Gốc xoài cổ thụ mấy người ôm không kín - Ảnh: CHÍ CÔNG
Từ chùa Xiêm Cán đi về hướng Nhà Mát (Bạc Liêu) khoảng 200m, phía xa đã thấy sừng sững "cụ" xoài cổ ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông đang vào mùa ra hoa đậu trái nở rộ cả góc trời.
Mạch nước ngầm cứu dân
11h, mặt trời gần đứng bóng. Chúng tôi đến ngay lúc ông Trần Chí Quang, ban trị sự chùa Ông Bổn ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tiếp đoàn du khách đến tham quan. Ngoài 70 tuổi, ông đã trải qua 7 nhiệm kỳ ban trị sự chùa, có thể kể tường tận nguồn gốc cổ thụ này.
Ông Quang nghe ngoại mình truyền kể hơn ba thế kỷ trước, người Hoa, người Khmer và người Kinh dần đến các vùng ven biển Hà Tiên, Rạch Giá (Kiên Giang), Bạc Liêu, Cà Mau khẩn hoang, lập ấp sinh sống. Khi lưu dân đến vùng đất Vĩnh Trạch Đông thì đã có cây xoài tán rộng, gốc to một người ôm không xuể.
"Cụ" xoài hơn 300 tuổi đã được xếp hạng cây di sản Việt Nam - Ảnh: CHÍ CÔNG
Ban đầu, cư dân thưa thớt nên ít ai để ý đến "cụ" xoài. Sau này, dân dần đông lên. Ở gần biển, sản vật nhiều nên lúc đó tổ tiên ông Quang cũng như mọi người ít lo đến cái ăn, nhưng họ lại đối mặt với tình cảnh khát nước ngọt sinh hoạt. "Tôi nghe ngoại kể hồi đó nước ngọt quý lắm. Mọi người chia nhau xô nước để uống mà" - ông Quang nhắc nhớ.
Tháng 7, tháng 8 hằng năm, trời bắt đầu đổ mưa. Gia đình ông Quang dùng hết lu, thùng trong nhà để hứng nước mưa - cái mà các cụ cao niên địa phương xưa gọi là "lộc trời ban" cho dân sống vùng biển mặn. Nhưng vẫn không đủ nước, gia đình ông Quang chỉ dám nấu ăn uống chờ qua mùa khô hạn.
Chuyện đào giếng lấy nước ngọt được các cụ làm mọi cách, nhiều người đào hoài mà nước ngọt cũng không thấy. Do đó, các cụ cao niên địa phương đã dùng kinh nghiệm dân gian "chọn cây khai thủy", và cây xoài cổ thụ này chính là điểm thích hợp để mọi người tìm mạch nước ngầm.
"Kỳ lạ là trời ban cho dân mạch nước ngọt ở ngay dưới gốc "cụ" xoài. Ngoại tôi kể, các cụ chỉ đào giếng bề ngang khoảng 3m, sâu hơn 2m mà nước rịn lên đầy nhóc. Mọi người vui mừng hết biết. Nước trong vắt, ngọt lịm, ông bà tôi và mọi người hết lo chết khát" - ông Quang kể.
Có nước ngọt dưới tán xoài, đời sống cư dân xã Vĩnh Trạch Đông dần đổi thay, mọc lên mầm xanh của sự sống. Người đến lấy nước xếp cả hàng dài. Mỗi người cũng gánh một đôi nước (2 thùng) về nhà. Hết người này rồi đến người kia. Nước giếng vơi rồi lại đầy. Còn cây xoài cổ thụ cứ thế phát triển tươi tốt.
"Gia đình tôi xài nước giếng đó 3 đời rồi. Đời tôi vẫn còn uống. Không có cây xoài, các cụ không tìm ra nước ngọt, tôi nghĩ cư dân ở đây khó lòng trụ nổi" - ông La Văn Lự, ấp Biển Tây A, góp lời khi nghe ông Quang kể về mạch nước "cứu khát" cho dân địa phương.
Chiêm ngưỡng "cụ" xoài độc lạ
Năm 1990, sau khi người dân quy tập hài cốt ở nghĩa trang Thọ Sơn gần "cụ" xoài, họ có thêm điều kiện chăm sóc cây hơn. Ông Quang nhớ trước đó, mảnh đất "cụ" xoài bén rễ sinh sống rộng 3ha là một khu rừng rậm, cây cối mọc hoang, nhiều rắn rết. Do đó, ngoài việc lấy nước giếng về xài thì dân ít ai dám bén mảng vào sâu khu rừng rậm này.
"Năm 1990, tôi nhớ "cụ" xoài cổ thụ này đã to dữ thần thiên địa rồi. Khoảng 20 nhánh lớn, gốc cây cả 5 người ôm đâu xuể" - ông Quang nhớ.
Thương quý cây cổ thụ cao niên cho mạch nước ngầm sự sống và có dáng hình độc lạ như cây dù, gốc nổi to u nần nhẵn bóng nên các cụ già địa phương đã cắm những nọc đá xung quanh để bảo vệ cây. Tuy nhiên, cũng lạ là lúc đó "cụ" xoài cổ mỗi năm trổ bông một lần nhưng ít khi đậu trái. Mấy năm sau đó "cụ" xoài cũng chẳng buồn ra bao trái. Chẳng hiểu có phải vì "cụ giận người ta đã rào cụ"?
Ông Quang kể đến năm 2015 (ngót 25 năm sau tính từ năm 1990), chính quyền xã Vĩnh Trạch Đông và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam mới vào cuộc, lấy da cây về phân tích và công nhận "cụ" là cây di sản Việt Nam có tuổi đời trên 334 năm.
Từ đó, cây xoài cổ thụ được chăm sóc tốt hơn, phát triển xanh mướt, cành nhánh xum xuê trở lại. Đặc biệt, năm nay "cụ" nở hoa vàng rực, trái sai lúc lỉu. Du khách đến chiêm ngưỡng cây ai ai cũng đều mê tít.
Trái xoài nhỏ mà rất ngọt thơm - Ảnh: CHÍ CÔNG
Có lẽ "cụ" xoài sống quá lâu năm nên trái nhỏ, tròn như trái đào. Khi chín, trái màu vàng, ngọt và có mùi thơm nhẹ, ăn rất ngon - ông Trần Chí Quang cho biết du khách đến chiêm ngưỡng được biếu vài quả ăn lấy lộc cổ thụ.
Chị Võ Thị Tuyết Trinh, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, vừa dạo quanh gốc vừa kể có nghe những gốc xoài cổ thụ tuổi đời trăm năm, nhưng nay còn may mắn được "mục sở thị" cây xoài trên 300 tuổi này.
"Không ngờ giáp biển mặn mà có cây cổ thụ to thật. Chú giữ cây nói năm, sáu năm nay không ra trái. Nhưng hôm nay mình đến đây mua được trái xoài thì chắc may mắn lắm. Mình mua về cho người thân trong gia đình ăn như để lấy lộc của cổ cây" - chị Trinh thổ lộ.
Ông Quách Lập, bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch Đông, cho biết vùng đất mặn mà có cây cổ thụ sống mấy thế kỷ như "cụ" xoài rất quý hiếm. Cây không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là niềm tự hào của 3.400 hộ dân địa phương. Từ lúc công nhận là cây di sản Việt Nam đến giờ, có rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Hiện địa phương đang lập dự án phát triển du lịch có điểm lưu trú để du khách viếng chùa Xiêm Cán, cánh đồng điện gió, đến chiêm ngưỡng cả "cụ" xoài mà hiểu thêm chuyện cổ cây và chuyện người nơi này...
Bảo vệ cổ thụ hiếm cho dân chiêm ngưỡng
Đó là chia sẻ của ông Quách Lập khi nghe tôi hỏi câu chuyện tâm linh xoay quanh gốc xoài cổ thụ trên 300 tuổi.
Ông Lập cho rằng trước đó nghe ở Bạc Liêu có xoài cổ thụ trên 300 tuổi, rồi đồn thổi cây có khả năng chữa bệnh nên nhiều người đến xin vỏ cây về làm thuốc. Gốc cây bị người dân lấy vỏ loang lổ rất nhiều và mục nát khiến cây mất sức sống.
"Tôi nghĩ đó chỉ là cây cổ thụ thiên nhiên và được công nhận cây di sản Việt Nam nên chúng tôi không cho dân lấy vỏ cây nữa! Cần gìn giữ, chăm sóc cây để bà con đến chiêm ngưỡng cổ thụ hiếm có" - ông Lập nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận