02/12/2012 05:57 GMT+7

Chuyện "lạ" về 24 cây đước ở Cần Giờ

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Trong khoảng 31.000ha đước bạt ngàn ở khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP.HCM) thì 24 cây đước được ví như những số phận nhỏ nhoi. Thế nhưng những cây đước này lại gây nên bất ngờ về công tác bảo tồn, bảo vệ rừng.

WdMYlTgH.jpgPhóng to
24 cây đước được đánh dấu đỏ nằm trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, muốn đụng đến nó phải xin phép UNESCO - Ảnh: Như Hùng

Để mở rộng, tái hiện, tôn tạo di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM), Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết nhiều khả năng phải “hi sinh” 24 cây đước hơn 30 năm tuổi ở tiểu khu 17.

Thận trọng với từng số phận cây rừng

Mới nghe nhắc đến những cây đước được trồng từ những năm cuối thập niên 1970, đầu những năm 1980, chắc hẳn ai cũng nghĩ đây phải là những cây cổ thụ tỏa bóng mát sum sê, um tùm và lực lưỡng. Nhưng chiều 28-11, khi đi qua Đảo Khỉ thuộc khu du lịch sinh thái Cần Giờ, men theo dòng nước thủy triều vào tận sâu nơi chiến khu Rừng Sác, được tận mắt nhìn thấy 24 cây đước mà đơn vị tôn tạo di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác mong muốn được đốn để mở rộng sàn đứng cho khách tham quan, mới biết rằng suy nghĩ trên có cách biệt lớn với thực tế.

Cây đước lớn nhất trong nhóm này ước chừng có đường kính 60cm, cao khoảng 20m, còn lại phần lớn là cây có bề ngang 30-40cm, cao 15-18m. 24 cây đước này chỉ chiếm diện tích đất rừng rất nhỏ, ước khoảng 100m2.

Sẽ tăng định mức khoán bảo vệ rừng

Sau khi giao việc quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho người dân cùng bảo vệ, năm 2012 UBND TP.HCM đã cấp cho 200 hộ dân cùng bảo vệ rừng mỗi người 200 triệu đồng để xây nhà trên diện tích rừng được giao bảo vệ. TP.HCM đang cân nhắc việc tăng định mức khoán bảo vệ rừng từ 825.000 đồng lên mức 1.150.000 đồng/ha/năm, trong khi mức hỗ trợ của Chính phủ là 100.000 đồng/ha/năm.

Hỏi về việc có nên “hi sinh” 24 cây đước này để mở rộng sàn đứng cho khách tham quan hay không, bà Nguyễn Thị Thơ - một khách tham quan khu di tích căn cứ trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đến từ Mỹ Tho (Tiền Giang) - vui vẻ nói: “Tiếc thì đương nhiên cũng tiếc khi đốn cây, nhưng

cũng cân nhắc cái lợi, cái hại. Cái lợi thì mình thấy rồi, nếu di tích này được tôn tạo rộng hơn, đẹp hơn và bổ sung nhiều tượng đài có ý nghĩa lịch sử hơn thì tất nhiên sẽ thu hút nhiều khách du lịch và cả quảng bá được văn hóa, lịch sử của mình nữa.

Còn cái hại, theo tôi, không có gì đáng kể vì bạn nhìn xem, xung quanh những cây đước kia là bạt ngàn những cây đước khác, to có, nhỏ có, già có, trẻ có. Nên có đốn 24 cây đước này cũng không ảnh hưởng đến sinh khí nơi đây và theo tôi cũng giống như... lấy nước từ đại dương làm muối của diêm dân hiện nay vậy.” Quả thật, khi men theo khoảng 8km đường rạch để vào tận sâu trong di tích trung đoàn 10, chúng tôi cũng đi giữa bạt ngàn rừng đước với những rễ cây trồi lên khỏi mặt nước, mặt bùn đến 1-2m, bám chặt vào đất.

Đước nhiều vô kể. Nhưng không vì sự “nhiều” đó mà người dân, ban quản lý rừng phòng hộ và những đơn vị làm công tác bảo vệ, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên này bừa bãi với số phận của từng cây rừng.

Ông Lê Thanh Liêm, trưởng Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, cho biết: “Một cây rừng bị chặt đi hoặc vì dự án nào đó phải hi sinh, chúng tôi cũng báo cáo lên các cấp có thẩm quyền và Unesco. 24 cây là nhiều rồi, sao lại không báo”.

Còn ông Cát Văn Thành, phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, chia sẻ: “Unesco không quản lý hai, ba hay vài chục cây đước và hằng năm rừng tái sinh nhiều hơn con số này, nhưng cái gì đụng tới cây, rừng... là mình phải thận trọng”.

Có lẽ đây là tư tưởng thông suốt trong việc bảo vệ rừng nên từ cuối tháng 10-2012, trong văn bản số 785/TB-VP, UBND TP.HCM đã yêu cầu UBND huyện Cần Giờ có văn bản báo cáo để chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan Unesco về việc đốn cây và cơ cấu diện tích trồng lại cây mới tại rừng phòng hộ Cần Giờ.

MXHwRgee.jpgPhóng to
Một cây đước (trong số 24 cây) tại khu dự trữ sinh quyển Cần GIờ - Ảnh: Như Hùng

Bảo vệ lá phổi xanh của TP

Việc TP.HCM thận trọng với 24 cây đước khi cả rừng phòng hộ Cần Giờ có đến 31.000ha rừng, chủ yếu là đước, được nhiều chuyên gia về lâm nghiệp và bảo vệ rừng đánh giá cao. Tuy nhiên, với những người trong cuộc thì đó là việc thường ngày.

Ông Lê Minh Dũng - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo trồng rừng và cây xanh của TP - cho biết: “Không phải đến dự án tôn tạo khu di tích chiến khu Rừng Sác, mà nhiều dự án cấp bách như an ninh, quốc phòng... khi lấy đi một diện tích rừng, chúng tôi đều trồng bù lại. Nguyên tắc chung để bảo vệ rừng là có tác động thì phải trồng bù, bất cứ đó là chuyện nhỏ hay chuyện lớn”.

Xuất phát điểm của việc thường ngày đó là phải tuân thủ quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhưng quan trọng hơn là “TP xác định việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển như bảo vệ lá phổi của chính chúng ta. Ở một TP đông dân nhất cả nước này, nếu không có cây rừng và mất dần cây rừng là việc đáng sợ, sẽ làm mất cân bằng sinh thái”.

Năm 2000, rừng phòng hộ Cần Giờ là nơi đầu tiên của Việt Nam được Unesco công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới. 10 năm sau, năm 2010, lần thứ nhất Unesco đánh giá lại việc có tiếp tục trao danh hiệu này cho khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hay không thì nơi đây đều đáp ứng bảy tiêu chí của bốn khung pháp lý của mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới như hệ sinh thái đại diện, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững trên quy mô khu vực...

Không những thế, 33.000ha rừng ngập mặn được đánh giá là quản lý bảo vệ và phát triển tốt với số lượng loài thực vật ngập mặn từ 33 loài lên 37 loài, động vật tăng từ 130 loài lên 145 loài.

Nâng niu giọt mồ hôi của người trồng rừng

Nhiều người khi được hỏi về hành động, ứng xử với 24 cây đước trong rừng phòng hộ Cần Giờ nói trên đều lội ngược dòng quá khứ những ngày đầu trồng rừng để lý giải.

Ông Nguyễn Đình Cương - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, nguyên phó giám đốc Lâm trường Duyên Hải, người trực tiếp tham gia chỉ đạo, trồng rừng những năm 1980 - nhớ lại: Sau chiến tranh, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ gần như bị hủy diệt hoàn toàn, chỉ còn lại một ít cây bụi xơ xác. Theo đánh giá của các nhà khoa học người Mỹ, Việt Nam phải mất cả 100 năm mới mong phục hồi cánh rừng này.

Nhưng theo chỉ đạo của TP, mỗi năm trồng 3.000-4.000ha rừng, huy động 5.000-6.000 người dân, cán bộ các lâm trường nên đã thần tốc trong việc khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ. Và như vậy sau 20 năm, rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở lại đa dạng sinh học như trước.

“Tôi có một thời gian dài ở đó nên hiểu trồng rừng đã khó rồi, bảo vệ lại còn khó hơn. Nên từng tấc rừng hiện nay được bảo vệ nghiêm ngặt” - ông Cương nói. Mặt khác, cánh rừng này là công sức của đồng bào TP. Từ năm 1978-1990, liên tục trong ba tháng 8, 9, 10, người dân và cán bộ lâm trường đã không quản ngại mưa nắng để cấp tập trồng rừng vì “từ tháng 11 trở đi, trái đước bị sâu, không nảy mầm được”.

Mỗi hecta rừng lúc đó trồng đến 10.000 cây và sau khi cây bắt đầu ra 4-6 lá là tổ chức nghiệm thu, cây nào không nảy mầm thì trồng lại. “Chúng ta đã gian khổ để có rừng, nên việc bảo vệ rừng cũng là bảo vệ công sức lao động và giọt mồ hôi của những người từng vất vả trồng rừng” - ông Cương nói.

Vẫn chưa quyết định chặt 24 cây đước

Ông Cát Văn Thành, phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, việc tôn tạo di tích chiến khu Rừng Sác sẽ giao cho Bộ tư lệnh TP. Hiện nay, UBND TP.HCM vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có cho phép đốn 24 cây đước vì mục đích tôn tạo di tích hay không. 24 cây đước này nằm ngay khu di tích căn cứ trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác, thuộc tiểu khu 17, rừng phòng hộ Cần Giờ và được đánh dấu (x) đỏ để khách tham quan và người quản lý dễ phân biệt.

Từ 24 cây đước đến 137ha rừng

Muốn chặt 24 cây đước nằm trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ để tạo khoảng trống xây dựng công trình khu di tích lịch sử Rừng Sác, UBND TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan chức năng cùng chủ đầu tư lập hồ sơ, gửi văn bản lên UNESCO để xin phép.

Sở dĩ có chuyện “phép tắc” ở đây là bởi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào ngày 21-1-2000. Do đó mọi tác động đến khu dự trữ sinh quyền đều phải thông qua ý kiến của UNESCO. Việc làm của UBND TP.HCM cho thấy tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Nghe câu chuyện của 24 cây đước, không thể không liên tưởng đến hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Nếu hai dự án thủy điện này được tiến hành theo kế hoạch, vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên bị mất 137ha rừng. Mà rừng của VQG Cát Tiên nằm trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, cũng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào ngày 28-6-2011.

Chúng tôi đã có dịp đến cả hai nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Ở đó, rừng bạt ngàn xanh ngắt, có những cây gỗ quý hàng mấy vòng tay người ôm và biết bao động vật quý hiếm đang nhởn nhơ sống trong đó. Có thể là khập khiễng nếu so sánh, nhưng trong mắt nhiều người, 24 cây đước chẳng là gì cả so với những thứ đang hiện hữu trên 137ha của VQG Cát Tiên, sẽ bị mất đi nếu thủy điện Đồng Nai 6, 6A khởi công. Như lời khẳng định của UNESCO, khu vực này đã được “cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao về đa dạng sinh học, truyền thống lịch sử và không gian văn hóa”.

Thế nhưng, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi diện tích đất rừng khu vực này để giao cho Tập đoàn Đức Long Gia Lai xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

Bộ dễ dàng thế nên chẳng trách đại diện của Đức Long Gia Lai trong lần trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ đã phát biểu một câu xanh rờn: “137ha rừng thì chẳng thấm tháp gì so với hàng ngàn hecta rừng còn lại của VQG Cát Tiên”!

Chính vì vậy, UNESCO cảnh báo: Việc cho phép xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong VQG Cát Tiên thuộc vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là đi ngược lại những cam kết quốc tế mà VN đã và đang tham gia là phải đóng góp vào việc xây dựng một nền “kinh tế xanh, xã hội xanh” quy mô toàn cầu như khuyến cáo của UNESCO tại hội nghị thượng đỉnh Rio+20 vừa qua ở Brazil. Cuối cùng UNESCO cũng có thêm lời khuyên: “Trong quá trình hội nhập quốc tế, hình ảnh VN nếu chưa được là tấm gương tốt thì không nên là ví dụ không tốt trong trích dẫn của các báo cáo khoa học, báo cáo đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế”.

Cây rừng mà biết đi chắc lũ lượt kéo nhau về Cần Giờ...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp