Người thiểu số ở huyện A Lưới bán các loại nông sản nuôi trồng hoặc khai thác được từ rừng - Ảnh: THÁI LỘC
Giữa màn đêm dày đặc sương mù, từng nhóm người từ các nẻo đường gùi hàng về phía trung tâm thị trấn A Lưới.
Chuyên nghiệp như người Kinh
Khu chợ vùng cao nằm trên đường Hồ Chí Minh này đông từ khoảng 4h sáng, nơi tập trung nông sản quanh vùng. Họ bày hàng sát cạnh nhau thành dãy dài hai bên đường, ngoài những sản vật nuôi trồng được, có khá nhiều thứ khai thác từ rừng như măng tươi, hoa chuối, tiêu hay các loại rau rừng cho đến các loại tôm, cua, cá đánh bắt từ các khe suối...
Trước giờ, chúng tôi vẫn tin chủ yếu thương lái người Kinh từ miền xuôi gom hàng đưa về phố thị. Thực tế cho thấy nhiều người thiểu số mua bán hàng chuyên nghiệp, trong đó có nhiều .
"Người Tà Ôi buôn bán ở đây nhiều lắm, mà họ buôn giỏi có khi hơn cả người Kinh dưới xuôi của mình lên đây nữa đó!" - bà Đoàn Thị Hoa, một dân buôn gốc ở chợ Tuần, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) đang buôn bán ở A Lưới, nhận xét.
Chúng tôi tìm gặp "nậu Nghệ" là chủ một vựa nông sản vùng cao có tiếng, chuyên gom nông sản không chỉ tại khu chợ này mà còn ở nhiều xã của huyện A Lưới dọc dài trên tuyến Hồ Chí Minh gần cả trăm cây số.
Tên thật chị là Ker Thị Nghệ, người Tà Ôi, ở xã A Ngo, nay ngoài 50 tuổi nhưng có đến 40 năm kinh nghiệm buôn bán.
Từ nhỏ, chị Nghệ đã ra chợ phụ mẹ buôn bán để nuôi nấng đàn em. Chị cũng biết rằng người Tà Ôi xưa vốn có nhiều người buôn bán tài ba, đặc biệt là đàn ông, họ đi như con thoi giữa miền ngược và miền xuôi nên rất giàu có.
Ban đầu thấy người miền xuôi lên gom hàng, Nghệ nảy ý thu mua thơm (khóm) rồi thuê xe tải chở về Huế, trải bên vỉa hè ở trung tâm thành phố bán cho người đi đường, to cũng như nhỏ đều đồng giá. Trật tự đô thị đến, Nghệ vờ không biết tiếng, cứ ấm ớ, khua tay khua chân một hồi, chán họ bỏ đi.
Những lần buôn chuyến đầu tiên ấy đem lại những kinh nghiệm quý là phải định giá theo to/nhỏ, tốt/xấu, ngon/dở, không như cách bán đồng giá của bà con buôn làng Tà Ôi lúc ấy. Dần dà, chị liên hệ mối lái chợ Đông Ba và các vựa nông sản lớn của Huế, tự mình chọn gom hàng, thuê xe chuyển cho họ.
Cho đến nay, bạn hàng thường xuyên của chị Nghệ ở rất nhiều nơi, kể cả Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Mặt hàng của chị đủ các loại đặc sản, từ nông thủy sản tự nhiên vùng núi như tiêu, măng, hoa chuối, rau rừng, cua, tôm cá, ốc... đến các loại nông sản của người miền thượng như gà qué, gạo nếp, đậu mè, các loại củ quả...
Khi có hàng gì ngon, chỉ cần bạn hàng "alô" là chị "ok" chuyển hàng đi ngay.
Bé A Tiêng Thị Hà, mới học lớp 8 nhưng đã biết buôn bán - Ảnh: THÁI LỘC
Buôn xuyên quốc gia
Đi sâu trong các bản làng của người Tà Ôi, chúng tôi nghe kể rất nhiều câu chuyện về những chuyến hàng xuyên biên giới từ Campuchia, Lào băng rừng núi sang Đà Nẵng, Quảng Nam hay Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và ngược lại...
Ông A Có ở xã A Đớt kể hơn 40 năm trước khi còn ở bản I Reng sâu trong đất Lào, ông mấy lần theo cha mẹ và mấy người bạn đi buôn. Hàng hóa đưa đi gồm: thuốc lá, ớt, tiêu rừng, vỏ quế, vỏ cây "troi" (ăn trầu), cau khô, có khi thêm thổ cẩm zèng, vàng cám, trầm hương...
Họ gùi hàng ngược sông A Sháp mất 3-4 ngày lên thung lũng A Lưới để gặp bạn bè biết tiếng Kinh rồi cùng băng rừng đi thêm 4-5 ngày nữa mang hàng đến chợ Tuần, chợ Đông Ba và khu Gia Hội để đổi hoặc bán.
Họ mua nhiều loại trang sức bằng đá quý (chuỗi hạt cườm, vòng hạt mã não...), một số loại "của cải" (bạc thỏi, chum, ché, nồi đồng, mâm đồng, chiêng, thanh la...) cùng vải vóc, sợi dệt, đặc biệt là mắm muối và bột ngọt...
Xong, cả đoàn tiếp tục men ngược sông Hương, băng rừng lên A Lưới rồi về sâu đất Lào. Mỗi chuyến đi như vậy dài hơn nửa tháng trời.
Trong công trình nghiên cứu công bố gần đây của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và TS Rie Nakamura (ĐH Utara, Malaysia), các tác giả ghi nhận chuyến đi buôn của ông Quỳnh Hoàng, một người Tà Ôi ở A Lưới, vào thập niên 1940:
"Ông Hoàng được một người bạn báo tin có người ở tỉnh Attapeu bên Lào cần một cái nồi đồng lớn, ông đã đi xuống chợ Tuần (Huế) tìm mua cái nồi đồng. Sau đó, ông cùng một nhóm người Tà Ôi khác đi bộ đến Attapeu ở Nam Lào (mất khoảng hai tuần).
Khi gặp người cần mua nồi đồng, ông đổi nồi lấy một ché cổ quý rồi gùi về lại mường Tà Ôi ở tỉnh Salavan để đổi lấy 50 tấm thổ cẩm zèng. Ông mang số thổ cẩm về làng và chia cho những người bà con nghèo vì họ không có khả năng mua được zèng".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế), "kết quả khảo sát ở khu vực phía tây Thừa Thiên - Huế cho thấy những tộc người thiểu số nơi đây (Tà Ôi, Pa Hy, Bru - Vân Kiều...) là các "thương nhân giàu truyền thống".
Từ nhiều thế kỷ trước, họ đã tham gia và thủ đắc một cấp độ quan trọng trong mạng lưới giao thương mang tính liên vùng, liên khu vực. Mạng lưới này, trong nhiều giai đoạn là sinh lộ, là nền tảng cho sự tồn tại của giao thương ven sông vốn được điều phối bởi những người miền xuôi!".
“Nậu” Nghệ - chủ vựa hàng nông sản ở A Lưới - Ảnh: THÁI LỘC
"Năng động"
Học giả người Mỹ Bennet Bronson cho rằng nền tảng kinh tế/sự giàu có của các quốc gia "Đông Nam Á hải đảo" căn cứ trên sự lưu thông hàng hóa dựa vào mạng lưới giao thương tập trung ở các chợ miền xuôi nằm bên những dòng sông lớn, rồi chuyển dần về các cảng thị vùng cửa sông để hòa vào mạng lưới thương mại Biển Đông.
Tuy nhiên, qua quá trình thực địa ở chợ Tuần ven đầu nguồn sông Hương của Huế và vùng người Tà Ôi ở A Lưới, hai tác giả Trần Kỳ Phương và TS Rie Nakamura đã phát hiện một số điểm khác biệt với nhận định nói trên khi cho rằng người miền thượng "là những năng động, họ không trung thành với chỉ một hệ thống giao thương ven sông nào, mà bản thân họ đã sở hữu các mạng lưới trao đổi khác với nguồn hàng và những bạn hàng đa dạng hơn".
Kỳ tới: Nữ tiến sĩ Tà Ôi đầu tiên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận