16/09/2021 13:20 GMT+7

Chuyện lạ ở bản 'Robinson' - Kỳ 1: Vách núi thiêng, vực sâu và thầy cúng ma

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Bản Đề Chia, xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) chênh vênh trên vách núi giữa một bên là núi đá, một bên là vực sông Nho Quế.

Chuyện lạ ở bản Robinson - Kỳ 1: Vách núi thiêng, vực sâu và thầy cúng ma - Ảnh 1.

Thầy mo thổi khèn trong đám tang ở Đề Chia - Ảnh: VŨ TUẤN

Đường về bản phải leo qua những chiếc thang trên vách đá cao hàng trăm mét. Họ sống tách biệt ở vách núi thiêng lâu đến nỗi một số người không biết cả tiếng phổ thông như những "Robinson" của người Mông.

Thang sắt mới làm xong nhưng con đường vách núi vẫn không dành cho người yếu tim, sợ độ cao. Tiếng gió rít qua khe cầu thang rin rít như người tập thổi kèn lá. Dưới chân, hẻm vực sâu hun hút khiến người yếu tim không dám đi qua con đường này.

Trèo vách núi về bản

Con đường lên xóm xa nhất của bản Đề Chia, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) dốc ngược lên vách núi. Một bên là đập thủy điện sông Nho Quế 2, một bên là vách núi sừng sững. Khoảng núi chênh vênh ở giữa có 23 hộ dân sinh sống. Họ tự gọi khu vực này là Đề Chia "B". Từ đây, vượt núi sang trung tâm bản Đề Chia mất gần hai giờ đi bộ.

Khu vực này có hai con đường dốc khủng khiếp. Một đường lên bản Mèo Qua, gọi là "đường chín thang", đường còn lại lên bản Đề Chia gọi là đường "cầu khỉ" vì phải trèo như khỉ qua những đoạn cầu gỗ. Nhiều đoạn đi trên con đường này nằm sát mép vực, không dành cho người yếu tim.

Thào Mí Thà - phó bí thư Đoàn xã Cán Chu Phìn - chăm chú nhìn căn chòi lợp tôn trước cổng đập thủy điện Nho Quế 2: "Trên bản có việc hay sao mà người ta vào nhiều quá". Nói rồi Thà xốc túi đồ phăm phăm bước lên bậc đá gập ghềnh.

Đường mới được sửa, nhiều bậc đá đã được gia cố thêm ximăng, màu vữa còn xanh thẫm, mới nguyên. Chỉ cách đây hai tuần, hàng chục người cả thợ thuyền, dân bản và thanh niên trong xã hò nhau khuân vác ximăng, sắt thép, máy móc lên đây. Những đoạn nguy hiểm nhất đã được làm cầu thang sắt, có tay vịn. Nhưng những bậc đá vẫn dốc ngược. Người đứng dưới chân thang ngẩng đầu nhìn người ở đầu thang phải lấy tay giữ mũ cho khỏi rơi.

Thào Mí Thà thở hổn hển: "Cầu thang này được các bạn làm YouTuber trẻ và cả cán bộ xã, huyện kêu gọi ủng hộ. Làm được thế này mất gần một tháng, nguyên tiền sắt mất cả trăm triệu. Anh mà đến lúc hai tháng trước em không dám đưa anh đi, nguy hiểm lắm".

Sau hai lần nghỉ lấy hơi, chúng tôi cũng lên tới những bậc thang nguy hiểm nhất trước đây. Chiếc thang sắt rộng chừng một cẳng tay, cột trụ bằng sắt chôn vào vách đá. Trước khi được làm thang sắt, đoạn đường này chỉ vừa một bàn chân. Một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách đá. Vài cây gỗ đã ải gác qua mỏm đá tai mèo, vết tích còn sót lại của cây "cầu khỉ" trước đây.

Tôi không thể lý giải nổi vì sao những đứa trẻ trên bản ngày nào cũng gùi quần áo xuống sông Nho Quế giặt giũ qua con đường này. Nhiều mỏm đá tai mèo bên vách núi bóng nhẵn, chỗ người dân bám vào để đi qua trước đây. Chỉ một sơ suất nhỏ không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở vách núi cao cả trăm mét.

Gió rít qua khe cầu thang như tiếng trẻ con tập thổi kèn lá, chúng tôi không dám nhìn xuống dưới vì cảm giác chóng mặt. Mí Thà giục tôi đi nhanh, lên đến nương ngô mới dám nghỉ.

Chuyện lạ ở bản Robinson - Kỳ 1: Vách núi thiêng, vực sâu và thầy cúng ma - Ảnh 2.

Tục ma chay của người Mông - Ảnh: VŨ TUẤN

Cúng ma trên vách đá

Leo hết con đường bên mép vực là một khoảng đất thoải. Bên trên vẫn là núi đá cao vút. 23 nóc nhà lúp xúp như "ốc đảo Robinson" giữa bốn bề xanh ngắt lá ngô, xen lẫn màu xám đen đá núi. Đây là xóm xa nhất của thôn Đề Chia. Người trong bản đi bộ vượt núi hơn một tiếng nữa sẽ đến trung tâm thôn. Con đường vượt núi cũng gian nan chẳng kém con đường "cầu khỉ" xuống bờ sông Nho Quế.

Cả xóm hôm nay tập trung ở nhà Vàng Mí Thề. Nhà Thề có người chết, Thề mổ một con bò, sáu con heo làm lễ theo tục lệ cúng ma của người Mông. Người chết đã "treo" trong nhà hơn hai ngày, gần đến lúc đưa ma, thầy mo đưa ra nương ngô trước cửa nhà.

Tiếng khèn, tiếng khóc ri rỉ vọng vào vách núi. Hai chảo thắng cố mắc trên chiếc bếp kê bằng đá bốc khói nghi ngút. Người trong bản tập trung về đây ăn thắng cố, mèn mén, uống rượu chia buồn cả ngày với gia chủ. Giữa đám đông, hai thân hình ngã vật xuống đất, vài thanh niên bản khiêng người say vào luống ngô tránh nắng rồi tiếp tục uống rượu.

Cả phụ nữ, đàn ông đều uống rượu. Họ nắm tay chủ nhà, rung rung nói chuyện hồi lâu. Người Mông trong vùng quan niệm hễ nhà nào có người chết, họ sẽ đến giúp, uống rượu, nói chuyện để người nhà quên đi nỗi buồn mất mát.

Vừ Mí Pó - người cùng xã - mặt đỏ gay, hai mắt mờ đục vì men rượu lảo đảo thổi một điệu khèn. Đàn ông người Mông không khóc than trước người chết, họ thổi khèn như gửi gắm tình cảm của mình.

Nhiều người khác mang trứng, thịt đến nhờ thầy mo "bón" hộ cho người đã khuất. Tục lệ "bón" cơm thực ra là nhờ thầy mo cầm thịt, trứng hay mèn mén làm lễ, chao qua trước mặt người chết để báo có người cho ăn. Lúc chôn, người ta cũng chôn cùng một bát thắng cố đầy, một nồi cơm đầy và một nồi mèn mén đầy.

Người trong bản cũng mang gạo, ngô, gà góp cho chủ nhà. Có nhà khá khẩm còn mang cả heo đến giúp. Vàng Mí Thề cho hay cha anh ốm, đi viện suốt ba tháng. Thề bán bò, bán dê để chữa chạy cho ông. Bệnh viện trả về, anh trai Thề là Vàng Mí Tủa mua một con gà sống, mời thầy mo cúng ma cho cha khỏe nhưng ông vẫn không qua khỏi.

Đám ma ở nhà Vàng Mí Thề không treo người chết trong nhà nhiều ngày mà chỉ treo hơn hai ngày. Gần đến giờ đi chôn thì mang ra quàn ở mảnh nương ngô trước nhà.

Cúng ma ít ngày như Vàng Mí Thề đỡ tốn kém hơn, ở bản bên người ta cúng bảy ngày. Năm trước, ở Mèo Vạc, nhà nào có người chết mà chôn trước 48 giờ còn được Nhà nước cho 10 triệu đồng và cái bếp gas. Nhiều người vẫn không nghe, giết bò, giết heo, làm ma theo tục lệ.

Lúc mặt trời khuất sau phía đầu nguồn sông Nho Quế thì dân bản khiêng cha của Thề đi chôn. Cái huyệt chỉ sâu đến đầu gối, xung quanh toàn đá, dân bản dùng ván ghép thành quan tài ngay dưới huyệt. Họ lót hàng chục lớp vải lanh, chôn cùng một cái chõ gỗ chứa đầy mèn mén, thịt bò và cơm. Thầy mo làm lễ rồi đặt thêm lên mộ một ấm nước, một cái muôi gỗ, một cái cuốc, một cái nỏ, một con dao.

Lễ xong thì trời tối, cả bản lục tục kéo nhau về nhà Vàng Mí Thề. Chảo thắng cố giữa nhà vẫn sôi ùng ục. Họ lại uống rượu. Những câu chuyện về người đã khuất, về cuộc mưu sinh ở cái bản cheo leo trên núi râm ran suốt đêm...

Bản Đề Chia, xã Cán Chu Phìn, cách trung tâm Mèo Vạc (Hà Giang) hơn 20km. Từ trung tâm của bản đến nhóm 23 hộ dân phía vách núi bên bờ sông Nho Quế có hai đường vào. Một đường vượt núi theo đường mòn độ cao hơn 1.000m, người dân phải đi bộ gần hai giờ đồng hồ hoặc vòng qua bản Mèo Qua cách khoảng 5km, trời mưa xe máy không vào được.

Một đường phải đi vòng qua xã Khâu Vai, rồi đi dọc bờ sông, theo đường đến Nhà máy thủy điện Nho Quế 2 (quãng đường gần 40 cây số), rồi men theo vách đá cao hàng trăm mét.

Ông Lương Đình Khoa - bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn - cho hay chính quyền đã sắp xếp được nguồn vốn xã hội hóa làm đường để xe máy về đến nhóm hộ sát bờ sông Nho Quế. Chính quyền đã nhiều lần vận động nhóm hộ phía bờ sông chuyển về ở trung tâm bản, nhưng vì tập quán canh tác, họ vẫn bám vách núi sinh sống.

**********

Ở Đề Chia không có cái cán cuốc nào dài quá một cẳng tay. Dân bản trồng ngô dùng cuốc ngắn không bị vướng vào đá.

>> Kỳ tới: Kiếm miếng ăn trên vách núi thiêng

Chuyện lạ chúa sơn lâm giữa thành phố: Xe duyên thằng Xám, con Mi, Lem, Luốc... Chuyện lạ chúa sơn lâm giữa thành phố: Xe duyên thằng Xám, con Mi, Lem, Luốc...

TTO - Các chàng và nàng "mèo bự" cào nhau để... giao duyên. Nếu ưng, đôi chúa sơn lâm sẽ "lâm trận" cách khoảng 15 phút/lần và mỗi lần kéo dài 10 - 30 giây trong liên tục 5 ngày. Giao phối xong, chàng hổ phải nhanh né ra, nếu không sẽ bị nàng... đánh

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp