18/09/2021 09:33 GMT+7

Chuyện lạ ở bản 'Robinson' - Kỳ 3: Xóm tôi 3 đời không đi học

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Chị Cáy chỉ mong có cô giáo đến Đề Chia dạy học, chị muốn các con có cái chữ để sau này bớt khổ.

Chuyện lạ ở bản Robinson - Kỳ 3: Xóm tôi 3 đời không đi học - Ảnh 1.

Các em mong được đi học để biết thế giới bên ngoài vách núi - Ảnh: VŨ TUẤN

"Con tôi là Vàng Thị Già chứ? Sao bác sĩ bảo nó tên là Vả?" - Vàng Mí Vừ không biết chữ, không nhớ lúc khai sinh cho con ghi tên gì, tròn mắt thắc mắc với cán bộ y tế. 

Xóm bờ sông của bản Đề Chia (xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) gần như không biết chữ, lũ trẻ lít nhít vô tư cười đùa trong lùm ngô, vách đá.

Tuổi thơ lít nhít trong vườn ngô, vách núi

Vàng Thị Sính gò lưng đeo chiếc gùi đầy quần áo rảo bước nhanh qua nương ngô. Đứa em trai Vàng Mí Lủng vừa chạy theo, vừa khóc đòi theo chị. Sính và năm, sáu đứa khác trạc tuổi tay cầm cần câu, lưng đeo gùi quần áo thoăn thoắt đi xuống con đường hiểm trở trên vách đá. Sáng nào cũng vậy, chúng hẹn nhau xuống sông Nho Quế giặt quần áo rồi chơi đùa dưới sông chán chê mới về.

Lũ trẻ không nói được tiếng phổ thông, hỏi gì bọn chúng cũng chỉ có câu "chi páo" (không biết). Tôi rút trong balô mấy chiếc bánh lương khô chia cho tụi nhỏ. Vàng Mí Lủng không khóc nữa, đồng ý cùng tôi đưa về nhà.

Căn nhà ván gỗ và phên tre xơ xác ở đầu xóm. Thấy Lủng về, bà nội giúi vào tay Lủng quả ngô luộc còn bốc khói nghi ngút. Bữa sáng của nhà Lủng là ngô luộc, bữa trưa, bữa tối cũng là mèn mén (bột ngô hấp) chan với nước lã.

Lủng có 5 anh chị em, sống với mẹ và bà nội. Bố Lủng vừa mất vì trượt chân ngã ngay trên con đường về xóm. Chị Cáy, mẹ Lủng, kể bữa đó chồng chị vượt núi sang điểm chính của bản Đề Chia xin rau về ăn. Đất toàn đá ở xóm này gần như chỉ có cây ngô sống được, cây bí, cây đỗ không chịu mọc. "Nó ăn mèn mén nhiều, nó bảo thèm rau, nó sang nhà anh em xin về ăn - chị Cáy kể - rồi nó ngã chết ở cái dốc kia kìa".

Dân bản có người đi làm nương hôm ấy thấy anh Tủa theo "đường chính" của bản vượt núi đến trung tâm bản Đề Chia. Lúc về đã gần trưa, đến con dốc đầu xóm Tủa dừng lại nghỉ nhưng không hiểu vì sao trượt chân... Con đường dốc, toàn đá tai mèo. Chiều hôm ấy, dân bản tìm thấy Tủa nằm trong hốc đá, người nát tươm, đầy máu. Bên đường, túi rau bí Tủa đi xin còn tươi, người ta nhặt về tối hôm ấy bỏ vào nồi canh cúng ma cho Tủa.

Chị Cáy một mình nuôi năm đứa con và bà mẹ chồng. Đứa lớn nhất lên 10, không đi học, hằng ngày hộ chị làm cỏ ngô, se lanh và trông em. Đứa nhỏ nhất lên 4, ngây ngô cười khach khách, rúc vào nương ngô chơi đùa với lũ trẻ quanh xóm.

Chị Cáy mới đi giúp đám nhà Mí Thề về. Người Mông trong vùng hễ nhà nào có việc thì cả bản xúm vào giúp. Chỉ cần có quen biết, họ cũng vượt núi đến không một tiếng phàn nàn. Những ngày làm cái thang bắc lên vách núi ở bờ sông, không ngày nào Cáy không có mặt. Lúc Cáy chặt cây, lúc Cáy phá đá, gùi đồ... cùng dân bản. Đến tối lại về tranh thủ se lanh, làm việc nhà. Chị Cáy chỉ mong có cô giáo đến Đề Chia dạy học, chị muốn các con có cái chữ để sau này bớt khổ.

Chuyện lạ ở bản Robinson - Kỳ 3: Xóm tôi 3 đời không đi học - Ảnh 2.

Những đứa trẻ ở Đề Chia suốt ngày quanh quẩn vườn ngô, vách đá - Ảnh: VŨ TUẤN

Lớp học bỏ hoang

Chủ tịch xã Cán Chu Phìn Quan Thị Nhung tiếc nuối kể về lớp học đầu tiên của người dân Đề Chia bên vách núi thiêng. Đó là dãy nhà cấp 4 của công trường thủy điện Nho Quế 2. Khi nhà máy khánh thành, chính quyền đề nghị dùng ngôi nhà ấy để làm điểm trường cho trẻ em xóm bờ sông của Đề Chia.

Bản Đề Chia đã có một điểm trường ở trung tâm thôn, nhưng riêng trẻ ở xóm bờ sông này muốn đi học phải vượt núi. Người lớn đi bộ mất gần hai tiếng, lũ trẻ không thể sang đó học được. Lớp học dưới bờ sông được mở, dân bản vui lắm, bọn trẻ được học cái chữ! Chỉ có cô giáo phân công dạy điểm trường ấy là những ngày đầu phải khóc. Đường quá xa, nhà trường vận động mãi mới có người chịu đi.

"Lớp học mầm non ngày đầu được 8 trẻ, các lớp ghép của cấp I được 7 trẻ. Sáng nào người xóm bờ sông cũng dắt con leo qua mấy cây gỗ cheo leo, nguy hiểm bắc tạm trên vách núi để xuống lớp học. Đến chiều lại leo lên con đường ấy về nhà" - bà Nhung kể. Hồi ấy chưa làm cầu thang sắt như bây giờ, chỉ có mấy cây gỗ gá tạm vào nhau như "cầu khỉ" để người dân lẫn cô giáo leo trèo vào xóm này.

Bập bõm học được vài tháng thì trẻ thưa dần. Hễ nhà có việc, người lớn không đưa đi được là chúng nghỉ, trốn trong nương ngô chơi với nhau. Có hôm lớp vắng quá cô giáo lo, cô lại trèo qua mấy cây gỗ bắc tạm lên xóm để tìm học sinh đi học. Đứa trốn trong hốc đá, đứa trèo lên gác bếp, cô gọi xuống, mặt mũi quần áo đen thui vì bồ hóng.

Thế rồi lớp học bờ sông cũng phải đóng cửa. Người lớn không phải đưa con qua mấy cây gỗ bắc tạm bên vách núi nữa. Nhưng trẻ con lại không được học chữ. Họ hy vọng đến ngày nào đó bán được bò, bán dê, mua được mảnh nương khác, làm nhà nơi khác gần trường học.

Cả xóm bờ sông của Đề Chia chỉ có dăm người biết ít cái chữ. Vàng Mí Tủa, Lầu Mí Sếnh, Vàng Mí Sếnh... đọc vấp váp được chữ, mua nương, làm nhà ở nơi khác hết cả. Còn lại ở bản chẳng ai cần dùng chữ làm gì nữa. Họ chỉ mong có cô giáo đến bản, ở với họ, dạy chữ cho con cái họ. Nhưng cái đường vào bản khổ quá, lại không điện, không đường, không lớp học..., chẳng ai ở lại xóm bờ sông dạy chữ cho lũ trẻ.

Lầu Mí Sếnh, 28 tuổi, đã có 3 đứa con, không biết chữ nhưng vẫn biết dùng điện thoại vì dùng lâu nên quen. Sếnh đi chợ, đi Trung Quốc làm thuê nhiều, nói tiếng phổ thông bập bõm. Cả năm trồng một vụ ngô chỉ đủ ăn, nhà Sếnh có thêm một con bò, vài con lợn, nhưng tiền chi tiêu lúc nào cũng thiếu. Mấy năm trước anh đi làm thuê bên Trung Quốc cũng có thêm đồng ra đồng vào, giờ có dịch không đi làm ở đâu được.

Lứa tuổi Sếnh ở xóm bờ sông này có hơn chục người, chỉ vài người đi học lớp phổ cập ở bờ sông trước đây biết cái chữ, đi làm ăn rồi mua nương, mua nhà nơi khác hết.

Nghĩ đến cái chữ, Sếnh chỉ thở dài. "Không có tiền mua nhà chỗ khác thì trẻ con không đi học được, ở đây đi học xa lắm. Chỉ muốn có cái lớp học ở gần thôi" - Sếnh bộc bạch. Nghe nói xã đã đi khảo sát rồi, dân bản sẵn sàng tìm đất, hộ nhau phá đá làm nền lớp học. Lại còn phá đá, mở đường để xe máy vào được bản nữa. Xóm bờ sông mấy ngày này vui lắm, vừa có cầu thang thay cho cầu khỉ, lại sắp có đường xe máy, có lớp học.

Gấp rút mở lớp học ở Đề Chia

Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn Lương Vũ Khoa cho hay ngay khi làm xong đường bêtông để xe máy đến được nhóm 23 hộ ở thôn Đề Chia, địa phương sẽ xây ngay điểm trường để trẻ được đi học. Khảo sát bước đầu ở bản có 24 cháu trong độ tuổi đến trường chưa được đi học. Trước mắt, xã phối hợp với các nhà hảo tâm xây lớp học mầm non để trẻ đủ tuổi sẽ "đôn" lên học theo chương trình chuẩn. Còn lại những trẻ 6-14 tuổi sẽ tổ chức cho các em học lớp xóa mù chữ. Dù chỉ biết đọc, biết viết vấp váp, các em cũng sẽ hơn đời cha anh mình. Đi làm xa, chúng sẽ không còn sợ lạc đường vì không biết chữ nữa. Và chúng cũng sẽ hãnh diện biết ký vào sổ lương.

---

"Xây lớp học thì lấy đất nhà mình nhé!" - Vàng Mí Vừ nói qua điện thoại với cán bộ xã Cán Chu Phìn. Vừ đang làm thuê ở Hà Nội, mấy hôm nữa về anh ra xã làm giấy tờ sau. Có lớp học là ước mơ của ba thế hệ người dân xóm bờ sông.

Kỳ tới: Phá đá, gieo trồng con chữ

Chuyện lạ ở bản Chuyện lạ ở bản 'Robinson' - Kỳ 1: Vách núi thiêng, vực sâu và thầy cúng ma

TTO - Bản Đề Chia, xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) chênh vênh trên vách núi giữa một bên là núi đá, một bên là vực sông Nho Quế.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp