Đường lên cầu Thiết Tràng có góc cua nguy hiểm với hai bên là vực sâu - Ảnh: THÁI THỊNH
Cầu Thiết Tràng ở xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bắc qua sông Kôn là con đường độc đạo qua lại của 1.700 hộ dân thuộc 5 thôn: Hòa Phong, Đại Bình, Tân Kiều, Thuận Đức, Thiết Tràng.
Theo người dân ở đây, để qua sông Kôn, trước kia phải qua cầu gỗ ghép tạm gập ghềnh, mùa mưa thường bị lũ cuốn.
"Nghe tin được cấp kinh phí xây cầu Thiết Tràng mới kiên cố, cả xã ai cũng vui mừng. Nhưng đến khi cầu hoàn thành người dân ngỡ ngàng khi thiết kế cầu mới lại cao chót vót trên cao, vị trí lên cầu thay vì nối thẳng ra đường lớn lại thụt lùi vào bên trong, tạo thành góc cua tử thần" - một người dân thôn Tân Kiều cho biết.
Cũng theo người dân, đường dẫn hai bên cầu hiện có độ dốc cao và gấp khúc cua rất nguy hiểm cho người chạy xe lên cầu.
Cầu Thiết Tràng không được làm thẳng như trước đó mà dịch chuyển đến vị trí có góc cua nguy hiểm - Ảnh: THÁI THỊNH
Ông Đặng Văn Lành - chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ - cho biết phản ánh của người dân là chính xác và trước khi làm cầu Thiết Tràng, chủ đầu tư không lấy ý kiến của người dân xã, không thông qua dự toán thiết kế, xã chỉ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
"Trước thực trạng trên, phương án của xã là kiến nghị bỏ đường khúc cua lên cầu hiện tại và mở một con đường thẳng từ cầu qua vườn nhà dân ra đường lớn dài khoảng 30m" - ông Lành nói.
Ông Lê Từ - giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông Bình Định - cho biết cầu Thiết Tràng do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông Bình Định nhận gói thầu thiết kế và Ban quản lý dự án 3, Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) thẩm định, phê duyệt.
Cầu khởi công ngày 31-1-2019 đến thời điểm hiện tại, đơn vị thi công là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đạt Tiến chưa hoàn thành và bàn giao, hộ lan đường dẫn lên xuống cầu chưa lắp.
Cũng theo ông Từ, cầu Thiết Tràng nằm trong dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), do Tổng cục đường bộ đầu tư xây dựng với kinh phí 10,125 tỉ đồng từ Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay.
Khúc cua đường dẫn lên cầu Thiết Tràng hiện chưa lắp lan can, người dân không dám chạy xe vào ban đêm - Ảnh: THÁI THỊNH
Về lý do thiết kế vị trí cầu như hiện tại, ông Lê Thanh Bảo - giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông Bình Định - cho biết như đề xuất ban đầu cầu Thiết Tràng sẽ có 4 nhịp (mỗi nhịp 33m) làm thẳng như vị trí cầu gỗ cũ.
Tuy nhiên, nếu làm 4 nhịp bài bản thì tốn rất nhiều tiền trong khi kinh phí LRAMP cấp hạn chế. Do đó, thiết kế được duyệt buộc phải "bóp" nhỏ cầu lại thành 3 nhịp và đưa lên vị trí có đường khúc cua hiện tại.
"Còn lý do cầu phải xây cao như hiện nay là bởi dự án LRAMP là xây cầu vượt lũ dân sinh nên họ yêu cầu rất khắt khe về các tiêu chí vượt tần suất lũ mỗi năm, nếu không đảm bảm độ cao LRAMP sẽ rút vốn đi làm chỗ khác, nên không thể làm thấp theo yêu cầu của người dân mình được" - ông Bảo giải thích thêm.
Cầu gỗ Thiết Tràng cũ bắc qua sông Kôn đã được di dời qua vị trí khác - Ảnh: LÊ BÌNH
Cũng theo ông Bảo, theo thiết kế, cầu Thiết Tràng có hộ lan hai bên cầu, tuy nhiên do nhà thầu có một số vấn đề trục trặc về tài chính nên chưa làm được.
"Hiện các đơn vị chức năng đang yêu cầu nhà thầu gấp rút hoàn thành hộ lan hai bên đoạn cầu cho đường ngay và độ dốc an toàn, xây thêm hành lang an toàn cầu" - ông Bảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận