30/12/2017 15:17 GMT+7

Chuyện người Sài Gòn Mậu Thân

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Tất cả các lãnh đạo, nhân chứng, quân nhân đều nhắc nhở một điều trước khi kết thúc phát biểu, kết thúc câu chuyện về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: làm được những điều đó là nhờ có nhân dân.

Chuyện người Sài Gòn Mậu Thân - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo ôn lại kỷ niệm xưa - Ảnh: TỰ TRUNG

Hội trường TP.HCM sáng 29-12 ngập bóng áo xanh sĩ quan quân đội tham dự hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 - bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử", quy tụ hơn 500 đại biểu là lãnh đạo chính quyền, quân đội các thời kỳ, các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử.

Các bài tham luận phân tích, mổ xẻ nhiều khía cạnh của nghệ thuật quân sự, các nhân chứng kể lại những câu chuyện chiến trường... Tất cả các lãnh đạo, nhân chứng, quân nhân đều nhắc nhở một điều trước khi kết thúc phát biểu, kết thúc câu chuyện: làm được những điều đó là nhờ có nhân dân.

Tấm lòng người Sài Gòn

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động phát biểu tại hội thảo: "Tôi là người đi sau, chỉ tìm hiểu, nghiên cứu về Mậu Thân 1968 qua sách vở, tài liệu, chuyện kể của người đi trước. Nhưng đủ để biết rằng qua hai đợt tổng công kích - tổng khởi nghĩa, rõ ràng tại Sài Gòn - Gia Định chưa có "tổng khởi nghĩa", song sự nổi dậy của các tầng lớp nhân dân là sự thật. 

Không có nhân dân thì không thể nắm tình hình, bộ đội không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc để vào thành phố, không thể ém quân bí mật ngay gần cơ quan đầu não Sài Gòn, không thể có khối lượng lớn vũ khí để chiến đấu. 

Tương quan lực lượng quá chênh lệch trong cả đợt 1, đợt 2 càng cho thấy rõ hơn tấm lòng son sắt kiên trung người dân Sài Gòn - Gia Định dành cho cách mạng. 

Nhân dân trực tiếp chiến đấu, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, che chở và nuôi dưỡng thương binh với con số vượt xa dự kiến. Nhân dân kết thành những lá chắn thép nuôi giấu, bảo vệ lực lượng vũ trang với quân số hàng sư đoàn, binh đoàn...".

Ngồi dưới, nhiều người gật đầu tâm đắc. 

Ông Nhân tiếp tục nhắc đến lời của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói khi là bí thư Thành ủy TP.HCM: "Nếu chúng ta biết rằng một cái hầm nuôi giấu cán bộ, cất chứa vũ khí đào ngay trong lòng thành phố khó khăn, nguy hiểm đến chừng nào với bản thân và gia đình người dân thì mới hiểu được tầm vóc cách mạng của họ".

Bà Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ, cựu biệt động thành) gạt nước mắt. Bà nhớ má Sáu Hòa, má Năm, má Một... - những người phụ nữ một sương hai nắng buôn bán tần tảo giữa Sài Gòn. Ấy vậy mà trong những trái dừa lại có TNT, trong xe củi có khẩu AK, trong bao gạo có chùm lựu đạn. 

Những căn hầm nuôi cán bộ, hầm chứa vũ khí có khi đặt ngay dưới giường ngủ, trong tủ quần áo, âm thầm dung chứa những hi vọng hòa bình, thống nhất, đổi thay, và cũng âm thầm chứng kiến cuộc đấu tranh sinh tử từng giây, từng phút trong mỗi nụ cười, lời nói, cử chỉ của các bà má tưởng như bình thản phía trên.

Một số hầm bị phát hiện sau Mậu Thân 1968 nhưng đa số vẫn an toàn cho đến tận ngày hòa bình, trở thành những di tích, những địa chỉ đỏ chứng minh "tầm vóc cách mạng" của người dân thành phố. 

Là bà chủ một trong những căn hầm ấy, bà Năm USOM (Đặng Thị Thiệp, vợ của ông Trần Văn Lai - Năm Lai, biệt động Sài Gòn, Anh hùng lực lượng vũ trang, tức ông thầu khoán Mai Hồng Quế từng thầu trang trí nội thất cho dinh Độc Lập) cười hiền lành khi nhớ đến những năm tháng ấy. 

Cùng với chồng, suốt mấy năm trời bà đêm đêm đào hầm, tìm cách giấu từng bọc đất, đá, gạch khỏi con mắt tò mò của hàng xóm, cắn răng khuân từng khẩu súng, từng bọc thuốc nổ không một tiếng rên. 

Cùng với chồng, bà đã sống trên 2 tấn TNT, đã vui không để đâu cho hết khi chiều mùng 1 tết được đón đội chiến sĩ biệt động đến tập kết trước khi vào trận.

Nét nổi bật của Sài Gòn

"Chiều ấy anh em ăn bánh tét, dưa món, uống bia, đúng là vui như tết" - bà Năm mơ màng nhớ. 

Chính ông Năm Lai chồng bà đã tổ chức hai chiếc xe, tự tay lái một chiếc đưa anh em cùng thùng thuốc nổ TNT đến cổng sau dinh Độc Lập. 

Bại lộ. Tổ biệt động ở lại chiến đấu, còn vợ chồng bà phải bồng bế con nhỏ ra khu, bỏ lại nhà cửa, xe hơi, công việc thầu khoán đang ăn nên làm ra... 

Hôm nay căn hầm ấy vẫn đó, được mở cửa để khách tham quan bước vào, chiêm ngưỡng một kỳ tích giữa trung tâm Sài Gòn âm thầm mà sừng sững như tấm lòng người Sài Gòn.

Cùng nhắc lại những câu chuyện của người Sài Gòn trong những ngày Mậu Thân bi hùng, ông Nguyễn Văn Đua - nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - điểm lại: "Để chuẩn bị cho các đợt Mậu Thân, từ 1964-1965, ta đã xây dựng được 19 "lõm chính trị" gồm 325 gia đình trung kiên, tạo được 400 điểm trú quân ở Bác Ái, Cầu Bông, Bàn Cờ, Xóm Chùa, Bình Thạnh... 

"Nổi dậy" trong Mậu Thân 1968 không phải đình công, bãi thị, bãi khóa, biểu tình mà là nổi dậy muôn hình vạn trạng: dẫn đường cho bộ đội, tiếp tế, tải vũ khí, may cờ - treo cờ Mặt trận, dán biểu ngữ, săn sóc - nuôi giấu thương binh, binh vận...".

Ông Đua nhắc lại lời ông Trần Bạch Đằng, nhà cách mạng - nhà sử học của Sài Gòn: "Từ sau 28 ngày rưỡi chính quyền Việt Minh làm chủ thành phố sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tính từ 23-9-1945 Sài Gòn sống dưới chế độ thống trị của Pháp rồi Mỹ. 

Tết Mậu Thân 1968 là lần đầu tiên sau ngần ấy thời gian, cách mạng công khai xuất hiện bằng xương bằng thịt, ồ ạt, trong tư thế chiến đấu. Thế mà họ lại được quần chúng đón tiếp, nếu không thân ái thì ít nhất cũng không có thái độ thù địch. Đó là nét nổi bật của Sài Gòn".

Nghệ thuật quân sự đặc sắc

daibieu9

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu dự hội thảo - Ảnh: Tự Trung

Hơn 100 tham luận gửi đến hội thảo, trong đó có bài của đại tướng - Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đại tướng Lê Đức Anh, đại tướng Ngô Xuân Lịch, các thượng tướng Lê Chiêm, Nguyễn Trọng Nghĩa, Tô Lâm, Lương Cường...

Các tham luận và phát biểu đặc biệt tập trung phân tích nghệ thuật quân sự đặc sắc đã được thể hiện ở tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968: Nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tấn công, làm chuyển biến cục diện chiến tranh; Chọn hướng nghi binh chiến lược, hướng sự chú ý, tập trung quân của Mỹ sang đường 9 - Khe Sanh chỉ 10 ngày trước giờ G; Nghệ thuật hai chân (chính trị - quân sự) ba mũi (chính trị - quân sự - binh vận) ba vùng chiến lược (miền núi - nông thôn - thành thị); Phối hợp, phát huy các lực lượng tình báo - biệt động - quân chủ lực - các tầng lớp nhân dân; Tiến công bằng phương thức tác chiến mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào đô thị; Mặt trận chính trị, quân sự thúc đẩy mặt trận ngoại giao, ép phía Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp