29/01/2024 12:55 GMT+7

Chuyện lạ Tân Hóa, làng du lịch tốt nhất thế giới - Kỳ 1: Rốn lũ Quảng Bình trên dòng Rào Nan

SƠN LÂM
và 1 tác giả khác

Tháng 10-2023, Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO đã vinh danh Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình là Làng du lịch tốt nhất thế giới.

“Chung cư” trên lèn đá đã giúp 10 người nhà anh Thông và hàng xóm tránh đợt lũ năm 2010 - Ảnh: SƠN LÂM

“Chung cư” trên lèn đá đã giúp 10 người nhà anh Thông và hàng xóm tránh đợt lũ năm 2010 - Ảnh: SƠN LÂM

Tân Hóa là thung lũng rốn lũ được cả nước biết đến trong trận lụt lịch sử năm 2010 với hàng trăm người dân suýt bị cuốn trôi và "đói rét trong hang đá". Nay địa danh này được vinh danh không chỉ bởi hệ thống núi non kỳ vĩ, hang động dày đặc độc đáo, cảnh quan làng mạc tuyệt đẹp mà còn ở rất nhiều điều lạ lùng khác nữa, càng khám phá càng bất ngờ...

Sáng cuối đông, chúng tôi từ thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, men theo con đường bê tông ngoằn ngoèo hướng vào thung lũng với hàng dãy dài núi đá vôi xanh rì, có phần huyền bí.

"Lũ về chừ cứ lên bè mà ở. Heo thì mình làm bè chuối cho lên. Trâu bò thì lùa lên núi. Ai có trâu bò cũng trồng cỏ sữa chỗ núi cao để chúng ăn mùa lũ. Nói chung chừ lũ về to như năm 2020, nước lên nửa nhà, chỉ bị bùn trôi vô nhà là mệt. Nước rút đi phải dọn hai ngày mới xong, mệt chút thôi chớ không còn lo như trước.

Anh Trần Xuân Thông (người dân Tân Hóa)

Ký ức "chung cư" vách núi

Trăm nghe không bằng một thấy, cảnh sắc ở đây lạ lùng ngoài sức tưởng. Những tia nắng mùa đông soi xuống dòng Rào Nan làm nước ánh thêm màu ngọc bích, uốn lượn sâu vào những dãy đá vôi xanh thẳm trùng điệp, tít tận đường chân trời.

Đã xem rất nhiều hình ảnh về Tân Hóa, nhất là sau dịp bộ phim nổi tiếng Kong: skull island trình chiếu năm 2010 được quay bối cảnh ở đây, nhưng phải thừa nhận đôi khi những kỹ thuật phim, ảnh có tốt bao nhiêu đi nữa cũng khó lòng truyền tải được hết vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhất là hương thơm của đất, của những vườn hoa cải trong các mảnh vườn nhỏ xinh trước những căn nhà gỗ nhỏ vương đến.

Khói bếp tỏa lên từ những mái bếp thẫm màu rêu được nắng dệt thành từng vệt nhỏ trôi trong làn khí mát khiến tâm hồn nhẹ tênh.

Sau bao năm rồi mà câu chuyện người dân Tân Hóa đối với khách vẫn xoay quanh trận lũ lịch sử năm 2010.

"Nửa đêm nước dâng, bà nội mình hơn 70 tuổi đã trèo tuốt lên đọt cây trước nhà. Ba mẹ mình nhấc hai em nhỏ lên vai, trèo lên tra (gác trần nhà - PV) được một chút thì nước lên tới, phải dỡ mái ngói trèo ra đứng lên trên nóc.

Nước dâng lên cứ một tiếng thì hơn một thước, khi lên tới miệng ba em thì nghĩ chắc phen này cả nhà chết. May sao tới đó thì nước xuống" - Cao Ngọc Dương, phóng viên ảnh đang làm việc ở TP.HCM, nhà thôn Cổ Liêm, thôn đầu tiên tính từ thượng nguồn sông Rào Nan trong số 6 thôn hiện nay của xã Tân Hóa, kể lại mà vẫn còn rưng rưng nỗi ám ảnh.

Cổ Liêm vẫn nằm ở địa hình khá cao so với các thôn khác, chưa bao giờ người dân ở đây nghĩ nước có thể dâng lên đến mái nhà, cho đến tháng 10-2010.

Nước lạnh ngắt, anh Trần Xuân Thông, người thôn Một, dẫn chúng tôi băng qua sông Rào Nan để đi xem "chung cư" mùa lũ trên núi đá. 54 tuổi, anh vẫn vóc thanh niên: tóc dày, mắt sáng, dáng đi khỏe khoắn hơi khuỳnh khuỳnh hai chân kiểu dân vùng núi quen trèo đèo lội suối.

Sông Rào Nan bình thường rất đẹp và hiền hòa nhưng khi lũ về nước  ngập thung lũng  - Ảnh: SƠN LÂM

Sông Rào Nan bình thường rất đẹp và hiền hòa nhưng khi lũ về nước ngập thung lũng - Ảnh: SƠN LÂM

Một ngày anh hai bận qua lại sông làm rẫy, cho trâu ăn. Rẫy của anh một phần vắt lên sườn núi, phần còn lại thoai thoải phía bờ sông. 7h tới nơi, chị Liệp vợ anh đã làm rẫy từ lúc nào. Cũng như mọi người, chị vượt sông làm rẫy từ 3 - 4h sáng, "tranh thủ làm cho mát trời".

Nói dân vùng núi Quảng Bình chịu "sốc nhiệt" ngày nóng đêm lạnh giỏi hàng đầu thế giới thật không ngoa.

Chúng tôi theo chân vợ chồng anh Thông leo lên dốc núi, băng qua đám cỏ sữa, đến một hốc đá chừng 3m2. "Chỗ tránh lũ nhà tui đây", anh nói.

"Ban đầu, tui đưa ông già lên nằm trên chuồng trâu. Rồi nước dâng lên nữa, phải đưa lên đây. Giăng cái bạt phía trước lèn ni cho mưa đỡ tạt, rồi tổng cộng 10 người ngồi co ro đây chịu đói mấy ngày cho đến khi bộ đội tới thả mì gói xuống", anh kể.

Hồi đó, khi anh Thông đưa người dân trong thôn lên lèn hết thì nhà anh cũng đã chìm hẳn dưới dòng nước.

Cảnh làng quê xinh đẹp, bình yên ở Tân Hóa  - Ảnh SƠN LÂM

Cảnh làng quê xinh đẹp, bình yên ở Tân Hóa - Ảnh SƠN LÂM

"Tui về nhà, lặn xuống buộc mấy cái cột lại cho nhà khỏi trôi. Rứa mà lũ qua, nhà cũng bị lật ngang. Trâu bò đồ đạc chi mùa nớ trôi hết. May mà mình có trồng sẵn mấy bụi sắn gần chân núi, lặn xuống nhổ lên nấu đỡ cho tụi nhỏ ăn cầm cự". Năm đó, nước lên vừa xâm xấp gần miệng lèn đá, may không lên thêm nữa. Hú hồn.

Nước lũ ở Tân Hóa thường năm dâng có nơi quá đọt tre là chuyện thường. Mỗi gia đình, cụm dân cư đều nhắm cho mình một hốc đá trên núi đá vôi gần nhất làm nơi có thể trú náu trong lũ. Nơi may mắn thì hốc đá rộng chút, có chỗ xoay xở.

Nhiều nơi hốc chỉ vừa đủ chỗ cho mấy gia đình ngồi chen chúc suốt mấy ngày nước dâng. Sau này khi nhiều người đi vào thành phố, thấy chung cư, trở về Tân Hóa hay gọi đùa những cái lèn, hốc đá này là "chung cư" mùa lũ.

Mỗi nhà dân tại Tân Hóa giờ đều có nhà bè cặp bên để lên ở khi lũ về  - Ảnh: SƠN LÂM

Mỗi nhà dân tại Tân Hóa giờ đều có nhà bè cặp bên để lên ở khi lũ về - Ảnh: SƠN LÂM

Nhà bè sống chung với lũ

Ngày nay, đi đầu làng cuối ngõ ở Tân Hóa, hầu như mỗi gia đình ngoài ngôi nhà chính để ở, cạnh bên đều có một nhà bè. Sau mùa lũ kinh hoàng năm 2010, vài người trong làng bắt đầu dựng sẵn nhà bè để chống lũ tại chỗ.

"Cái kiểu nhà ni làm giống nhà bè nuôi cá trong Đồng bằng sông Cửu Long. Mấy thanh niên từng vô đó làm ăn, thấy mô hình vừa tiện, cũng rẻ nên làm để sống sót trong mùa lũ. Tới chừ cũng không biết ai làm đầu tiên" - anh Cao Văn Tin, thợ cơ khí thôn Hai, kể nguyên cớ xuất hiện nhà bè chống lũ nơi đây.

Ban đầu, chỉ là những mảnh ván được cố định trên các thùng phuy rỗng kết lại, có mái che bạt để khi lũ về có thể để vật dụng, đồ đạc quý giá lên đó ở tạm. Dần dà, nhà bè được làm to hơn, có cả vách, mái như một căn nhà hẳn hoi và được sử dụng như một nhà kho quanh năm chứa ngô, thóc, sắn... và có thể ở thoải mái trong mùa lũ.

Qua vài đợt lũ, thấy nước chảy xiết, nhà bè lại được cải tiến thêm 4 cột cố định vị trí ở 4 góc nhà. Hễ nước lên thì nhà nổi theo chiều thẳng đứng của cột chứ không trôi đi mất.

"Từ cột gỗ, người ta chuyển qua làm cột sắt. Cột sắt ngắn thì có thể nối thêm nếu nước dâng cao hơn cột. Nhà nhỏ thành nhà to. Vách, mái được hàn chắc chắn không bị dột mà còn ấm. Ăn ở sinh hoạt thoải mái suốt mùa lũ", anh Tin nói khi chỉ căn nhà bè hơn 30m2 làm gần hết trăm triệu đồng trong vườn nhà mình.

Thung lũng Tú Làn bằng phẳng và xanh tươi giữa các dãy núi đá vôi - Ảnh QUỐC VIỆT

Thung lũng Tú Làn bằng phẳng và xanh tươi giữa các dãy núi đá vôi - Ảnh QUỐC VIỆT

Thấy mô hình nhà bè thích hợp để người dân sống trong mùa lũ an toàn, chính quyền địa phương đã vận động thêm nhà hảo tâm nhiều nơi chung tay dựng nhà bè miễn phí cho người dân. Đến nay, đã có 620/735 hộ của Tân Hóa có nhà bè. Đảm bảo 100% hộ dân trong vùng thấp, ảnh hưởng lũ dâng có nhà bè để sinh sống vào mùa lũ.

Cứ một căn nhà lại cặp một nhà bè kế bên mảnh vườn của gia đình đã thành hình ảnh độc đáo của thung lũng Tân Hóa xinh đẹp mà hiếm nơi nào có.

************

Từng có đề xuất dùng chất nổ đủ lớn phá vỡ hang Chuột để thoát nước cho quê hương này...

>> Kỳ tới: Hang Chuột, bí ẩn của huyền thoại

Tân Hóa: Từ rốn lũ đến ngôi làng du lịch tốt nhấtTân Hóa: Từ rốn lũ đến ngôi làng du lịch tốt nhất

Các tour du lịch hấp dẫn này đã giúp Tân Hóa đón 9.437 khách du lịch đến trong chín tháng đầu năm 2023, năm 2022 là 9.304 người.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp