để cộng đồng có chung tiếng nói tẩy chay và lên án những hành vi hung hãn, giết người vô lối như hiện nay.
Không bi quan về tình người, nhưng… Thời gian qua chúng ta đã nghe nhiều về những vụ giết người, cố ý gây thương tích nghiêm trọng mà nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Đây là một hiện tượng rất đáng quan tâm, nó phản ánh những yếu tố không bình thường về nhận thức, tâm lý và kỹ năng sống của một bộ phận dân chúng, nhất là giới trẻ trong bối cảnh cuộc sống đã và đang có nhiều sức ép, căng thẳng. Trong xã hội ngày nay, cùng với quá trình phát triển, hội nhập thì các nhu cầu của cá nhân cũng có nhiều thay đổi và chịu nhiều áp lực. Mặt khác, những bức xúc, tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột, căng thẳng trong sinh hoạt, đời sống gia tăng, không được hóa giải kịp thời, trong khi đó kỹ năng sống, kinh nghiệm sống, nhận thức về xã hội và pháp luật của nhiều người còn rất hạn chế nên khi xảy ra những tình huống bất lợi sẽ rất dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực bộc phát mà nghiêm trọng nhất là sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng và tác động từ những yếu tố tiêu cực của truyền thông, mạng xã hội, Internet nên có sự lây lan tâm lý (xấu) dẫn đến sự chai lì cảm xúc. Đại tá, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn (phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm) |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh
>> Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu 1
>> Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu 2
>> Luật sư Bùi Quang Nghiêm
>> Thạc sĩ Phạm Thị Thúy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận