Cá nục tại Quảng Trị bị phát hiện có chất cực độc - Ảnh: Quốc Nam |
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 11-6 về vụ nhiều mẫu ở Quảng Trị được phát hiện có chất phenol độc hại với người, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết ông đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị chuyển mẫu cá nục ra Hà Nội kiểm tra lại, xem mức độ nhiễm độc và nguy cơ với sức khỏe.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia về công nghệ thực phẩm - cho hay phenol là một tổ hợp nhiều chất nên được gọi là hợp chất phenol.
Hợp chất này được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, là dung môi trong công nghiệp sơn, thuốc nhuộm, sản xuất chất màu, chất tẩy rửa, thuốc sát trùng, tẩy uế.
Khi phát hiện chất này trong cá nục, ông Thịnh cho biết cần xem xét xem phenol ở đây là được “cho thêm vào nước biển” làm cá bị nhiễm độc hay là nguyên nhân khác, do quy định hiện hành cho phép phenol trong nước biển là 0,03 mg/lít, mà phenol phát hiện trong cá nục là 0,037 mg/kg.
Chênh lệch như vậy theo ông Thịnh là nhỏ và có thể xuất hiện trong cá trong quá trình bảo quản (bổ sung để bảo quản các mẫu cá bị ươn), nhưng cũng có thể do phenol được cho thêm vào nước biển.
Về mức độ độc với cơ thể con người, ông Thịnh cho biết cần xem xét kỹ lại, nhưng một báo cáo của Đại học Y Hà Nội cho biết hàm lượng có thể gây độc cho người là khi ăn vào 2gr phenol. Như vậy phải ăn rất nhiều cá cùng lúc thì mới tích lũy cùng lúc hàm lượng phenol này.
Tuy nhiên ông Thịnh cũng khẳng định đây là loại chất độc hại, vốn không có trong cá, và đây cũng là loại phenol khác mà có người từng nhầm lẫn với chất có trong kem đánh răng có thể sử dụng hằng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận