90% thuê bao di động sắp có thể chuyển mạng giữ số - Ảnh: Hữu Khoa
Việc thử nghiệm để kiểm tra kỹ thuật giữa các nhà mạng, chưa áp dụng trực tiếp cho người dùng cuối. Tuy nhiên, các nhà mạng đều cho biết họ đã chuẩn bị để thực hiện chính sách cho phép thuê bao di động chuyển mạng giữ nguyên số (MNP - Mobile number portibility) theo kế hoạch của Bộ Thông tin - truyền thông.
Khi thực hiện điều này, theo Bộ Thông tin - truyền thông, 90% thuê bao di động hiện nay ở VN thuộc ba nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel sẽ có thể hưởng lợi.
Các nhà mạng sẵn sàng
Đây là thủ tục cho phép các thuê bao di động chuyển từ mạng này sang mạng khác, song số điện thoại của chủ thuê bao vẫn được giữ nguyên. Đây là dịch vụ do nhà mạng và Trung tâm chuyển mạng quốc gia cung cấp cho các thuê bao di động, bao gồm cả trả trước lẫn trả sau, có nhu cầu và đủ điều kiện sử dụng dịch vụ.
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 20-9, đại diện Viettel nói: "Chúng tôi đã cơ bản hoàn thành hệ thống kỹ thuật và sẵn sàng liên thông với các nhà mạng khác, đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số theo lộ trình của Bộ Thông tin - truyền thông". Đại diện MobiFone cũng cho hay đã tiến hành kiểm tra kỹ thuật chuyển mạng giữ số và hiện đang theo đúng tiến độ theo yêu cầu của bộ, sẵn sàng chuyển mạng giữ số từ ngày 31-12-2017.
Đại diện VNPT cho biết đến nay hệ thống cổng chuyển mạng MNP đã được VNPT xây dựng và đang trong quá trình kết nối với hệ thống xử lý chuyển mạng trung tâm của Bộ Thông tin - truyền thông để thử nghiệm. Hệ thống báo hiệu cho MNP đang được triển khai dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt ngay trong tháng 10-2017.
Tránh chuyển mạng hưởng khuyến mãi
Cục Viễn thông cho biết việc kết nối kỹ thuật với 3 nhà mạng (Viettel, MobiFone và VNPT) được thực hiện thử nghiệm trong tháng 9-2017 để có thể triển khai theo đúng lộ trình vào tháng 12-2017. Trên cơ sở của thử nghiệm kỹ thuật sẽ xây dựng quy trình khai thác, đặc biệt là quy trình kỹ thuật quy định trách nhiệm của từng doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp sẽ đưa ra quy trình của mình đối với khách hàng.
Theo Bộ Thông tin - truyền thông, nếu nhà mạng nào không thực hiện kịp, bộ sẽ công bố công khai để khách hàng biết và doanh nghiệp nào chưa thực hiện được, vào sau thì sẽ theo các chính sách chung khi tham gia sau này.
Chính sách này sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, nhưng nhà mạng luôn phải đầu tư dung lượng dư thừa. Trung bình trên thế giới khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sẽ có 1 - 5% khách hàng chuyển đổi và thường là khách hàng không hài lòng với nhà mạng.
Về mặt nguyên tắc, bộ đảm bảo cho khách hàng có nhu cầu phải để cho họ chuyển mạng, nhưng khi áp dụng sẽ tính toán để có quy định cụ thể, tránh việc các thuê bao chuyển mạng để hưởng khuyến mãi.
Phải sử dụng 90 ngày mới được chuyển mạng giữ số
Theo dự thảo thông tư chuyển mạng giữ số của Bộ Thông tin - truyền thông, thuê bao di động muốn chuyển mạng giữ số phải thỏa các điều kiện sau:
1. Thông tin thuê bao trả trước phải đầy đủ, chính xác theo quy định. Thông tin thuê bao trả sau cũng phải đầy đủ, chính xác so với hợp đồng đã ký với nhà mạng chuyển đi.
2. Thuê bao đã được nhà mạng chuyển đi kích hoạt ít nhất 90 ngày trước thời điểm đăng ký chuyển mạng.
3. Thuê bao trả sau không nợ cước của kỳ thanh toán cước gần nhất trước ngày đăng ký dịch vụ chuyển mạng. Thuê bao trả sau không sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế trong tháng liền trước hoặc trong tháng đăng ký dịch vụ chuyển mạng.
4. Thuê bao không đang trong quá trình chuyển quyền sở hữu số thuê bao; không vi phạm pháp luật hoặc đang bị điều tra về việc vi phạm Luật viễn thông.
Lợi cho người dùng, thị trường, quản lý
Đây được xem là dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dùng, thị trường và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Các thuê bao di động (trả trước lẫn trả sau) có thể tự do lựa chọn dịch vụ tốt hơn mà không lo bị mất số đang sử dụng (rất ý nghĩa với người dùng số đẹp) hoặc phải đổi số (dùng đầu số của nhà mạng khác). Người dùng cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc các nhà mạng đẩy mạnh cạnh tranh để giữ chân khách hàng cũ cũng như lôi kéo khách hàng mới.
Về thị trường, nhà mạng mới sẽ được xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường; các nhà mạng phải tăng tính cạnh tranh, tạo ra thị trường chất lượng cao. Với cơ quan quản lý nhà nước, việc áp dụng dịch vụ MNP làm gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên kho số và thêm công cụ điều tiết thị trường...
Bộ Thông tin - truyền thông cho rằng thực hiện được đề án chuyển mạng di động không cần đổi số là bước đi hợp lý, phù hợp với xu thế thế giới, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường viễn thông.
Những câu hỏi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dùng nhìn chung hào hứng với chính sách này bởi nó sẽ khiến các nhà mạng phải "nâng chất" mình hơn như: nâng cao chất lượng mạng, chăm sóc phục vụ khách hàng tốt hơn, giá cước rẻ hơn, khuyến mãi nhiều hơn, nhiều chính sách ưu đãi khách hàng... để giữ chân khách hàng hiện hữu và thu hút khách hàng mới.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi khiến người dùng nghi ngại khi chính sách được triển khai thực tế. Anh Hùng Dũng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng: "Việc chuyển mạng giữ số bắt buộc cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà mạng để đảm bảo quyền lợi khách hàng. Nếu không quản lý được, người dùng sẽ bị hành và mất quyền lợi nhiều hơn. Vậy quản lý cơ chế giữa các nhà mạng ra sao? Vừa liên kết vừa cạnh tranh luôn là mối quan hệ khó bền và khó quản".
Ngoài ra, theo quy định dự kiến, khi muốn chuyển mạng giữ nguyên số, các thuê bao di động sẽ phải thanh toán cho nhà mạng chuyển đến một khoản cước dịch vụ chuyển mạng. Nhiều người dùng thắc mắc khoản phí họ phải nộp nếu muốn chuyển mạng là bao nhiêu? Trong thời gian chuyển đổi có bị gián đoạn liên lạc hay không?...
Các nhà mạng cho biết đang tính toán các vấn đề nảy sinh khi chuyển đổi mạng cho khách hàng, đặc biệt là bảo đảm các quyền lợi và thắc mắc của chủ thuê bao nhằm giữ chân hay kéo khách hàng về phía mình.
Người dùng nói gì?
* Chị Trà My (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): "Tôi sử dụng mạng VinaPhone được hơn 10 năm nay nên không muốn mất số vì đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều người thân của tôi đang sử dụng mạng khác và tôi thấy nhà mạng đó vài năm gần đây liên tục có nhiều chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn. Nếu được chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao, tôi sẽ chuyển ngay".
* Anh Minh Trí (Q.7, TP.HCM): "Người dùng có thể "nhảy" sang dùng nhà mạng khác nếu cảm thấy nhà mạng hiện tại đang phục vụ mình không tốt... Chính sách này khiến người dùng được nâng vị thế hơn khi họ có quyền thay đổi lựa chọn chứ không bị "cầm tù" như hiện nay".
* Anh Nguyễn Lương Bằng (tài xế Grab tại Hà Nội): "Các nhà mạng hiện nay đều đua nhau khuyến mãi, hôm nay nhà mạng này giảm cước hoặc tặng 50% giá trị thẻ nạp trả trước thì mai kia các nhà mạng khác cũng làm như vậy. Dùng của nhà mạng nào lâu thì quen cách nạp thẻ kiểu đó rồi, vì thế cũng không muốn chuyển mạng cho lôi thôi".
* Chị Nguyễn Minh Phương (giám đốc điều hành một doanh nghiệp tại Hà Nội): "Việc sử dụng hai số điện thoại của hai nhà mạng khác nhau giúp tôi rất thuận tiện trong việc liên lạc ở những khu vực mạng này hay mạng kia sóng yếu hơn. Đồng thời, tôi luôn được sử dụng cước nội mạng nên với mức độ cần sử dụng điện thoại di động nhiều như tôi sẽ rất tiết kiệm. Vì thế tôi cũng chưa có nhu cầu chuyển mạng dù có được giữ nguyên số".
20 nước đã áp dụng từ lâu
Việc chuyển đổi mạng di động nhưng vẫn giữ số được áp dụng từ lâu tại hơn 20 quốc gia. Tại Thái Lan, chương trình gọi tắt là MNP được triển khai từ năm 2010.
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ MNP Thái Lan, kể từ khi Thái Lan triển khai mạng 3G năm 2013 cho đến đầu năm 2015, đã có khoảng 53 triệu lượt chuyển đổi mạng, chủ yếu giữa ba nhà mạng lớn là AIS, DTAC và True.
Ban viễn thông của Ủy ban Phát thanh truyền hình và viễn thông quốc gia Thái Lan mới đây thậm chí cho phép người dùng có thể chuyển đổi nhà mạng ngay tại các cửa hàng tiện lợi thay vì đến các cửa hàng của nhà mạng.
Quy định mới cũng buộc các nhà mạng giảm thời gian chuyển đổi từ 3 ngày xuống còn 2 ngày, theo báo The Nation.
Tại Mỹ, chương trình chuyển đổi mạng giữ số viết tắt là WLNP được Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) triển khai trên toàn quốc từ năm 2004 bất chấp sự phản đối của một số nhà mạng.
Việc chuyển đổi ban đầu vô cùng phức tạp nhưng sau đó trở nên dễ dàng hơn sau khi FCC vào năm 2009 đã buộc các nhà mạng phải hoàn thành việc chuyển đổi trong một ngày.
TR.PHƯƠNG
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn
(chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):
“Giải phóng” người dùng
Chuyển mạng giữ nguyên số là dịch vụ của nhà mạng cho phép thuê bao đang sử dụng ở mạng này nếu thấy mạng khác có dịch vụ hấp dẫn hơn, chất lượng dịch vụ, phủ sóng tốt hơn có thể chuyển sang làm thuê bao mới mà vẫn giữ nguyên số điện thoại, điều này giúp giảm được tài nguyên, thúc đẩy cạnh tranh, đặc biệt “giải phóng” tâm lý người tiêu dùng từ trước đến nay.
Nay nếu thực hiện việc chuyển mạng giữ nguyên số thì lợi thế này không còn, các nhà mạng muốn giữ chân được người dùng phải cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt, ngược lại, nhà mạng khác muốn thu hút thêm người dùng thì cũng phải cải thiện chất lượng của mình.
Ông Huỳnh Thanh Phi
(chuyên gia marketing):
Làm thị trường phát triển hơn
Nhìn chung quy định mới mang đến cho người dùng nhiều quyền lợi hơn. Nhưng đồng thời việc này cũng tạo ra áp lực lớn đối với các nhà cung cấp dịch vụ di động. Để giữ chân khách hàng, họ buộc lòng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các gói sản phẩm phục vụ người dùng theo từng phân khúc nhu cầu cụ thể, cải thiện chất lượng chăm sóc khách hàng. Những thay đổi tích cực này làm cho thị trường phát triển hơn.
Trong tất cả các lựa chọn để nâng cao cạnh tranh và giữ chân người dùng, tại thị trường VN, giá có lẽ là yếu tố nghĩ đến trước tiên rồi mới đến các yếu tố khác liên quan đến chất lượng.
Nếu không quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, thị trường sẽ loạn về giá.
N.Bình - Đ.Thiện ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận